Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Người "chế ngự" thủy thần-KTS Bùi Kiến Quốc. Ảnh: VGP/Việt Hà |
Thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn) tiếp giáp với thị xã Hội An, nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, là nơi thường xuyên hứng chịu những cơn thịnh nộ của dòng sông khi lũ về. Khi lũ qua đi, những gì nó để lại là sự xâm thực của nước, là sự đổ nát nhà cửa, vườn tược, hoa màu...
Người chế ngự “thủy thần”
Những trận lũ lụt hằng năm đã khiến thôn Triêm Tây bị xói lở trầm trọng. Đến năm 2009, nước đã ngoạm sâu gần hết cánh đồng cói và chuẩn bị xâm thực vào khu dân cư. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã có chủ trương di dời làng Triêm Tây ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều người dân Triêm Tây cũng đã rục rịch bỏ làng tìm nơi an cư mới.
Tuy nhiên, có một người lại muốn chế ngự “thủy thần”, giữ lại tấc đất của cha ông và hơn thế, còn biến nơi đây thành một khu du lịch sinh thái thu hút du khách mọi miền.
Đó là Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, Việt kiều Pháp, một người có tình cảm và niềm đam mê đặc biệt với ngôi làng thuần Việt ven sông. Ông tính toán, nếu có một phương án thích hợp sẽ chế ngự được tình trạng sạt lở bờ sông và ngăn được sự xâm thực của lũ, người dân Triêm Tây sẽ không phải rời bỏ làng đi nơi khác. Và năm 2009, dự án phát triển khu du lịch sinh thái với mục đích “giữ đất, giữ làng” của ông đã được trình lên các cấp lãnh đạo UBND huyện Điện Bàn.
![]() |
Bờ sông Thu Bồn ở thôn Triêm Tây trước khi có dự án. Ảnh tư liệu |
Dự án được phê duyệt triển khai trên diện tích gần 15.000m2 đúng đoạn bờ sông bị sạt lở. Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc tiếp tục mua lại tất cả nhà cửa, vườn tược của các hộ dân đã dời đi nơi khác. Sau đó, ông bắt tay vào công cuộc chế ngự “thủy thần” với việc thiết kế bờ kè chống được sạt lở mà không bị bê tông hóa, vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông.
Hơn 100.000 bao cát (tương đương với 5.000 tấn cát) đã được ông bỏ tiền, dốc sức đặt khắp bề mặt ta-luy ở vùng có nguy cơ sạt lở cao nhất. Ngoài ra, ở vùng nước hõm sâu, ông áp dụng nguyên lý “lấy nước trị nước”, biến nơi đó thành những hồ bơi dọc theo triền sông. Phía dưới bờ sông, những loại cây có rễ chùm bám sâu lại có thể cản sức phá hoại của lũ như cây sậy, cây lác được trồng tạo ra một bức tường tự nhiên vô cùng vững chắc. Suốt hai năm liền, nước lũ Thu Bồn đã không thể làm sạt lở thêm hay ảnh hưởng gì tới khu vực đã được kè theo dự án.
Bấy giờ, người dân mới tin rằng con người có thể chế ngự được thiên nhiên và người Triêm Tây yên tâm ở lại gắn bó với mảnh đất hương hỏa bao đời của tổ tiên để lại. Không những thế, họ còn sát cánh cùng ông Bùi Kiến Quốc phát triển Triêm Tây thành khu du lịch sinh thái. Mô hình du lịch sinh thái cũng bắt đầu phát triển, mang lại nghề nghiệp và thu nhập cho những người dân vốn trước đó từng có ý định “bỏ của chạy lấy người”.
Chia sẻ với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phương Dương Văn Ca cho biết, với Triêm Tây, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc là người có công lớn. Ông Ca dí dỏm so sánh: “Anh Quốc chính là người đã khoác cho “cô gái” Triêm Tây một diện mạo mới mà không làm thay đổi bản sắc, nét duyên thầm của Triêm Tây”...
Bờ kè chống sạt lở bằng bao cát của KTS Bùi Kiến Quốc. Ảnh: VGP/Việt Hà |
Vẫn còn những âu lo
Chị Phùng Thị Tài, một người dân trụ lại Triêm Tây, chia sẻ: “Ngày xưa, dân làng Triêm Tây đông lắm, do sợ sạt lở nên bỏ đi thôi. Nhà tôi làm nghề dệt chiếu, thu nhập cũng khá, nhưng đồng cói bị lũ cuốn gần hết nên thu nhập kém hẳn. Từ ngày có dự án khu du lịch sinh thái, cuộc sống đã khá lên nhiều. Nói thực, sống ở làng quen rồi, phải chuyển đi nơi khác thì cũng ngại”.
Anh Lê Tấn, thợ mộc trong thôn cũng rất mừng vì nhờ dự án du lịch sinh thái, bờ sông được kè lại, không sạt lở nữa. Tuy nhiên anh cũng không giấu chút lo âu vì lẽ vẫn còn một đoạn sông có nguy cơ sạt lở chưa được kè và mong Nhà nước hỗ trợ việc kè nốt đoạn sông này để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.
Dẫn chúng tôi đi thăm làng xóm, ông Nguyễn Văn Bàng, Trưởng thôn Triêm Tây, chỉ những ngôi nhà khang trang mới xây và cho biết đó là nhà của những người dân trước đây đã di dời, sau này trở về làng khi có dự án du lịch sinh thái.
Ông Bàng nói: “Thực tế là sau cơn lũ năm 2013, phía Tây Nam của thôn lại xói lở nên dân không dám xây dựng nữa. Người dân vẫn chưa hết hẳn nỗi lo vì phía đó vẫn còn hơn 400m không thuộc dự án đang tiếp tục sạt lở”. Ông kể, huyện đã có chủ trương là kè đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở còn lại và làm đường giao thông nông thôn, nhưng do nguồn vốn của tỉnh còn khó khăn nên chưa làm được.
![]() |
Việc kè bờ sông đã hình thành khu du lịch sinh thái ở Triêm Tây. Ảnh: VGP/Việt Hà |
Ngoài ra, tình trạng khai thác cát sông Thu Bồn cũng đang là vấn đề gây bức xúc cho chính quyền và nhân dân xã Điện Phương. Bên cạnh nguyên nhân chính làm sạt lở bờ sông là do lũ thì việc khai thác cát cũng làm gia tăng thêm nguy cơ này, thậm chí đe dọa cả của những khu vực đã được kè nếu tình trạng khai thác cát tiếp tục kéo dài.
Một điều cũng dễ nhận thấy là phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Điện Phương không có nhiều khởi sắc, nhất là đường giao thông nông thôn. Tìm hiểu thì được biết nhiều người dân trong thôn chưa mặn mà với xây dựng nông thôn mới. Họ lo lắng lũ lụt có thể sẽ cuốn đi công sức tiền của của mọi người nếu như đầu tư xây dựng các công trình, đường giao thông, hay sửa chữa nhà ở phục vụ đề án “homestay” theo chủ trương phát triển du lịch của huyện, của xã.
“Chủ trương dự án mới dù chưa thấy nhưng chỉ cần đổ đá xuống kè bờ sông thì người dân trong thôn sẽ yên tâm liền”, ông Bàng bày tỏ.
Chính quyền vào cuộc
Thấu hiểu những lo lắng của người dân thôn Triêm Tây, chính quyền xã Điện Phương cũng như huyện Điện Bàn đang tìm cách hỗ trợ bà con kè chống xói lở để giữ làng.
Theo ông Cao Thanh Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, trong liên kết vùng Điện Bàn-Đà Nẵng-Hội An thì thôn Triêm Tây là địa bàn trọng tâm để phát triển du lịch bởi vùng đất này liền kề với Hội An, phong cảnh đẹp, mang đậm nét cổ xưa của vùng quê truyền thống Điện Bàn, lại có nghề chiếu cói lâu đời.
Ông Tấn cũng khẳng định mô hình khu du lịch sinh thái ở Triêm Tây là phù hợp, góp phần phát triển du lịch cộng đồng và xã Điện Phương sẽ xem xét nhân rộng mô hình này. Huyện Điện Bàn hiện cũng đang xây dựng Đề án hỗ trợ các hộ nông dân phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng, xây dựng các “homestay".
![]() |
Quang cảnh khu du lịch sinh thái ở Triêm Tây. Ảnh: VGP/Việt Hà |
Theo ông Tấn, việc “chỉnh trị” con sông Thu Bồn đoạn qua Triêm Tây là hết sức cần thiết. Tuy vậy, do điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn, nên nguồn vốn đầu tư chỉ có thể trông chờ vào chương trình chống biến đổi khí hậu.
Ông Tấn cho biết, việc kè hơn 400m bờ sông Thu Bồn có nguy cơ sạt lở còn lại ở Triêm Tây, UBND huyện Điện Bàn đã báo cáo với UBND tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh đã kết luận giao cho Điện Bàn chuẩn bị hồ sơ, thủ tục liên quan để kêu gọi đầu tư từ chương trình chống biến đổi khí hậu. Hiện nay, Điện Bàn đang hoàn thiện dự án và sẽ trình UBND tỉnh trong thời gian tới.
Người dân Triêm Tây đang từng ngày mong mỏi việc kè nốt đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở sớm được thực hiện để bà con yên tâm bám đất, bám làng, làm ăn sinh sống. Sau dự án Khu du lịch sinh thái của Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc là một dự án bảo tồn, phát triển bãi bồi ven sông Thu Bồn ở xã Điện Phương với mô hình trồng rau sạch và sản xuất cây quả, đang được huyện Điện Bàn xem xét và kỳ vọng là mô hình sản xuất rau sạch chất lượng cao, có thương hiệu và giá trị kinh tế.
Một tương lai mới tươi sáng, đầy ắp hy vọng cho người dân Triêm Tây đang chờ đợi phía trước.
Việt Hà