Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hướng di chuyển của vùng áp thấp. Ảnh: Trung tâm DBKTTV quốc gia |
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 11/10 ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to (từ 300 mm-700 mm/đợt); các tỉnh Bắc Tây Nguyên có lượng mưa từ 200-350 mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt.
Để chủ động ứng phó với tình hình này, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 20/CĐ-TW đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan có phương án ứng phó với vùng áp thấp nói trên và tình hình mưa lũ lớn.
Cụ thể, với các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên:
Trên tuyến biển và ven biển: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh. Vùng nguy hiểm do áp thấp trên Biển Đông trong 24h tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12-16 độ Vĩ Bắc, từ 110-115,5 độ Kinh Đông và được cập nhật theo các bản tin của Trung tâm DBKTTV quốc gia.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Trên đất liền: Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình bị hư hỏng, đang thi công và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, xung yếu. Bố trí lực lượng trực vận hành hồ bảo đảm an toàn.
Rà soát, bố trí lực lượng vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính và bảo đảm an toàn cho học sinh trong tình huống mưa, lũ lớn. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.
Đối với khu vực miền núi phía bắc:
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; thông báo kịp thời và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du trong trường hợp xả lũ…
Mưa lớn gây lũ tại huyện Bát Xát, Lào Cai |
Về tình hình mưa lũ tại Lào Cai, trong đêm 5 và sáng 6/10, ở thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, Bảo Thắng có mưa to đến rất to.
Báo Lào Cai thông tin lượng mưa có nơi đo được lên đến 230 mm. Mưa to gây ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều địa bàn.
Tính đến hơn 17h ngày 6/10, tại Lào Cai, đã có 40 nhà dân bị hư hỏng do mưa lũ; nhiều diện tích lúa, hoa màu cùng ao hồ nuôi trồng thủy sản, bị hư hại; nhiều tuyến giao thông bị chia cắt do sạt lở đất; 2 người thiệt mạng.
Bộ đội giúp người dân huyện Bát Xát khắc phục hậu quả thiên tai. |
Ngay trong ngày 6/10, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Thanh Xuân