Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tôi mong đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức chung lòng đưa đất nước trong những năm tới có bước phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn |
Phóng viên: Một năm mới đã tới, xin Chủ tịch nước cho biết cảm nhận về những thành tựu của đất nước trong năm 2010 vừa qua?
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Năm 2010, thế giới trải qua nhiều khó khăn và biến động. Trong bối cảnh chung đó, chúng ta đã cố gắng khắc phục để đưa “con thuyền Cách mạng Việt Nam” tiến lên.
Trước hết nói về kinh tế, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn hạn chế được phần nào tác động của nó, duy trì đà tăng trưởng (6,78%), bảo đảm được cuộc sống ổn định cho người dân. An ninh trật tự ổn định; các mặt đời sống văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục cũng tiếp tục có bước phát triển. Ðây là thành tựu hết sức ấn tượng, được kết tinh từ tinh thần đoàn kết, chung sức của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân chúng ta. Ấn tượng ở đây không phải vì kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng dương, mà vì thành tựu của chúng ta có được trong bối cảnh nhiều nước có nền kinh tế lớn hơn gặp khó khăn, thậm chí đổ vỡ. Việt Nam hạn chế được đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, giữ được ổn định và phát triển. Tại Hội nghị CG cuối năm 2010, các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam hơn 7,9 tỷ USD vốn ODA. Ðiều này nói lên rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, các đối tác nước ngoài vẫn tin vào sự phát triển, ổn định của Việt Nam. Nói cách khác, chính trị an ninh ổn định đã tạo điều kiện để kinh tế phát triển.
Năm 2010 là một năm nổi trội về thành tựu đối ngoại. Ðặc biệt là sự kiện Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh vai trò của khối ngày càng quan trọng và các nước thành viên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Những tháng cuối năm, Hội nghị cấp cao ASEAN 17 cùng các hội nghị ASEAN 1 quy tụ nhiều nước có tiềm lực mạnh, vai trò quan trọng trên thế giới đến Hà Nội. Trong các hoạt động này, vai trò của Việt Nam là rất rõ nét. Tháng 9 vừa qua, cũng với vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch nước Việt Nam đã đồng chủ trì cuộc gặp giữa lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ tại thành phố Niu Oóc (Hoa Kỳ); Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đã dự các sự kiện của nhóm G-20 ở Ca-na-đa và Hàn Quốc. Tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc kiểm điểm 10 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam được biểu dương là một trong những điển hình trên thế giới về thực hiện MDGs. Trong các hoạt động này, vai trò và vị thế của Việt Nam rất được đề cao. Các nước đánh giá cao Việt Nam không phải chỉ hôm nay, mà người ta còn nhìn thấy tương lai phát triển của Việt Nam. Chúng ta được thêm tình đoàn kết của bè bạn ở khắp năm châu.
Năm vừa qua cũng là một năm đất nước có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại: 80 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, 65 năm Ngày thành lập nước, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc... và là năm tiến hành Ðại hội Ðảng các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. Ðây là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình phát triển của đất nước, của dân tộc qua nhiều thế hệ, nhất là trong mấy thập kỷ qua, để chúng ta thêm tin yêu, tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc hòa hiếu, nhưng rất đỗi anh hùng, có tình cảm thủy chung. Các hoạt động này cũng là dịp để chúng ta ôn lại, nhắc nhở, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, tạo thêm lòng tự hào về dân tộc Việt Nam. Chúng ta tự hào về Ðảng quang vinh đã chèo lái 'con thuyền Cách mạng Việt Nam' vượt qua biết bao thác ghềnh và đang giành những thắng lợi ngày càng to lớn; tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một quân đội trung với Ðảng, trung với nước, hiếu với dân.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước, cùng với thành tựu khá toàn diện, chúng ta cũng thấy rõ những yếu kém cần phải khắc phục. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước trăn trở nhất điều gì?
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Tôi luôn vui mừng, tự hào trước những thành tựu đã đạt được, đồng thời cũng rất nghiêm túc nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua. Tôi cũng mong từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp cần phải làm như vậy. Vui mừng trước những thành tựu, nhưng cũng phải thấy được những yếu kém là gì để khắc phục. Tôi thấy rằng, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng nhưng sức cạnh tranh còn yếu, tính ổn định chưa cao, dẫn đến sự phát triển của đất nước chưa thật bền vững. Chính vì thế, những diễn biến ở bên ngoài đã nhanh chóng tác động đến chúng ta. Ðặc biệt gần đây lạm phát tăng cao, giá cả leo thang đang gây nhiều quan ngại trong nhân dân. Những người nghèo cần được trị bệnh, học hành còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình trật tự giao thông, an ninh trật tự xã hội cũng còn những vấn đề cần chú ý. Rồi những yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong quy hoạch, một số điểm yếu trong cơ cấu quản lý nhà nước như trong vụ việc Vinashin cần phải được rút kinh nghiệm nghiêm khắc, không chỉ trong quản lý, mà cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhưng cũng phải nhìn rộng ra thế giới, nhiều nước có nền kinh tế mạnh hơn, tiềm lực hơn nhưng cũng bị vấp ngã, thậm chí đổ vỡ. Tôi nghĩ rằng những yếu kém của chúng ta là những gập ghềnh trên con đường phát triển. Vấn đề quan trọng là chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm, định hướng gì cho giai đoạn phát triển phía trước?
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Năm 2010, Ðại hội Ðảng cấp cơ sở đến cấp tỉnh diễn ra sôi nổi, là dịp để chúng ta nhìn nhận sâu sắc những thành quả đạt được trong 5 năm qua, đồng thời tìm ra những yếu kém, sai sót cần phải khắc phục. Trên cơ sở đó, chúng ta định hướng phát triển cho 5 năm tới. Ðại hội Ðảng XI cũng vậy, tổng kết 5 năm qua, đề ra phương hướng nhiệm vụ cho 5 năm tới, xem xét Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển Cương lĩnh cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Ðại hội cũng đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020... Trong lãnh đạo, chỉ đạo, chúng ta cũng có thêm kinh nghiệm để chắc chắn rằng trong năm 2011 chúng ta hoạt động sẽ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nỗ lực vượt qua tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, khắc phục hậu quả trong thiên tai là những kinh nghiệm quý để chúng ta đi tới. Thí dụ, trước tình hình khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới tác động, xuất khẩu gặp khó khăn, chúng ta chuyển hướng vào thị trường trong nước. Thị trường trong nước của Việt Nam rộng lớn, khoảng 86 triệu dân nhưng trước đây chưa được khai thác đầy đủ. Nhờ hướng vào thị trường trong nước, chúng ta bảo đảm được ổn định nền kinh tế. Trước những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, chúng ta linh hoạt phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp. Ông cha ta đã dạy 'phi nông bất ổn'. Ðất nước đã rất thành công trên mặt trận nông nghiệp, các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu cũng góp phần giúp ổn định cuộc sống của nhân dân.
Việt Nam đang trên đà phát triển, đặc biệt trong gần 25 năm đổi mới đã qua. Những năm gần đây do khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu tác động, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng về cơ bản đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển đi lên. Tôi tin rằng trong 10 năm tới, với những kinh nghiệm đã qua, cùng bước trưởng thành của đất nước, chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua bất kỳ khó khăn, trở ngại nào để giành những thắng lợi to lớn hơn.
Phóng viên: Chủ tịch nước từng nói 'Lòng dân là động lực đưa đất nước phát triển...'. Vậy theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm thế nào để giữ vững và phát huy sức mạnh này?
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta đều biết rằng các cuộc cách mạng, kháng chiến, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là nhằm đem lại độc lập, tự do cho nhân dân, đem lại cơm no, áo ấm và hạnh phúc cho nhân dân. Người xưa từng nói 'Ðẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân'. Ý nghĩa của câu nói thật sâu sắc. Bác Hồ cũng đã nói rằng, mọi việc làm của chúng ta đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Chính quyền của chúng ta cũng là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Ðảng Cộng sản Việt Nam tồn tại cũng là vì nhân dân. Cho nên phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Lợi ích đó là gì? Lợi ích đó trước hết là độc lập, tự do, hạnh phúc, người dân được làm chủ đất nước mình. Lợi ích kế đến là người dân được no cơm, ấm áo, được cống hiến sức lực, phát huy tài năng của mình phục vụ đất nước.
Ðất nước ta còn nhiều khó khăn, có những lĩnh vực chúng ta làm chưa thật tốt, nhưng nhìn chung chúng ta đang tiến theo hướng phát triển vì lợi ích của nhân dân. Kinh tế đất nước đã phát triển hơn, cuộc sống nhân dân ngày càng khá hơn, đời sống tinh thần ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, những yếu kém từng bước được khắc phục. Ðất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay đất nước hội nhập, theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðiều đó đối với chúng ta cũng không dễ dàng. Ðảng và Nhà nước đang cố gắng đẩy nhanh phát triển, nhưng luôn luôn bảo đảm vững chắc.
Ðồng bào miền xuôi cũng như miền ngược, ở trong nước cũng như ngoài nước, hãy nêu cao niềm tự hào trước những thắng lợi đã đạt được, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tôi mong đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức chung lòng đưa đất nước trong những năm tới có bước phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!
(Theo Báo Nhân dân điện tử)