Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bước tiến lớn trong hoàn thiện thể chế
Theo thống kê của ngành lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng trong năm 2021 đạt 42,02%. Đây được đánh giá là một thành tựu lớn của ngành trong năm vừa qua bởi không chỉ thể hiện sự gia tăng về diện tích, chất lượng rừng mà còn cho thấy việc cơ cấu các loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất cũng được quan tâm bố trí phù hợp hơn.
Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực của toàn ngành trong suốt thời gian dài. Bên cạnh đó, việc ra đời Chiến lược lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 được xem là một dấu mốc hoàn thiện pháp lý và kế hoạch phát triển ngành trong giai đoạn tới đây.
Muốn phát triển kinh tế lâm nghiệp thì phải thúc đẩy chế biến, trong năm nay, ngành lâm nghiệp khai thác được 32 triệu mét khối gỗ, trong đó có 21,5 triệu mét khối là từ rừng trồng tập trung, giúp ngành công nghiệp chế biến phát triển ổn định bền vững, giúp người trồng rừng, làm nghề rừng có cơ hội tăng thu nhập.
Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2021 là ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh phát triển theo chuỗi giá trị, từ bảo vệ, phát triển, chế biến đến thương mại.
Năm 2021, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm cũng được Chính phủ ban hành. Đây là lần đầu tiên có đề án phát triển cây rừng, cây lâm nghiệp ở cả khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp với thông điệp: Vì một Việt Nam xanh. Sau gần một năm tổ chức, năm 2021 đã trồng được 99 triệu cây phân tán, một con số kỷ lục từ trước đến nay; 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, rà soát quỹ đất để trồng rừng.
Để hiện đại hóa ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản, một khu lâm nghiệp công nghệ cao cũng đã được xây dựng ở Nghệ An với diện tích khoảng 700ha, gồm 3 hợp phần, khu nhân giống, khu chế biến và sàn thương mại. Khi đi vào hoạt động, khu lâm nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vì khu vực Bắc Trung Bộ không chỉ có nguồn nguyên liệu dồi dào và dịch vụ logistic cũng rất thuận tiện.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, lần đầu tiên dịch vụ môi trường rừng đạt 3.143 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là con số đề ra cho năm 2025 nhưng đến nay đã cán đích. Đây là nguồn thu quan trọng với các chủ rừng, vì với định mức khoán bảo vệ rừng hiện tại của nhà nước là 300.000 đồng/ha, các chủ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo tính toán, định mức bảo vệ rừng hiện tại lên đến khoảng 1,1 triệu đồng/ha, do vậy dịch vụ môi trường rừng sẽ đóng góp một phần kinh phí cho các chủ rừng thực hiện việc bảo vệ, phát triển rừng.
Năm 2021, trong các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận về bán tín chỉ carbon, với định mức 5,15 triệu tấn cho Tổ chức tài chính quốc tế, thu về 50 triệu USD. Con số có thể chưa lớn nhưng điều quan trọng là tạo được thị trường, chỗ đứng của ngành lâm nghiệp Việt Nam về thị trường cacbon.
Nâng cao chất lượng rừng
Năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản tiếp tục lập kỷ lục với 15,96 tỷ USD, tăng 21% so với 2020 và tăng 117% so với kế hoạch. Đặc biệt, năm 2021, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đã đạt 1,2 tỷ USD, tăng 40%. Đây là tín hiệu vui cho thấy chúng ta đang khai thác tốt tiềm năng của rừng.
Năm 2021 cũng ghi nhận sự kỷ lục về con số xuất siêu. Theo đó, nhập khẩu nguyên liệu gỗ năm 2021 đạt 2,93 tỷ USD, như vậy, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản xuất siêu trên 13 tỷ USD.
Năm 2021, giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 48,6 tỷ USD, trong đó lâm nghiêp chiếm 1/3, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp là 4 tỷ USD. Như vậy, ngành lâm nghiệp có đóng góp đáng kể vào giá trị xuất siêu và khẳng định tính bền vững của nguồn nguyên liệu trong nước được tạo dựng bởi sự liên kết của doanh nghiệp và người trồng rừng cả nước.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ còn gặp áp lực lớn trong cạnh tranh thương mại khi Mỹ có 2 cuộc điều tra, trong đó có điều tra theo mục 301 của Cơ quan Thương mại Mỹ. “Điều đáng mừng là, qua 7 đợt đàm phán, chúng ta đã thống nhất được với bạn ký được một thỏa thuận dừng việc điều tra”.
Nhờ thành công của việc ký thỏa thuận cấp Chính phủ, năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ sang Mỹ đạt tới 9,4 tỷ USD.
Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp , năm 2022, ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng rừng tập trung đạt 240 nghìn ha; trồng 122 triệu cây phân tán để đảm bảo tiến độ thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Khai thác gỗ đạt 31,5 triệu mét khối, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16,3 tỷ USD; thu dịch vụ môi trường rừng đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu này, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phấn đấu thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch Bộ giao; đồng thời triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp. Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; sử dụng môi trường rừng bền vững; triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong giai đoạn tới, ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng nâng cao chất lượng rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp để nâng cao cuộc sống của người trồng rừng.
Đỗ Hương