Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chất lượng thu hút FDI đang được nâng lên tầm cao mới. |
Bốn nhiệm vụ và giải pháp cần làm ngay
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành vào đúng thời điểm cần thiết và có tầm quan trọng đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời kỳ mới, cũng như để cộng đồng quốc tế thấy rõ sự nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (ÐTNN) của Ðảng và Nhà nước ta và Việt Nam tiếp tục là điểm đến tin cậy của các nhà ÐTNN.
Đó là nhận định của TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN (Bộ KH&ĐT). Theo ông Thắng, trong bảy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết 50-NQ/TW cũng như từ thực trạng tồn tại các hạn chế, yếu kém của ÐTNN đến nay, cho thấy trước mắt cần tập trung vào bốn nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư; hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, giám sát đầu tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ÐTNN; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng.
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT). |
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết 50-NQ/TW, ông Phan Hữu Thắng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu sâu để xác định được các đề án cụ thể tương ứng với từng nhiệm vụ, giải pháp nhằm có thể tổ chức thực hiện Nghị quyết này phù hợp với quan điểm chỉ đạo và thời hạn hoàn thành đặt ra.
Ðể Nghị quyết 50-NQ/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về ÐTNN, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải chủ động với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, cần chú ý tuyên truyền, phổ biến một cách dễ hiểu, thiết thực về nội dung, ý nghĩa của Nghị quyết đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đến người lao động trong các doanh nghiệp có vốn ÐTNN nói riêng và xã hội nói chung nhằm nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ và nhất quán về vị trí, vai trò của ÐTNN đối với nền kinh tế Việt Nam.
Như vậy sẽ tăng cường được sự giám sát của xã hội đối với hoạt động ÐTNN tại Việt Nam, góp phần vào nâng cao chất lượng, hiệu quả ÐTNN, ông Thắng nói.
Không để nhỡ chuyến tàu cho Việt Nam cất cánh
GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE) đánh giá việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về ÐTNN cùng với hai nghị quyết trước đó về phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
“Nếu ba đội quân chủ lực (kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn ÐTNN) cùng phát triển, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, tiến kịp các nước phát triển”, GS. Nguyễn Mại khẳng định.
Nghị quyết 50 bao gồm rất nhiều điểm mới. Quan trọng nhất, Đảng và Nhà nước đề cao tính chất lượng trong các dự án ÐTNN. Bên cạnh đó, vấn đề lựa chọn, đổi mới hệ thống cơ chế vận hành, tăng cường hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra đều được nhấn mạnh. Nhiều hoạt động thu hút vốn ÐTNN của Việt Nam cũng sẽ đi theo chiều hướng tích cực hơn.
GS.TS Nguyễn Mại. |
Ông Mại cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, chiến lược thu hút FDI cũng cần phải thay đổi, phải coi trọng những dự án FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, hiệu quả lớn… Là nước có thu nhập thấp bước sang ngưỡng thu nhập trung bình, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn. Với ĐTNN, Đảng và Nhà nước chủ trương coi trọng chất lượng hiệu quả hơn bao giờ hết ở thời điểm hiện nay.
Nghị quyết 50 tiếp tục khẳng định việc thu hút đầu tư FDI phải đúng định hướng, kiên quyết không đánh đổi tất cả để thu hút đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết cũng chỉ ra, chúng ta cần phải thay đổi cơ chế chính sách ưu tiên, trong đó ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai như IoT, Blockchain… Tất cả những lĩnh vực liên quan đến công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai, chúng ta phải khuyến khích, ưu tiên đặc biệt để góp phần vào triển khai nhanh mô hình tăng trưởng, góp phần vào khoa học công nghệ, tạo ra nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao. Để làm được việc đó, chúng ta phải có thay đổi cơ bản về thể chế.
Đặc biệt, phải khắc phục những hạn chế vẫn tồn tại như chuyển giá, gây ảnh hưởng tới môi trường, không đảm bảo tiền lương cho người lao động, thiếu pháp chế, bảo hộ cho người lao động. “Việt Nam cần phải siết chặt lại, cũng vừa phải khuyến khích để hoạt động đầu tư có hiệu quả”, GS. Nguyễn Mại nhận định.
Tin tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài chân chính
“Đây là một tin tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài chân chính”, bà Bùi Kim Thuỳ, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN chia sẻ.
Theo nhận định của bà Bùi Kim Thuỳ, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút FDI là một tín hiệu tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Bà đồng tình với những định hướng chiến lược quan trọng mà Nghị quyết 50 đã vạch ra trong thu hút FDI giai đoạn tới, kể cả những vấn đề mà chắc chắn không ít nhà đầu tư không thích, như hậu kiểm chặt chẽ các cơ chế ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng, nếu không thực hiện đúng cam kết thì sẽ bị “cắt” các ưu đãi đó. Phải đổi mới hệ thống xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án, khai thác các dự án, thanh tra nắm bắt xử lý nhanh các vấn đề sai trái pháp luật. Đồng thời, phải đổi mới, tạo ra sự linh hoạt trong bộ máy hoạt động, tích cực hơn, đảm bảo điều kiện mục tiêu, số lượng.
Bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN. |
“Khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, câu chuyện về một kỷ nguyên mới trong thu hút FDI đã được nhắc tới. Bây giờ, không còn là kỳ vọng hay kế hoạch, mà kỷ nguyên mới đó dường như đã gần với hiện thực hơn, khi Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị không chỉ vạch ra mục tiêu về số lượng, mà cả chất lượng của dòng vốn ĐTNN trong giai đoạn tới”, bà Thuỳ nói.
Thực hiện Nghị quyết, không chỉ số lượng, mà chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI sẽ nâng lên một bậc, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá.
Bà Bùi Kim Thuỳ phân tích, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đưa hầu hết tất cả các quốc gia, không phân biệt các quốc gia đó đã phát triển, đang phát triển hay kém phát triển về cùng một vạch xuất phát trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Nếu bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ này, Việt Nam sẽ vượt lên rất nhanh trong cuộc đua này mà không tốn kém quá nhiều nguồn lực nếu thực sự chúng ta có những chính sách phù hợp.
Nguyên tắc công bằng
Sau 30 năm thu hút FDI, bên cạnh những thành tựu quan trọng, thì những tồn tại, hạn chế của FDI cũng được nhắc tới nhiều. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế này, như chuyện chuyển giá, gây ô nhiễm môi trường, đầu tư núp bóng, vốn mỏng… Nhưng nay, theo bà Bùi Kim Thùy, sẽ không có “cửa” cho các dự án như vậy, bởi lẽ, Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện thể chế, chính sách để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Vấn đề đảm bảo an ninh, quốc phòng đã được nhấn mạnh.
Chưa kể, cũng theo Nghị quyết, phải sàng lọc kỹ dự án, chống chuyển giá ngay từ khâu thành lập, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên…
Quan trọng hơn, Nghị quyết đã chỉ rõ những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới, đó là các dự án công nghệ cao, công nghệ của tương lai, các dự án của các tập đoàn lớn…
“Với việc thực hiện Nghị quyết, hàm lượng chất lượng của các dự án ĐTNN sẽ tốt hơn. Các cơ quan nhà nước sẽ tham chiếu chặt chẽ các quy định, tiêu chí đã đặt ra trong Nghị quyết, cả về công nghệ, về an ninh quốc phòng… để lựa chọn các dự án tốt”, bà Bùi Kim Thuỳ nói.
Cùng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Nghị quyết 50/NQ-TW nhấn mạnh việc ngoại trừ các lĩnh vực hạn chế đầu tư, cam kết đối xử bình đẳng, không phân biệt nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, sẽ thúc đẩy hơn nữa ĐTNN vào Việt Nam.
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân), Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút ĐTNN như lao động giá rẻ, vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng, logistics được cải thiện, chính sách cởi mở. Đặc biệt, Việt Nam còn tham gia vào các sân chơi quốc tế, hưởng nhiều ưu đãi thông qua các hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp ĐTNN cần đến Việt Nam làm địa bàn trung chuyển sản xuất, xuất khẩu để hưởng những ưu đãi đó.
Vì thế, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh nguyên tắc tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhưng phải công bằng cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Với những lĩnh vực ưu tiên, Nhà nước có thể có những khuyến khích nhất định nhưng phải có ràng buộc cụ thể đổi lại, như về chuyển giao công nghệ, để có thể đạt được mục tiêu với lĩnh vực ưu tiên đó. Các văn bản pháp luật phải có quy định cụ thể về sử dụng lao động, môi trường, ràng buộc về công nghệ và chuyển giao công nghệ, tránh chung chung, không cụ thể dẫn tới bị hiểu sai, lúng túng trong thực hiện.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN Nguyễn Văn Toàn lại cho rằng cần dứt khoát từ chối dự án rủi ro cao về môi trường. Chúng ta phải thành lập một đội ngũ đủ năng lực để xác định thế nào là công nghệ cao, thế nào là công nghệ nguồn và đi kèm với nó là những chính sách cụ thể cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh. Theo ông Toàn, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ KH&CN cần phải vào cuộc và phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng bộ tiêu chí này.
Theo bà Bùi Kim Thuỳ, thời gian qua, chúng ta có quá nhiều chính sách ưu tiên nhưng lại không nêu rõ ưu tiên cho lĩnh vực nào, mức độ bao nhiêu và cần phải kiểm tra, giám sát để bảo đảm đầu tư đó có lợi cho quốc gia. Vì vậy, phải có kế hoạch xác định lĩnh vực cần thu hút, cần được ưu tiên và ưu tiên ở mức độ nào.
Theo bà Thuỳ, những lĩnh vực cần được ưu tiên bao gồm: Lĩnh vực công nghệ cao để phát triển kinh tế nhanh chóng; đầu tư vào nông nghiệp; những lĩnh vực trọng điểm của quốc gia như giao thông, hạ tầng cơ sở cần phải cải thiện, y tế, giáo dục. Chính phủ phải có kế hoạch đầu tư và tự đánh giá kế hoạch mình đặt ra. Đưa ra những chỉ tiêu cụ thể hàng năm và phải đặt ra chiếu lược 5 năm, 10 năm, thậm chí phải có chiến lược phát triển quốc gia trong 30-50 năm. Cần phải so sánh kết quả đạt được với mục tiêu đề ra.
Nếu chúng ta thực hiện được những mục tiêu lớn của Nghị quyết 50, đó chính là điều khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, chờ đợi, là lý do khiến họ cam kết tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong quá trình phát triển. Họ đồng hành với Việt Nam để cùng mang tới một kỷ nguyên mới của dòng vốn ĐTNN tại Việt Nam.