• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chủ động phòng chống hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long

(Chinhphu.vn) - Hạn mặn 2019-2020 được đánh giá là hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay. Trong số liệu quan trắc, thuỷ văn đo được có 3 đặc điểm rất quan trọng: Hạn mặn này đến sớm hơn so với cùng kỳ trong nhiều năm, vào sâu khu vực dân cư sinh sống và sẽ kéo dài hơn bình thường.

15/05/2020 18:52

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi về việc phòng chống hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Xin ông cho biết ảnh hưởng của hạn mặn thời gian qua đến khu vực ĐBSCL?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tôi đánh giá hạn mặn 2019-2020 là hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay. Theo số liệu quan trắc cho thấy hạn mặn đến sớm và vào rất sâu. Ví dụ như Bến Tre đến thời điểm này toàn bộ sông Hàm Luông vẫn bị mặn, chưa bao giờ như vậy.

Bình thường thì khoảng giữa tháng 4 là đã hết hạn mặn nhưng theo dự báo năm nay phải hết tháng 5 mới có khả năng bắt đầu có mưa từ thượng nguồn và mưa nội địa thì mới có thể giảm hạn mặn này.

Đến thời điểm này, chúng tôi tổng hợp diện tích lúa bị giảm năng suất từ 30-70% khoảng gần 60.000 ha, trong số đó có một số bị mất một trăm phần trăm. Cây ăn trái đến thời điểm này có 1,7 ha cây ở Chợ Lách - Bến Tre bị ảnh hưởng nhưng địa phương đã hướng dẫn bà con chuyển sang cây trồng khác.

Về nước sạch, có khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước và có các giải pháp ngay từ đầu, nên dù bị ảnh hưởng nhưng không có hộ dân nào không có nước sạch để sử dụng. Sản xuất kinh doanh khác không bị ảnh hưởng. Bà con đã rất chủ động các biện pháp ứng phó và chính sự chủ động của người dân đã giúp đời sống xã hội không xáo trộn quá lớn.

Với những diễn biến này, việc vào cuộc để phòng chống hạn, mặn được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực tế chúng ta hoàn toàn chủ động, đã dự báo rất đúng và rất sớm. Ngay từ tháng 9/2019, chúng ta đã bắt đầu triển khai các hoạt động phòng, chống hạn mặn. Chính vì chúng ta dự báo sớm và dự báo đúng, có các giải pháp chủ động, đến thời điểm này thiệt hại đã giảm thiểu mức tốt nhất.

Thực tế hiện nay biến đổi khí hậu và tính dị thường của thời tiết càng ngày càng khó dự báo. Vì vậy, chúng ta không chủ động thì chắc chắn sẽ không thể ứng phó.

Qua quá trình ứng phó hạn, mặn cho thấy, chúng ta phải kết hợp các giải pháp, kể cả giải pháp công trình, phi công trình, cả ngắn hạn và dài hạn. Nếu như chúng ta chỉ lựa chọn giải pháp ngắn hạn mà không dài hạn thì không bền vững. Các giải pháp công trình mà không tính đến các giải pháp phi công trình thì sẽ không có hiệu quả.

Ông có thể nói rõ hơn về các giải pháp công trình và phi công trình hiện nay không?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Nhờ áp dụng các biện pháp công trình, đặc biệt nhiều công trình được đưa vào hoạt động đúng đợt hạn mặn nên giảm thiểu rất lớn những vùng ảnh hưởng. Các công trình này đã làm tăng khả năng điều tiết mặn-ngọt và đã điều tiết cho khoảng hơn 300.000 ha lúa. Nếu không có các công trình này thì có thể hàng trăm héc ta lúa sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Các công trình đầu tư dài hạn thì phải đảm bảo được tái cơ cấu và đảm bảo được đúng mục tiêu là nước mặn, nước lợ cũng là nguồn tài nguyên chứ không chỉ nước ngọt là tài nguyên.

Về giải pháp phi công trình, như chúng tôi đã nói là sự chủ động của người dân rất quan trọng. Để người dân chủ động thì rõ ràng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân là giải pháp quyết định. Nếu chủ động có dự báo cho người dân cũng sẽ giảm thiểu thiệt hại

Chúng tôi thấy rằng những giải pháp ngắn hạn, ví dụ như các tỉnh để trữ nước ngọt đã đắp đập tạm, cũng rất tốt. Điển hình như Kiên Giang có 197 đập tạm để sản xuất và sinh hoạt nên cơ bản không có hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt.

Còn dài hạn, chúng ta phải tính toán để bố trí cân bằng nước đến hộ gia đình, đến huyện, đến xã, không thể dùng các công trình tạm thời mãi được.

Ông có thể chia sẻ thông tin về tiến độ của các công trình thời gian tới, các công trình sẽ tác động như nào đến việc chống hạn, mặn hiện nay?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Sau đợt hạn mặn năm 2015-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và đã có nghiên cứu để đầu tư 11 công trình; trong đó 5 công trình đã đưa vào sử dụng sớm trước từ 5 đến 14 tháng trong đợt này.

Nhiều công trình đang được đốc thúc đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ Hậu Giang và một phần của Kiên Giang và Cà Mau. Những công trình này khi phát huy hiệu quả đầy đủ sẽ tác động đến khoảng 1 triệu ha lúa, cây ăn trái và vùng nuôi trồng thuỷ sản cũng sẽ được điều tiết.

Về trung hạn 2021-2025, chúng tôi đang bàn với các tỉnh sẽ tập trung đầu tư các hệ thống thuỷ lợi liên vùng, mang tính động lực để góp phần vào việc tái cơ cấu nông nghiệp và đảm bảo khắc phục được tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Các hệ thống liên tỉnh mà chúng tôi đầu tư sẽ nhắm đến mục tiêu điều tiết các nguồn nước để đến năm 2025 khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập. Còn xa hơn là chúng tôi phấn đấu đến năm 2030 giải quyết được câu chuyện này.

Dự kiến ngân sách nhà nước bỏ ra khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi đang bàn với một số định chế tài chính nước ngoài, ví dụ như World Bank, ADB để có một số nguồn vốn vay, đặc biệt là tập trung vào nguồn nước sạch cho ĐBSCLđể giải quyết ngay lập tức trong vòng hai năm tới giải quyết được câu chuyện thiếu nước sinh hoạt.

Qua các đợt hạn mặn lịch sử vừa qua thì ông có nhìn nhận gì về chiến lược nước cho khu vực này?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Thực ra thì chúng ta đã bàn đến câu chuyện này khá lâu rồi và đến thời điểm này, đặc biệt sau đợt mặn vừa qua thì càng cần phải đặt ra một bài toán về an ninh nguồn nước. Đây là an ninh phi truyền thống.

An ninh nguồn nước đặt ra trong rất nhiều phương diện nhưng có hai yếu tố chủ yếu là đảm bảo đủ nước, chủ động để đảm bảo cân đối được nguồn nước và nguồn nước không được ô nhiễm.

ĐBSCL thường thiếu nước từ tháng 12 đến tháng 4, không phải lúc nào cũng thiếu, chính vì thế bằng các giải pháp điều tiết đảm bảo an ninh nguồn nước cho ĐBSCL, các bộ, ngành, địa phương và các nhà nghiên cứu đều thống nhất giải pháp đầu tư trên tinh thần không hối tiếc. Những công trình nào đảm bảo không hối tiếc thì làm trước. Còn những công trình nào mà khi chúng ta làm có thể gây ra những tác động ảnh hưởng thì chúng ta phải tính toán cụ thể và đầu tư sau.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)