Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU-138. Ảnh TTXVN |
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch IPU, bà G.Cuevas Barron, đã báo cáo hoạt động từ khi nhận nhiệm vụ đến kỳ họp lần này của Đại hội đồng; trong đó nhấn mạnh những hoạt động hợp tác với Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng như với các Nghị viện thành viên khu vực.
Chủ tịch IPU cũng nhấn mạnh về Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF-26) tại Việt Nam vào tháng 1/2018. Nhân dịp này, Chủ tịch IPU đã gặp gỡ tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực nắm giữ 60% GDP của thế giới, Chủ tịch IPU cho rằng với sự phát triển của công nghệ, khu vực này nắm giữ tiềm năng sáng tạo và các phương tiện để giải quyết các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, vấn đề di cư và tị nạn, bất bình đẳng và khủng bố… Từ đó, bà Barron chỉ ra sự cần thiết của hợp tác khu vực nhằm giải quyết các thách thức đối với cộng đồng thế giới.
Tiếp đó, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã báo cáo kết quả hoạt động của IPU trong năm 2017, trong đó tập trung vào các mặt hoạt động như: Tăng cường sức mạnh và phát huy dân chủ của các nghị viện thành viên; thúc đẩy bình đẳng giới; nhân quyền; đóng góp vào các nỗ lực củng cố hòa bình, phòng ngừa xung đột và đảm bảo an ninh; thúc đẩy đối thoại và hợp tác liên nghị viện; tăng cường sự tham dự của giới trẻ vào đời sống chính trị và quá trình hoạch định chính sách; huy động các nghị viện tham gia vào quá trình phát triển toàn cầu; nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của các nghị viện đối với sự phát triển bền vững, phương thức hành động hiệu quả, việc lồng ghép các SDG vào công tác của các Nghị viện/Quốc hội thành viên…
Kéo dài đến ngày 28/3, Phiên họp Ban Chấp hành Đại hội đồng IPU-138 tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến thành viên IPU, các vấn đề tài chính, chiến lược IPU 2017-2021, hợp tác với LHQ, Đại hội đồng IPU 139 tại Geneva tháng 10/2018…
Trong khi đó, Ủy ban Thường trực 1 về Hòa bình và An ninh quốc tế sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Duy trì hòa bình là phương tiện để đạt được phát triển bền vững”.
Ủy ban Thường trực 2 về Phát triển bền vững, Tài chính, Thương mại thảo luận nội dung “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện các SDG, đặc biệt là năng lượng tái tạo”.
Ủy ban Thường trực 3 về Dân chủ Nhân quyền tập trung vào chủ đề “Tăng cường hợp tác liên nghị viện về di cư và quản trị di cư trên quan điểm thông qua Hiệp ước toàn cầu LHQ về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên”; xem xét đề xuất thảo luận về “Vai trò của Nghị viện chấm dứt phân biệt đối xử về giới tính và xác định giới tính, đảm bảo sự tôn trọng quyền con người của người đồng tính”.
Ủy ban Thường trực 4 về các vấn đề LHQ thảo luận về “Các SDG và chuẩn bị cho Diễn đàn Chính trị Cấp cao của LHQ về SDG phiên họp năm 2018”; thảo luận về chủ đề chính của Diễn đàn Chính trị cấp cao LHQ “Chuyển đổi hướng tới xã hội bền vững”.
Diễn đàn Nữ Nghị sĩ thảo luận về “Nguyên nhân và giải pháp đối với tình trạng phụ nữ có tỷ lệ đại diện thấp trong chính trị”. Diễn đàn Nghị sĩ trẻ đóng góp ý kiến và các chủ đề thảo luận tại IPU-138 từ góc nhìn giới.
Cùng với đó, Diễn đàn Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) họp bàn về hợp tác giữa Nghị viện và Chính phủ trong việc lập kế hoạch và tổ chức công việc của Nghị viện.../.