Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng phòng Phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài - Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam hiện nay rất thông thoáng so với các nước trên thế giới. Chính sách này được nhiều cơ quan, tổ chức đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam, là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh.
Xin đồng chí hãy nêu chính sách nổi bật về thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam trong thời gian qua?
Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương: Ngày 24/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách thị thực nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, mang tính đột phá trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như: Cấp thị thực điện tử thời hạn đến 90 ngày, có giá trị nhập xuất cảnh nhiều lần, áp dụng cho công dân các nước, vùng lãnh thổ theo quyết định của Chính phủ; người nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực đơn phương được cấp chứng nhận tạm trú đến 45 ngày.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện miễn thị thực nhập cảnh cho 26 công dân của các quốc gia. Trong đó, Việt Nam miễn thị thực song phương cho công dân 13 quốc gia và miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán ký Hiệp định miễn thị thực song phương với một số nước khác.
Ngày 14/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP, theo đó, Chính phủ quyết định cấp thị thực điện tử (evisa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ nhập cảnh Việt Nam, cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng evisa qua 42 cửa khẩu quốc tế (gồm: 13 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ, và 16 cửa khẩu đường biển).
Chính sách về thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam đã đem lại lợi ích cụ thể như thế nào đối với người nước ngoài cũng như các tổ chức, doanh nghiệp? Kết quả cụ thể đã đạt được như thế nào?
Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương: Giai đoạn 2015 đến 2019, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tăng hàng năm (trung bình năm sau hơn năm trước 10%), trong đó công dân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam tăng trưởng mạnh và đóng góp nhiều nhất vào số lượng người nước ngoài nhập cảnh, chiếm đến hơn 30%.
Sau khi triển khai thực hiện Luật số 23/2023/QH15, với những chính sách thị thực thông thoáng, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam tăng mạnh, nhiều nhất là công dân các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc, Pháp, Ấn Độ, Đức ...
So với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch COVID-19 diễn ra), lượng khách từ một số khu vực đã phục hồi và tăng đang kể như: châu Úc đạt 119%, châu Á đạt mức 106%, châu Mỹ đạt mức 103%, châu Âu gần hồi phục hoàn toàn đạt 92%. Tại Nam Á, công dân Ấn Độ nhập cảnh tăng đột phá, đạt mức 312% so với trước dịch, tương tự là công dân Campuchia, đạt 396%.
Công dân các nước mới được áp dụng cấp thị thực điện tử tăng mạnh đến gần 400%.
Có thể nói, sau khi chính sách về thị thực được triển khai, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng, đa dạng về mục đích, quốc tịch. Số lượng người nước ngoài nhập cảnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,8 triệu lượt, tăng 58.4% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 4.1% so với cùng kỳ năm 2019.
Việc tạo thuận lợi về chính sách thị thực đã tạo đòn bẩy rất lớn thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt thủ tục cấp thị thực điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện.
Cụ thể là người nước ngoài có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử mà không cần có cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước mời, bảo lãnh, đặc biệt góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch, tìm hiểu thị trường, đầu tư… mà chưa có điều kiện liên hệ với cơ quan, tổ chức ở trong nước.
Ngoài ra, về thủ tục đề nghị cấp thị thực điện tử: toàn bộ quá trình từ đề nghị cấp thị thực điện tử đến xử lý, giải quyết cấp và nhận, in thị thực điện tử đều được thực hiện thông qua phương tiện điện tử, việc nộp phí thị thực cũng được trực tuyến qua thanh toán điện tử, góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian, giảm bớt các thao tác đối với người đề nghị.
Người nước ngoài có thể tự in thị thực điện tử thông qua hệ thống giao dịch điện tử, không phải làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế, không phải qua khâu trung gian.
Đặc biệt, thời hạn giải quyết cấp thị thực điện tử rất nhanh chóng, chỉ trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực.
Người nước ngoài được cấp thị thực điện tử có thể nhập cảnh Việt Nam với các mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam và được phép chuyển đổi mục đích trong một số trường hợp như: có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư, có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh; có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật …
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 430/QĐ-BCA ngày 26/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, hiện đã có 15 dịch vụ công trên 17 thủ tục hành chính liên quan đến người nước ngoài thực hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh được thực hiện trên môi trường điện tử.
Trong 15 dịch vụ này, đã có 6 dịch vụ đạt mức toàn trình (hoàn toàn trên môi trường điện tử). Việc áp dụng các dịch cụ công trên tạo điều kiện rất lớn cho người nước ngoài, cơ quan tổ chức có thể ngồi tại nhà mà không cần đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để nộp hồ sơ xin cấp phép nhập cảnh hoặc cấp giấy tờ cư trú cho người nước ngoài tại Việt Nam như trước kia.
Như vậy, có thể nói, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam rất thông thoáng so với các nước trên thế giới. Chính sách này được nhiều cơ quan, tổ chức đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam, là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh với các nước trong khu vực.
Việc Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ đã thu hút nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Đối với người nước ngoài, họ cần lưu ý gì khi đề nghị cấp thị thực điện tử để nhập cảnh Việt Nam?
Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương: Chính sách cấp thị thực điện tử đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao do thủ tục rất đơn giản, người nước ngoài có nhu cầu đề nghị cấp thị thực điện tử thực hiện hoàn toàn qua mạng, tự làm thủ tục từ khai thông tin đến nộp phí, nhận kết quả, không phải qua khâu trung gian. Quá trình thực hiện, người nước ngoài cần lưu ý:
Thứ nhất, người nước ngoài cần tìm hiểu, truy cập đúng Trang thông tin cấp thị thực điện tử của Việt Nam qua địa chỉ evisa.xuatnhapcanh.gov.vn để khai thông tin, tải ảnh, nộp phí đề nghị cấp thị thực. Tránh việc truy cập không đúng Trang thông tin dẫn đến phải nộp phí trái quy định của Việt Nam.
Thứ hai, người nước ngoài cần nghiên cứu thông tin trên tờ khai đề nghị cấp thị thực điện tử, khai đủ, đúng thông tin, tải đúng ảnh, trang nhân thân hộ chiếu,…và đảm bảo chính xác các thông tin đã khai, tránh vi phạm pháp luật về việc khai không đúng sự thật để được cấp thị thực sẽ bị xử lý theo quy định.
Thứ ba, người nước ngoài cần tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú liên quan đến người nước ngoài để đảm bảo cho quá trình nhập xuất cảnh Việt Nam như: Phải thông qua cơ sở lưu trú để thực hiện việc khai báo tạm trú; xuất trình hộ chiếu giấy tờ cho Cơ sở lưu trú để thực hiện khai báo tạm trú, hoạt động đúng mục đích nhập cảnh,…
Đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị (Chỉ thị số 06/CT-TTg và Chỉ thị số 08/CT-TTg) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho ngành du lịch phát triển, trong đó có định hướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương cho người mang hộ chiếu phổ thông, xin đồng chí cho biết 2 Chỉ thị trên đang được thực hiện như thế nào?
Đại tá Nguyễn Thị Bình Phương: Chính sách đơn phương miễn thị thực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; nâng cao nguồn thu ngân sách, thúc đẩy tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quốc tế của đất nước, con người Việt Nam; phát triển kinh tế xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước.
Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử của Việt Nam hiện nay đã thuận tiện, nhanh chóng, được công dân nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao và lựa chọn sử dụng.
Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo và được Chính phủ đồng ý, chỉ đạo giao Bộ Ngoại giao chủ trì đề xuất lộ trình miễn thị thực theo hướng đẩy mạnh đàm phán miễn thị thực song phương với các nước trên cơ sở "có đi có lại" và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thị thực điện tử, phát triển du lịch.
Phương Liên (thực hiện)