Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Từ đầu thế kỷ 20, vấn đề phân định chủ quyền trên biển với những lợi ích liên quan đã được các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là các quốc gia có bờ biển quan tâm. Từ những năm 1930, Hội Quốc Liên đã từng tổ chức một hội nghị của nhiều quốc gia bàn về vấn đề này. Năm 1956, Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị về Luật Biển đầu tiên ở Geneve, (Thụy Sĩ), cho đến năm 1958 đã ký kết được các công ước: Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp; Công ước về Thềm lục địa; Công ước về Hải phận quốc tế; Công ước về Nghề cá và Bảo tồn tài nguyên sống ở Hải phận quốc tế. Năm 1960, Liên Hợp Quốc tiếp tục tổ chức Hội nghị về Luật Biển lần hai. Đặc biệt đến năm 1973, Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ ba về Luật Biển đã được tổ chức tại New York (Mỹ)với hơn 160 nước tham gia. Hội nghị kéo dài cho đến năm 1982, đã ký Công ước Luật Biển quốc tế 1982 (thông qua vào ngày 10-12-1982, có hiệu lực từ 16-11-1994). Đến nay đã có trên 161 quốc gia thành viên tham gia, trong đó có các nước: Trung Quốc, Việt Nam , Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin, Xinggapore...
Công ước Luật Biển quốc tế năm 1982 có nhiều điều khoản, trong đó có những điều khoản quy định rõ về thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng lòng biển sâu, chính sách khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học và dàn xếp các tranh chấp... Trong nội dung liên quan, chúng tôi chỉ xin đề cập những quy định xung quanh về vấn đề chủ quyền về biển của các quốc gia. Ở đây là các quốc gia có đường bờ biển. Các quyền được quy định cho các quốc gia có đường bờ biển với các giới hạn tính từ bờ biển như: Đường cơ sở; Nội thủy; Lãnh hải; Vùng tiếp giáp lãnh hải; Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa. Sau thềm lục địa là vùng biển quốc tế.
Một đường biển cơ sở được quy định chạy theo đường bờ biển khi thủy triều xuống (ở những nơi đất liền nhô ra biển xa nhất), hay khi có đảo ven bờ có thể tính bằng đường thẳng nối từ chỗ thủy triều xuống chỗ nhô ra xa nhất.
Điều 8 của Công ước quy định, Nội thủy là toàn bộ vùng nước biển ở bên trong đường cơ sở, tiếp giáp với đất liền. Tại nội thủy, các quốc gia ven biển được tự do áp đặt luật, kiểm soát việc sử dụng và sử dụng mọi tài nguyên như trên đất liền. Các tàu thuyền nước ngoài không có quyền đi lại tự do trong vùng biển nội thủy này.
Theo Điều 3 của Công ước, phần lãnh hải được tính từ đường cơ sở (đường ranh giới giữa nội thủy và lãnh hải) ra phía ngoài có chiều ngang là 12 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852 mét). Các quốc gia ven biển được tự do đặt luật, kiểm soát việc sử dụng, và sử dụng mọi tài nguyên (Chủ quyền của các quốc gia có thể coi là tuyệt đối với đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khoảng không trên vùng trời lãnh hải). Riêng trên mặt biển các tàu thuyền nước ngoài được quyền “qua lại không gây hại”. Việc đánh cá, làm ô nhiễm, dùng vũ khí, và do thám không được xếp vào dạng “không gây hại”. Quốc gia ven biểncũng có thể tạm thời cấm việc “qua lại không gây hại” này tại một số vùng trong lãnh hải của mình khi cần bảo vệ an ninh.
Công ước cũng đưa ra định nghĩa về các quốc gia quần đảo. Các quốc gia này có thể vẽ đường biên giới lãnh thổ của mình: Đường cơ sở được vẽ giữa các điểm ngoài cùng nhất của các đảo ở ngoài cùng nhất, đảm bảo rằng các điểm này phải đủ gần nhau một cách thích đáng. Mọi vùng nước bên trong đường cơ sở này sẽ là vùng nước quần đảo và được coi như là một phần của lãnh hải quốc gia đó.
Phần tiếp giáp lãnh hải là phần tiếp giáp bên ngoài lãnh hải giới hạn là một vành đai có bề rộng 12 hải lý. Tại đây, Quốc gia ven biển có thể vẫn thực thi luật pháp của mình đối với các hoạt động kiểm soát như các quy định về hải quân, thuế khóa, nhập cư, y tế, trừng trị những vi phạm đối với các luật như xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải.
Vùng đặc quyền kinh tế, là vùng có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc khai thác đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên. Khái niệm vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý mới so với trước đó. Theo Điều 56 của Công ước, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó, các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ giữ gìn môi trường biển. Tuy nhiên, trong vùng đặc quyền kinh tế, tính từ vùng lãnh hải các quốc gia có biển hay không có biển được tự do đi lại bằng đường thủy và đường không, nhưng phải tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển.
Thềm lục địa được định nghĩa là vành đai mở rộng của lãnh thổ đất cho tới mép lục địa, hoặc 200 hải lý tính từ đường cơ sở, chọn lấy giá trị lớn hơn. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa quốc gia ven biển rộng tối thiểu là 200 hải lý ( kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Thềm lục địa của một quốc gia có thể kéo ra ngoài 200 hải lý cho đến mép tự nhiên của lục địa, nhưng không được vượt quá 350 hải lý, không được vượt ra ngoài đường đẳng sâu 2500m một khoảng cách quá 100 hải lý. Để mở rộng thềm lục địa quá 200 hải lý, quốc gia ven biển liên quan phải trình cho Ủy ban Thềm lục địa Liên Hợp Quốc báo cáo quốc gia kèm đầy đủ các bằng chứng khoa học về địa chất và địa mạo của vùng đó, sau đó Ủy ban Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc sẽ xem xét và ra khuyến nghị.
Theo Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có độc quyền với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia ven biển, có chủ quyền không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Bên cạnh các điều khoản quy định như trên, Công ước cũng tạo ra một cơ chế pháp lý mới cho việc kiểm soát khai thác tài nguyên khoáng sản tại các lòng biển sâu nằm ngoài thẩm quyền quốc gia, được thực hiện qua Ủy ban Đáy biển quốc tế.
BBĐ