Chọn ngành hôm nay là cho tương lai mai sau
(Chinhphu.vn) - Ngành học sẽ quyết định đến 80% nghề nghiệp của một người sau này. Nếu chọn đúng ngành đúng sở thích và đam mê thì công việc sau này sẽ thuận lợi. Nếu chọn sai khả năng làm trái ngành sau khi ra trường là rất cao.

Trường đại học có mô hình "viện nghiên cứu trong trường học" sẽ tận dụng được nguồn lực, tri thức từ các doanh nghiệp đến với các sinh viên
Đồng hành hướng nghiệp cần sớm
Thị trường lao động trong nước nhiều năm gần đây đã có sự phân hóa, phân cấp rất rõ. Phân hóa giữa các ngành nghề khác nhau, phân cấp về trình độ, năng lực và kinh nghiệm của người lao động trong từng ngành nghề. Sinh viên ra trường tìm được việc làm sớm và có thể có mức lương cao là không hề dễ dàng.
Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, cha mẹ nào cũng muốn con mình học hành giỏi giang, vào được những trường đại học danh tiếng, kiếm được công việc tốt, có thu nhập hậu hĩnh… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để mỗi học sinh và gia đình lựa chọn ngành nghề tương lai đúng đắn là phải trả lời được các câu hỏi như: Ngành học đó có phù hợp với tố chất của bạn trẻ hay không, khi tốt nghiệp thì ngành nghề đó có còn "đắt giá" hay không? Cụ thể hơn, mỗi bạn lại nên có các tiêu chí chọn trường được cụ thể hóa theo từng gia cảnh, từng mục tiêu nghề nghiệp của mình.
"Mỗi người có ước mơ riêng, nhưng phải dựa trên sở thích, năng lực bản thân, sở trường, tầm nhìn xa, cơ hội phát triển", thầy Khánh đưa lời khuyên và cho biết thêm, "Tôi đã nhận nhiều lá đơn xin chuyển ngành của các em sinh viên năm 2, năm 3 vì nhận ra bản thân không phù hợp với ngành nghề đang theo học. Đây thực sự là rất đáng tiếc và lãng phí".
Cũng theo thầy Nguyễn Phú Khánh, các trường đại học phải đồng hành hướng nghiệp với học sinh từ rất sớm bằng những buổi tư vấn, "truyền lửa" về ngành, về nghề ngay từ khi các em đang học THPT để có được sự lựa chọn hợp lý cho tương lai.
Trước đây doanh nghiệp thường thụ động ngồi chờ ứng viên đến nộp hồ sơ ứng tuyển. Các trường đại học cũng thụ động chờ sinh viên đến thi tuyển. Đó là cách làm "hái phần ngọn" và khiến doanh nghiệp, trường học không chủ động được nguồn nhân lực của mình. "Nếu muốn không bị thiếu nhân sự, thiếu sinh viên thì giải pháp tốt nhất chính là 'chăm từ gốc đến ngọn'", PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cho hay.
Việc "chăm từ gốc" chính là định hướng nghề nghiệp. "Không chỉ ở cấp 3, mà tôi nghĩ cần phải sớm hơn, từ cấp 1, cấp 2. Như tại nước ngoài, tôi từng chứng kiến một đứa trẻ 10 tuổi được trải nghiệm giờ học về hàng không. Đó là cách để các em tiếp xúc sớm với ngành nghề mà mình yêu thích".
Điều chỉnh đào tạo phù hợp thực tế
"Việt Nam toàn thừa thầy thiếu thợ" là câu nói thường đến từ các nhà quản lý, khi các bạn trẻ luôn đặt mục tiêu học đại học là ưu tiên số một, đến khi ra trường thì họ không có đủ các kỹ năng công việc mà doanh nghiệp cần. Thực tế hiện nay câu này đã ít được nhắc đến hơn trước đây. Lý do là các trường đại học đã điều chỉnh nội dung đào tạo sát thực tế hơn, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh cho rằng, xu hướng đúng đắn, hợp thời đại là trường đại học chú trọng cả đồng hành hướng nghiệp cùng học sinh và kết nối với doanh nghiệp để tạo thành một chu trình khép kín, đảm bảo hiệu quả đào tạo. Hình thành mô hình gắn kết giữa nhà trường-viện nghiên cứu-doanh nghiệp để tối ưu hóa lộ trình học tập, thực hành cho sinh viên, đào tạo theo "đặt hàng" doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hưng Hải, Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam cho biết: "Từ góc độ doanh nghiệp, hầu như các doanh nghiệp đều phải có kế hoạch dài hơi về nhân sự, bám sát và điều chỉnh theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vì thế, từ nhiều năm trở lại đây, chúng tôi đã có sự đồng hành với các trường qua những mô hình khác nhau như tài trợ phòng lab, nhận sinh viên thực tập, hoặc tư vấn về kiến thức mới cho chương trình đào tạo. Qua đó, có sự tiếp cận hai chiều giữa doanh nghiệp với các nhân sự trẻ tương lai".
Ông Hải cũng cho rằng, nếu trường đại học có mô hình "viện nghiên cứu trong trường học" sẽ tận dụng được nguồn lực, tri thức từ các doanh nghiệp đến với các sinh viên, đồng thời giúp các em sớm làm quen với những công nghệ mới nhất, trực tiếp trải nghiệm và tham gia nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm ứng dụng công nghệ đó.
Theo khảo sát về thị trường lao động gần đây, các ngành sẽ có nhu cầu phát triển mạnh trong thời gian tới là marketing, logistics, quản lý chuỗi cung ứng… Cùng đó, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt về điều dưỡng viên và người làm về dược. Đây là những nhu cầu gia tăng dựa trên sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề quan trọng học ngành gì, học thế nào, các bạn sinh viên cần chuẩn bị tâm thế, chọn thái độ học tập tích cực. Nghĩa là dù học ở ngành nào, nhưng nếu bạn có quá trình học tập tốt, có đủ kỹ năng, thái độ làm việc tích cực thì bạn vẫn có thể thích ứng với sự đổi thay của công việc trong bối cảnh thị trường việc làm thay đổi liên tục. Nếu chỉ chọn ngành "hot" mà bản thân cá nhân ấy sau khi ra trường không có kỹ năng, không có thái độ làm việc cầu tiến, sẽ không thể có sự thành công trong công việc.
Phương Liên