Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên việc sử dụng tên nhân vật lịch sử để đặt tên đường phố lại chưa được thống nhất và không quy chuẩn. Chẳng hạn theo phân tích của Đại tá, PGS.TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các phố Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ là lấy miếu hiệu của các vị vua. Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn, Lê Thái Tổ tức Lê Lợi. Điều đó hoàn toàn hợp lý cũng như các phố Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông... Tuy nhiên, với nhiều trường hợp khác lại không tuân theo quy chuẩn như vậy.
Phố Hai Bà Trưng là tuyến phố sớm định vị trong tâm thức của người Hà Nội nhưng có lẽ do quá quen không chỉ với người Hà Nội nên tên Hai Bà Trưng chứ không phải là Trưng Trắc và Trưng Nhị được sử dụng phổ biến cho dù tên gọi này hoàn toàn không chính xác khi thậm chí nhiều em học sinh còn lầm tưởng Hai Bà Trưng là tên một nhân vật chứ không phải là tên gọi chung 2 nhân vật khác nhau.
Hoặc chẳng hạn như tên phố Trần Hưng Đạo, một nhân vật có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Tên thật của ông là Trần Quốc Tuấn, được vua Trần sắc phong tước vị là Hưng Đạo Đại vương, do đó Trần Hưng Đạo không phải là tên, cũng không phải tước vị chính thức.
Từ những trường hợp cụ thể trên, câu hỏi đặt ra là như vậy, xét về quy chuẩn chúng ta đang chọn tên hay tước vị, miếu hiệu của danh nhân để đặt tên phố?
Một bất cập khác trong việc lựa chọn tên danh nhân đặt cho các tuyến phố, con đường của Hà Nội hiện nay, theo GS Phan Huy Lê đó là xu hướng đặt tên các danh nhân thời hiện đại nhiều hơn là các nhân vật lịch sử lâu đời. Theo quan điểm cá nhân, GS Phan Huy Lê cho rằng cần bổ sung nhiều hơn tên của các nhân vật lịch sử thời kỳ phong kiến vì: “Tôi thấy gần đây chúng ta mới bổ sung tên chúa Nguyễn Hoàng để đặt tên đường. Đây là người có công rất lớn trong việc mở rộng bờ cõi nước ta về phía Nam đến miền Trung. Tuy nhiên vẫn chưa có tên của chúa Nguyễn Phúc Chu là người đã mở rộng địa bàn của nước Việt đến tận miền Nam. Các đời chúa Trịnh, cũng có công đã mở rộng, quy hoạch lại địa giới Hà Nội”.
Mặc dù nhiều đường phố mới chưa có tên để đặt do cạn kiệt quỹ tên, theo lý giải của ngành văn hóa Hà Nội, nhưng có vẻ như chúng ta đang bỏ sót nhiều danh nhân lịch sử có vai trò rất lớn trong lịch sử dân tộc trong cả một giai đoạn.
Rõ ràng, nếu thống kê rà soát và nghiên cứu lại hệ thống danh nhân, nhân vật lịch sử suốt chiều dài lịch sử dân tộc thì kho dữ liệu tên của chúng ta không hề thiếu và chưa sử dụng hết.
Cần có biển chú giải tên phố
Một bất cập nữa trong việc lựa chọn tên danh nhân để đặt tên phố nhưng lại chưa được nhiều người dân biết tới như Nguyễn Khắc Cần, Phan Bá Vành, Vũ Thạnh…
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nên có thêm phần giải thích, nói rõ về tên nhân vật được đặt cho tuyến phố, đường. Không chỉ người dân sẽ biết thân thế nhân vật được đặt tên cho phố là ai mà ngay cả du khách cũng có thể hiểu thêm về phố phường Hà Nội, về lịch sử Việt Nam qua danh tính từng nhân vật.
Về câu chuyện này, Phó Giám đốc Sở VHTT Trương Minh Tiến cho hay, từ năm 2012 Hà Nội đã thí điểm làm biển chú giải tên phố, tuy nhiên đây mới dừng ở đề án thí điểm với nguồn kinh phí xã hội hóa từ sự tài trợ của tập đoàn FPT. “Xét thấy đây là việc cần thiết, tới đây sở sẽ trình xin chủ trương UBND Thành phố để lập đề án gắn biển chú thích tên đường cho tất cả các tuyến phố của Hà Nội. Khi đó thì việc lập biển cho tên phố mới triển khai đồng bộ và thống nhất” ông Tiến cho hay.
Việc lấy tên người đặt tên cho đường, phố là một lựa chọn nhân văn để vinh danh những cá nhân đã có nhiều đóng góp cho dân tộc đất nước và đã được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, nếu chọn tên mà không có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, không theo một quy chuẩn nào sẽ dẫn tới lúng túng, bế tắc, thậm chí lợi bất cập hại. Bởi theo PGS Dương Hồng Anh: “Việc đặt tên với mục đích tôn vinh các danh nhân mà thiếu các sự kiện lịch sử, thiếu việc làm giàu hình ảnh và văn hóa cho thành phố thì ngay cả mục đích tôn vinh cũng không đạt được kết quả như mong muốn”.
Nguyệt Hà