• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chính sách tài khóa tiếp tục khơi thông cho đầu tư, phát triển

(Chinhphu.vn) – Năm 2009, ngành Tài chính nói riêng đã phải đương đầu với nhiều thử thách: luồng vốn đầu tư gián tiếp giảm, thị trường chứng khoán trồi sụt, huy động vốn trong và ngoài nước đều gặp khó khăn... Tuy nhiên, ngành Tài chính đã nỗ lực rất lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ đầu tư, phát triển. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi về một năm đáng nhớ này.

15/02/2010 14:59

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: Chinhphu.vn

Xin Bộ trưởng cho biết  “điểm nhấn” năm qua của ngành Tài chính là gì?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Năm 2009 là năm rất khó khăn đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và ngành Tài chính nói riêng, khi mà nền kinh tế vừa trải qua nhiệm vụ chống lạm phát trong năm 2008, lại phải đối mặt với những khó khăn do suy giảm từ kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2008 - đầu năm 2009, cộng với những diễn biến phức tạp của thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh…

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, ngành Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN đạt 100,2% dự toán, chi NSNN ước vượt 8,5% so với dự toán, dành nguồn tăng chi cho an sinh xã hội với mức tăng trên 50% so với năm 2008.

Điểm nổi bật của ngành là đã đề xuất để sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách để triển khai có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, trong đó có chính sách miễn, giảm, giãn thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm lực phát triển sản xuất-kinh doanh; đồng thời thực hiện bảo lãnh tín dụng giúp các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư phát triển, cơ cấu lại sản xuất.

Ngành cũng tích cực huy động thêm các nguồn vốn thông qua việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, tăng tạm ứng ngân sách cho các dự án đầu tư phát triển; kết hợp cải cách tài chính doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan...

Kết quả là doanh nghiệp có điều kiện phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất, góp phần ngăn chặn được suy giảm kinh tế. GDP tăng trưởng nhanh và cao hơn dự báo. Cả năm đạt 5,32% (dự báo là 5%), riêng quý IV/2009 tăng trưởng đạt 6,9%.

Tuy nhiên, tôi cũng thẳng thắn cho rằng: Mặc dù thu NSNN năm 2009 đạt được kết quả tích cực, nhưng tình trạng thất thu, nợ đọng thuế vẫn còn; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu NSNN còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách tài chính vẫn chưa đạt như mong muốn.

Năm 2009, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, Bộ Tài chính đã thực hiện giãn, giảm và miễn nhiều loại thuế. Bộ đã cho phép chuyển vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2008 sang thực hiện năm 2009... Vậy, tác động của các chính sách linh hoạt đó đối với các kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Nhận thấy rõ tác động của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước, nên trong tháng 10/2008, Chính phủ đã có các cuộc họp xác định mục tiêu là phải nỗ lực hết sức, làm mọi cách để ngăn chặn suy giảm kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời phải tính sao cho các doanh nghiệp vẫn đảm bảo sản xuất - kinh doanh và an sinh cho xã hội.

Vì thế, với mục đích là phải tạo điều kiện trực tiếp cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vượt qua khó khăn, phát triển sản sản xuất-kinh doanh, ngành Tài chính đã đề xuất nhiều đóng góp, trong đó có giải pháp miễn, giảm, giãn thuế.

Ngay sau khi có Nghị quyết 30 của Chính phủ, Bộ đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản cụ thể hoá chủ trương miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các đối tượng nộp thuế.

Chỉ tính đến hết tháng 8/2009, đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế. Theo tính toán cả năm, tổng số thuế miễn, giảm, giãn khoảng 20.000 tỷ đồng; đồng thời đã tiếp tục rà soát để bãi bỏ khoảng 140 tỷ đồng các khoản phí và lệ phí khác.

Trong cuộc họp trực tuyến do Bộ tổ chức mới đây cho thấy, các doanh nghiệp hoan nghênh việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp miễn, giảm thuế. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục và mở rộng sản xuất- kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Về nhóm giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư phát triển, Bộ đã tập trung ứng trước NSNN, tăng chi từ vốn trái phiếu Chính phủ, chuyển vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2008 sang năm 2009.

Năm qua, nhiều chương trình đầu tư XDCB đã thực hiện có hiệu quả, công tác hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo đã thực hiện tốt; Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng đối với làng nghề nông thôn cũng được tiến hành đúng tiến độ. Bộ đã thẩm định và trình Chính phủ để cấp 468 triệu USD bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, đầu tư các dự án điện, xi măng...

Về đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách tài chính cũng đã đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ người nghèo; hỗ trợ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ các đối tượng chính sách.

 Có thể nói, các giải pháp tài chính nêu trên cùng với các chính sách khác đã tạo ra hệ thống giải pháp chính sách đồng bộ để đạt được kết quả ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà chúng ta đã đạt được trong năm qua.

Trong năm 2010 này, doanh nghiệp chắc chắn rất mong đợi những chính sách tài chính dài hơi hơn để có điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Những giải pháp cụ thể sẽ được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Năm 2010, phần lớn các dự báo trong và ngoài nước đều nhận định kinh tế thế giới đang chuyển biến tích cực, nhiều khả năng sẽ có cải thiện tốt hơn. Ở trong nước, chúng ta có những lợi thế căn bản, như chính trị ổn định, các cân đối vĩ mô tương đối tốt, thị trường nội địa vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, năm 2010 này vẫn sẽ còn khó khăn. Mặc dù các nền kinh tế lớn sẽ phục hồi nhưng chưa thể mạnh mẽ ngay được mà còn chứa đựng nhiều rủi ro, khó lường. Những vấn đề hậu khủng hoảng như bảo hộ mậu dịch, biến động giá cả nguyên liệu, năng lượng, lương thực... phát sinh làm cản trở sự phục hồi của các nền kinh tế. 

Ở trong nước, nền kinh tế mặc dù đã có xu hướng phục hồi nhưng chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như trước khi khủng hoảng, thêm vào đó là những yếu kém vốn có (như cơ sở hạ tầng, công nghệ, lao động chất lượng cao…) vẫn chậm được khắc phục. Chúng tôi coi đây là những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Để tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, năm 2010 này, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đầu tư đối với tất cả các thành phần kinh tế; hoàn thiện chính sách động viên tích cực để giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, vừa đảm bảo nguồn thu cho NSNN, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn phát triển sản xuất-kinh doanh...

Đồng thời mở rộng các hình thức đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo đầu tư kết hợp công - tư và đầu tư tư nhân sở hữu kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng (BOT, BT,...).

Bộ cũng sẽ tiếp tục thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, đẩy mạnh cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có các dự án sản xuất -  kinh doanh khả thi nhưng gặp khó khăn về tài chính; sử dụng có hiệu quả nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, hạ tầng nông thôn…

Đặc biệt sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện các loại thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo đúng lộ trình, phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn theo hướng ổn định và minh bạch; tăng cường công tác rà soát, cải cách thủ tục hành chính.

Có ý kiến cho rằng, năm 2010, nền kinh tế nước ta  sẽ đối mặt với nguy cơ với lạm phát cao như bội chi ngân sách lớn, mặt bằng giá cả mới sẽ được thiết lập khi kinh tế phục hồi… Ở góc độ ngành Tài chính, xin Bộ trưởng cho biết, sẽ có những biện pháp nào để ngăn chặn lạm phát tăng cao?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Trong năm 2010, dự kiến tăng trưởng sẽ phục hồi ở mức cao hơn so với năm 2009 nhưng đi kèm theo đó sẽ là áp lực tăng giá do hệ quả của các giải pháp nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ trong năm 2009 và tác động của việc giá cả thế giới tăng.

Chúng ta luôn khẳng định, ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, trong đó có việc kiềm chế lạm phát là ưu tiên, cân bằng giữa hai mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế, trong đó ổn định kinh tế là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Dó đó, để thực hiện mục tiêu này, các chính sách tài chính - tiền tệ cần được thực hiện linh hoạt, thận trọng.

Đối với chính sách tài khoá, Chính phủ chỉ đạo cần thực hiện tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả cả trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên; phấn đấu tăng thu NSNN so với dự toán và ưu tiên sử dụng tăng thu để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Điều hành linh hoạt chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá...

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, tập trung bố trí vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010-2011.

Đối với chi thường xuyên, phải chủ động sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách; hạn chế các khoản chi mang tính phô trương, lãng phí như hội họp, lễ hội, tổng kết; kiểm soát chặt chẽ dư nợ vay và đảm bảo trả nợ vay đúng hạn.

Đặc biệt cần phối hợp chặt chẽ công tác điều hành vay bù đắp bội chi và phát hành trái phiếu Chính phủ với công tác điều hành chính sách cung tiền tệ, chính sách lãi suất, nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và đảm bảo huy động đủ nguồn cho nhu cầu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Các địa phương chủ động phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành tăng cường quản lý giá trên địa bàn, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền, đảm bảo nguồn cung cầu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong dịp Tết Nguyên đán, tránh để tình trạng tăng giá hàng hoá cục bộ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Giang Oanh (thực hiện)