Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ lần này được trao cho 176 nhà khoa học là tác giả của 32 công trình, cụm công trình, thuộc 5 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, y dược, nông nghiệp, kỹ thuật. Trong đó có 12 công trình, cụm công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 20 công trình, cụm công trình đoạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.
Việc xét tặng các giải thưởng trên được tiến hành độc lập theo 3 cấp: cấp cơ sở; cấp Bộ ngành, tỉnh thành phố và tương đương; cấp Nhà nước. Cấp Nhà nước được tiến hành theo 2 bước: tại Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành và tại Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước. Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định thành lập 12 Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 để đánh giá xét thưởng 67 công trình có hồ sơ xét thưởng hợp lệ theo các lĩnh vực nói trên. Một số công trình đã được Hội đồng Giải thưởng đánh giá cao, như: “Một số lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “Động vật chí Việt Nam và thực vật chí Việt Nam, Sách đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam”; “Nghiên cứu mô hình quân dân y kết hợp phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới”; “Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hóa, văn nghệ Việt Nam”… Đặc biệt lần này, giải thưởng cũng tôn vinh các nhà khoa học nước ngoài có quá trình cống hiến, là đồng tác giả tham gia vào các công trình cùng các nhà khoa học trong nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng các nhà khoa học, tập thể khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ có công trình được tặng thưởng; khẳng định tất cả các công trình, cụm công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước lần này đều là những công trình xuất sắc, có giá trị cao, là kết quả của sự dày công nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước cho rằng, nhìn lại những thành tựu vĩ đại mà đất nước và nhân dân đạt được trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như trong giai đoạn đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay đều có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cả nước. Giải thưởng cao quý mà các công trình, cụm công trình được trao tặng đã thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp thầm lặng của các nhà khoa học đối với đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, có được những thành tựu khoa học và công nghệ hôm nay, trước hết là nhờ đường lối chính sách đúng đắn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với phát triển khoa học và công nghệ trong mọi giai đoạn cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng, Nhà nước ta khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ, xây dựng và hình thành một đội ngũ khoa học thông minh, sáng tạo, dũng cảm hy sinh, có nhiều công trình sản phẩm có giá trị cao, hỗ trợ đắc lực cho quân và dân ta chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh. Trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta khẳng định vai trò quan trọng là quốc sách hàng đầu của khoa học và công nghệ; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là một trong ba khâu đột phá để phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ, đầu tư nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất và trình độ cán bộ khoa học và công nghệ của đất nước; phát huy cao nhất tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học, để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, những thành tựu khoa học công nghệ là kết quả trực tiếp của quá trình làm việc kiên trì, sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của đất nước ta, nhân dân ta giai đoạn hiện nay là tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh bền vững, hướng đến mục tiêu năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để làm được điều đó, có vai trò và trách nhiệm rất lớn của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Chủ tịch nước tin tưởng, kế thừa truyền thống tự hào mà thế hệ cha anh đã xây dựng nên, thế hệ cán bộ khoa học và công nghệ hôm nay, đặc biệt là những cán bộ khoa học và công nghệ trẻ sẽ học tập, phát huy trí tuệ và bản lĩnh, vươn tới trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy nước ta phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là nguyện vọng thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước mơ của những thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, để đất nước Việt Nam phát triển, "sánh vai với các cường quốc năm châu". Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục có nhiều công trình khoa học có giá trị cao hơn nữa.
Hoàng Giang