Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND Thành phố về tình hình kinh tế-xã hội và việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp cho sự phát triển của TPHCM của các bộ trưởng và đại biểu Quốc hội TPHCM, Chủ tịch nước cho rằng đây là những góp ý rất cụ thể, trách nhiệm với nhiều thông tin khác nhau với tinh thần ủng hộ TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn.
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì những kết quả mà TPHCM đạt được sau khi vượt qua đại dịch COVID-19, khôi phục kinh tế-xã hội với những con số tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, Thành phố không nên quá lạc quan vì những con số này đặt trong so sánh với con số tăng trưởng âm của cùng kỳ năm trước, có nghĩa là Thành phố mới chỉ lấy lại những gì đã mất.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, TPHCM có quy mô lớn nên việc ổn định và kiểm soát vĩ mô, trấn an thị trường là rất quan trọng. Cấp ủy, chính quyền, cấp địa phương cần chú ý vấn đề này.
Bên cạnh đó, TPHCM cần tiếp tục hỗ trợ người lao động, giải quyết tốt vấn đề việc làm, có kế hoạch triệt để, thông suốt và chất lượng.
Khôi phục, phát triển khu vực doanh nghiệp; tổ chức các buổi đối thoại để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, từng dự án để có biện pháp tháo gỡ; không chỉ có tháo gỡ cho doanh nghiệp mà còn tháo gỡ cho người dân.
Cần tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội. Theo Chủ tịch nước, người dân TPHCM chịu áp lực lạm phát nhiều hơn các thành phố khác, vậy nên, cần có chương trình, dự án hay sáng kiến phục vụ an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế trên địa bàn.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cải cách chính sách và hệ thống công vụ; tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp; cải thiện cơ chế, chính sách và hạ tầng liên quan đến nền tảng số, đổi mới sáng tạo.
Về việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, theo Chủ tịch nước, Thành phố đã triển khai và đạt được nhiều kết quả cụ thể, giải quyết được nhiều vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mà TPHCM chưa tận dụng được, triển khai chậm, không đồng bộ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với TPHCM vừa qua, Trung ương đã có văn bản giao Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu kiến nghị của Thành phố để xử lý.
Trước khi vào TPHCM, Chủ tịch nước đã hội ý với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và thống nhất tinh thần là phải cho TPHCM cơ chế mới thuận lợi, thiết thực hơn; bãi bỏ những nội dung không phù hợp, bổ sung những cơ chế mới đột phá. Trong đó, Thành phố được làm thí điểm, đi trước một số lĩnh vực và có chính sách cụ thể, thông qua việc thay đổi Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và hoàn thiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Chủ tịch nước nhận xét, hiện nay, thể chế, cơ chế cho TPHCM đã quá chật hẹp, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và các cơ quan nhà nước đã nhìn thấy vấn đề này. Vì vậy, Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng nghiên cứu một số kiến nghị của TPHCM.
Nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, có 6 yếu tố để TPHCM có thể trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu Trung ương đề ra, đó là: Tài chính-ngân sách; nguồn lực đất đai, nhà cửa; mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; ứng dụng KHCN (số hóa, cơ sở dữ liệu, những ứng dụng theo kịp các nước xung quanh); tổ chức bộ máy; nhân sự.
Sáu yếu tố này không tách rời nhau, theo ông Trương Trọng Nghĩa, nếu Trung ương cho Thành phố mức độ tự chủ cao hơn thì 6 yếu tố này phải đan xen tương hỗ lẫn nhau.
Ví dụ, bộ máy tổ chức và nhân sự đan xen nhau, do được tự chủ về bộ máy tổ chức thì Thành phố sẽ hợp lý hóa bộ máy tổ chức và hợp lý hóa nhân sự.
Ở yếu tố thứ 6, yếu tố nhân lực, theo ông Nghĩa, hiện nay yếu tố này cực kỳ khó khăn. Với yêu cầu Trung ương giao, với yêu cầu của thế giới và với yêu cầu của 10 triệu dân Thành phố thì nhân lực hiện nay không đáp ứng được, thiếu những cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ, yêu cầu hiện nay.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phn Văn Mãi đã trình bày kết quả kinh tế-xã hội của Thành phố 9 tháng năm 2022; những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cũng đề xuất Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Quốc hội ủng hộ để Bộ Chính trị xem xét, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 và Kết luận số 21 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020; qua đó xem xét ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng và sứ mệnh của Thành phố.
Về trước mắt, cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội đến hết năm 2023, đồng thời Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách, trong đó tập trung cơ chế chính sách phát triển thị trường tài chính quốc tế tại Thành phố, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo, chính sách và cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức.
Về lâu dài, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố.
Theo liền với Nghị quyết này của Quốc hội, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi khi thực thi, kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn cụ thể hóa những nội dung thực hiện.
Anh Thơ