Bốn dòng lúa triển vọng trên đang được các hợp tác xã nhân giống với quy mô 106 ha và thực hiện chuyển giao ứng dụng cho nông dân phục vụ nhu cầu cung cấp giống cho sản xuất. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống và Phòng Nông nghiệp các huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn biện pháp canh tác phù hợp đảm bảo chất lượng ổn định của các giống lúa thơm, độ thuần của các giống lúa và phương pháp tồn trữ đúng cách đảm bảo phẩm chất gạo thơm. Tại các vùng quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ (huyện Trà Ôn), xã Trung Nghĩa (huyện Vũng Liêm), Phòng Nông nghiệp huyện nhân rộng các điểm trình diễn giống lúa mới, hướng dẫn quy trình sản xuất giống và phương pháp thu hoạch giống để cung cấp cho diện tích sản xuất lúa trong vùng, thông qua mạng lưới hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Cửu Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Với mục tiêu đến năm 2015 nâng diện tích sử dụng giống lúa xác nhận lên trên 80%, mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao chiếm từ 10.000 – 30.000 ha/vụ, năm 2010 ngành nông nghiệp Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án “Sản xuất giống lúa nguyên chủng”, “Sản xuất giống lúa xác nhận”, “Sản xuất giống lúa chất lượng cao”… Ngành cũng nghiên cứu cải thiện phẩm chất giống cũ và lai tạo giống mới thay thế các giống IR50404, OM 576, Móng chim…đang được nông dân sử dụng nhiều nhưng không đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Các dự án tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình thâm canh sản xuất lúa chất lượng theo hướng an toàn bền vững, thay đổi tập quán chuyển sang sản xuất quy mô lớn và tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng đến xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Vĩnh Long, nâng cao giá trị xuất khẩu và thu nhập của nông dân.
Huỳnh Kim Phượng