Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Bắc Ninh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trước khi dự buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, phường Phù Khê, Thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Viết sổ lưu niệm sau dâng hương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thành kính tưởng nhớ, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp sáng ngời về đạo đức cách mạng và tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại đánh giá của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em. Đồng chí là người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm phục đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với Đảng và dân tộc ta mặc dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Các tác phẩm của đồng chí, đặc biệt là cuốn “Tự chỉ trích”, đã khái quát những vấn đề tư tưởng, lý luận rất sâu sắc về xây dựng, củng cố Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hành dân chủ trong Đảng. Những tư tưởng đó vẫn mang tính thời đại và có giá trị thời đại ngày nay. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi là niềm tự hào của Đảng ta và dân tộc ta.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Sớm được giác ngộ cách mạng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, với trí tuệ và tài năng, Đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng trong các phong trào công nhân và được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938) và anh dũng hy sinh năm 29 tuổi (năm 1941). Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn nhưng vô cùng trong sáng và tràn đầy lý tưởng cách mạng cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng, đất nước và quê hương Bắc Ninh.
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6/1939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”. Đây là một văn kiện lý luận quan trọng về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng Đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Khi bị giải ra pháp trường, Đồng chí vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của người cộng sản.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan bày tỏ tự hào về quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Học tập và noi gương các thế hệ đi trước, hơn 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đoàn kết, phấn đấu, đưa tỉnh nhà phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ một tỉnh nông nghiệp, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã phát triển toàn diện, cơ bản đáp ứng tiêu chí trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ bình quân 13,9%/năm; thu hút đầu tư gần 23 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhanh, đạt gần 33.300 tỷ đồng, là tỉnh tự cân đối thu - chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương, đứng thứ 8 toàn quốc. Tỉnh có 2 thành phố, tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40%.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước. Đến năm 2045, đưa Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan nêu rõ.
Đức Tuân