Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Tình trạng thất thoát nước do rò rỉ, thu gom và xử lý nước thải ở đô thị Việt Nam không hiệu quả là một trong những nguyên nhân làm lãng phí tài nguyên nước, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hạ tầng yếu kém - thất thoát nước sạch và ô nhiễm do nước thải
Một Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng về Quản lý thoát nước đã chỉ ra rằng, hiện nay tỷ lệ thất thoát nước bình quân ở Việt Nam là khoảng 30%, cao hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến như Đức 7%, Đan Mạch 10%, Anh 19%... và các nước trong khu vực Đông Nam Á khoảng từ 20-30%.
Trong những năm gần đây, mặc dù đã giảm nhưng tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... vẫn rất cao. Trong khi đó, lượng nước sản xuất của các đô thị này chiếm khoảng 40% tổng lượng nước sản xuất của các đô thị Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thất thoát nước thường do hai nguyên nhân chính là việc quản lý không chặt chẽ, hệ thống tính tiền không chuẩn xác, đọc đồng hồ bị sai lệch, thu tiền không đủ... hoặc do nguyên nhân kỹ thuật vì bị rò rỉ trên toàn bộ mạng lưới, trên suốt chiều dài đường đi của nước sạch, bắt đầu từ trạm bơm nước sạch tại nhà máy tới người sử dụng. Thất thoát nước do rò rỉ là nguyên nhân chính dẫn đến con số đáng báo động ở trên.
Bên cạnh đó, tổng chiều dài cống ngầm của các thành phố, thị xã cả nước hiện chỉ có 1.000 km. Chỉ số phục vụ tính theo chiều dài đường cống cho một người dân đô thị chỉ có 0,04 m đến 0,06 m (riêng Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM đạt 0,2 m, bằng 10% so với một số đô thị các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Cả nước chưa có các trạm làm sạch nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện và nước thải đô thị. Nhiều năm qua việc xây dựng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đúng mức. Các định mức khung cho quản lý duy trì toàn ngành đến nay vẫn chưa được ban hành; vốn cho quản lý duy tu được cấp thấp hơn nhiều so với nhu cầu và phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng cấp phát từ ngân sách địa phương; chỉ có một vài nơi thực hiện thu phí 10% thoát nước qua cấp nước ...
Đồng thời, việc thu gom và xử lý nước thải ở đô thị Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tập trung với quy mô lớn. Quy trình thực hiện của hệ thống tập trung được thực hiện bằng việc thu gom nước thải từ các khu đông dân cư và vận chuyển tới trạm xử lý tại các vùng ngoại ô thành phố. Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Đến nay, mới có 6 đô thị thực hiện xử lý nước thải tập trung với tổng số 14 trạm xử lý. Phần lớn các đô thị chưa có trạm xử lý, nước thải sinh hoạt được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường.
Giải pháp tiếp nhận các hệ thống phân phối và xử lý nước tốt nhất
Một nghiên cứu mới được công bố ở Hội nghị về nước của Ngân hàng Phát triển Châu Á về những thách thức nghiêm trọng trong lĩnh vực nước ở châu Á và những biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng này cho thấy, việc tập trung vào hạn chế lượng nước thất thoát trước khi đến với người sử dụng, thông qua cơ sở hạ tầng quanh khu vực là một trong những giải pháp tốt nhất. Theo đó, thất thoát nước do rò rỉ, thu gom không hiệu quả, bị trộm cắp và các nguyên nhân khác chiếm khoảng từ 30% đến 60% lượng nước đầu vào từ các cơ sở hạ tầng, hay 29 tỷ mét khối nước một năm, tương đương với 9 tỷ USD. Những thất thoát này do nhiều yếu tố từ việc thiếu đầu tư kinh niên cho tới năng lực quản lý và kỹ thuật yếu kém và chủ yếu là do khả năng tự quản lý kinh doanh còn thiếu hoặc không hiệu quả. Những vấn đề này đã trở nên tồi tệ hơn do giá nước thấp, khiến nhiều cơ sở hạ tầng không thể tồn tại do vấn đề tài chính, làm suy yếu dịch vụ và phạm vi cung ứng nước. Các chuyên gia cho biết, việc giảm nước hao phí xuống còn một nửa sẽ giúp thêm 150 triệu người dân đô thị được sử dụng nước an toàn.
Theo đó, khuyến nghị các quốc gia cần lập các cơ quan về lĩnh vực nước và cho phép các đoàn thể quyền tự quản để lên kế hoạch và quản lý kinh doanh, đồng thời đặt ra mức giá giúp họ duy trì bền vững hơn về tài chính. Các cơ sở hạ tầng công cộng cần phải xem xét cơ chế thu hút khu vực tư nhân cùng ngăn chặn sự thất thoát.
Các thành phố phát triển nhanh ở châu Á muốn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục thì phải quyết liệt hạn chế thất thoát nước và tiếp nhận các hệ thống phân phối và xử lý nước tốt nhất. Việc khai thác nước đã qua sử dụng sẽ giúp giảm nhẹ nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn nước ở vùng xa xôi; và với việc tiêu thụ năng lượng thấp hơn so với khử muối và tăng việc chấp nhận từ người dân, thị trường tái sử dụng nước hy vọng sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân.
Hương Giang