Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chính sách visa linh hoạt là yếu tố then chốt để phát triển bền vững ngành du lịch - Ảnh: VGP/Lê Anh
Đây là chia sẻ của các chuyên gia và các doanh nghiệp ngành du lịch tại hội thảo "Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 24/4.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2025, Việt Nam đã đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, một tín hiệu tích cực, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế đến Việt Nam. Với đà này, mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 hoàn toàn khả thi nếu các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về visa và hàng không được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch phát triển (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia du lịch hàng đầu luôn áp dụng chính sách visa linh hoạt cùng chiến lược mở rộng mạng bay. Tại Thái Lan, Nhật Bản hay UAE, việc miễn/giảm visa luôn đi đôi với mở rộng đường bay, tăng tần suất chuyến và hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. "Chính sách visa thuận lợi sẽ tạo ra nhu cầu và ngành hàng không sẽ hiện thực hóa tiềm năng đó bằng các kết nối cụ thể", ông Trung chia sẻ.
Để ngành du lịch Việt Nam cất cánh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Quang Trung kiến nghị một số giải pháp trọng tâm về chính sách visa, trong đó mở rộng nhóm nước miễn visa, tập trung các quốc gia có dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng phát triển về khách du lịch cũng như nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Trung cũng đề nghị thành lập nhóm công tác giữa các cơ quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và Vietnam Airlines để đồng bộ hóa chính sách visa với kế hoạch phát triển mạng đường bay, thị trường. Nhóm này sẽ định kỳ đánh giá hiệu quả của các chính sách visa và đề xuất điều chỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation - Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cho rằng, nếu so về số lượng các nước được miễn visa và thời gian làm thủ tục thì Việt Nam vẫn còn khá "yếu". Việt Nam hiện chỉ miễn thị thực cho 25 quốc gia, trong khi các nước trong khu vực, như Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 và nâng số quốc gia được áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu từ 19 lên 31. Malaysia cũng miễn thị thực cho 158 quốc gia... Thời gian xử lý thủ tục xin evisa của các nước cũng chỉ khoảng 1-2 ngày, có nước xử lý chỉ trong 14 giờ, nhưng vào Việt Nam thủ tục lâu hơn.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% và đạt hai con số trong giai đoạn tiếp theo, ngành du lịch cũng đặt mục tiêu trở thành động lực kinh tế quan trọng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10-12% mỗi năm, để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất, bên cạnh hình thức miễn thị thực theo quốc tịch, Việt Nam có thể cân nhắc triển khai các chính sách miễn visa linh hoạt, hướng đến những nhóm khách có giá trị cao và nhu cầu đặc thù.
Cụ thể, có thể áp dụng miễn visa từ 15-30 ngày cho các khách cao cấp (mức chi tiêu từ 2.000-5.000 USD), khách MICE, nhóm du khách trẻ Gen Z dưới 35 tuổi, hoặc khách đi thăm thân - với hình thức xác minh qua hóa đơn, thư mời hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ.
Đối với khách đặt tour trọn gói qua các doanh nghiệp uy tín hoặc quá cảnh tại các sân bay quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng), có thể áp dụng chính sách miễn visa trong thời gian từ 15-72 giờ. Bên cạnh đó, các chương trình đặc biệt như "Welcome back to Vietnam" dành cho khách quốc tế từng đến Việt Nam trong vòng 5 năm, hay chính sách miễn visa theo mùa thấp điểm kéo dài 30 ngày cũng có thể góp phần tăng trưởng lượng khách trở lại.
Riêng với Phú Quốc, tiếp tục duy trì chính sách miễn visa 30 ngày cho du khách nhập cảnh trực tiếp từ nước ngoài và mở rộng truyền thông về quyền lợi của người mang thẻ APEC - được miễn thị thực 60 ngày cho mục đích công tác. Ngoài ra, có thể tính toán mở visa theo sự kiện, mở theo mùa...
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Giám đốc Marketing Vinpearl cho rằng, ngành du lịch cần ưu tiên, quy hoạch miễn thị thực cho các nhóm thị trường chiến lược đang có tiềm năng, dư địa tăng trưởng thực sự.
Theo đó, có thể quy hoạch một số nhóm chính, như: Nhóm thị trường có lượng khách chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài. Tiếp theo là nhóm thị trường với xu hướng khách yêu thiên nhiên, văn hóa bản địa, có xu hướng đi nghỉ dài ngày và không ngại chi trả cho các trải nghiệm cao cấp. Nhóm các thị trường mới nổi có đặc điểm du khách thích nghỉ dài ngày, sẵn sàng chi tiêu và tìm kiếm các điểm đến nắng ấm để tránh mùa Đông.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Giám đốc Marketing Vinpearl kiến nghị về các chính sách visa cho du khách - Ảnh: VGP/Lê Anh
"Chúng tôi cho rằng, nếu có chính sách visa ưu đãi phù hợp, nhóm thị trường này sẽ là nguồn khách dồi dào cho phân khúc nghỉ dưỡng mùa thấp điểm", bà Thủy nhấn mạnh
Bà Nguyễn Thu Thuỷ cũng kiến nghị Nhà nước cho phép triển khai thử nghiệm mô hình "Visa sandbox" tại một số điểm đến có hạ tầng quản lý tốt, như Phú Quốc, Nha Trang hoặc Hạ Long. Việc thử nghiệm theo mùa hoặc theo chiến dịch truyền thông sẽ giúp đo lường thực tế hiệu quả từ chính sách trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Kiến nghị thêm về chính sách xúc tiến quảng bá du lịch trong thời gian tới, đại diện tập đoàn SunGroup đề xuất các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, vận chuyển có thể liên kết với nhau để tổ chức quảng bá, như vậy sẽ tạo ra sức mạnh và sự lan tỏa rộng hơn.
Hiện nay SunGroup đang nỗ lực tạo ra các điểm nhấn dành cho du khách, như biến Phú Quốc thành hòn đảo pháo hoa, mỗi đêm đều có 2 show trình diễn pháo hoa. Hay ở Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế, ở Cát Bà (Quảng Ninh) cũng sẽ có chương trình pháo hoa công nghệ trong suốt những tháng mùa hè.
Lê Anh