Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, lịch sử phát triển ngành y tế, đội ngũ thầy thuốc, nhà khoa học luôn gắn liền với sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được của ngành y tế trong 67 năm qua. Các chỉ số sức khỏe của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người…
Trong đại dịch COVID-19, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã được triển khai thành công. Tính đến hết ngày 21/2/2022, cả nước đã tiêm được hơn 191,99 triệu liều, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 97,7%, cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 93,2%, đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việt Nam đã về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo và là một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới.
Trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 4,1 năm 1993 lên 8,0 năm 2015 và 10,0 năm 2021. Đội ngũ cán bộ khoa học ngành y tế được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hằng năm luôn đứng trong top đầu các lĩnh vực và ngày càng tăng…
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận những kết quả nổi bật từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, từ đó đã đưa trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay, chúng ta đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu là tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột; làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu (hàng năm có hàng nghìn bác sĩ từ các nước trên thế giới, trong đó có cả các nước phát triển đã sang học hỏi) với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với ở nước ngoài...
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn và đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực chuyên môn như tiếp thu, làm chủ và hoàn thiện nhiều kỹ thuật y học mà trước đây chúng ta chưa làm được, hoặc làm nhưng kết quả/hiệu quả chưa cao; các kỹ thuật, sản phẩm, giải pháp công nghệ từ hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần làm giảm thời gian và chi phí điều trị bệnh tật, giá thành một số loại thuốc, giá thiết bị y tế giảm nhiều so với giá tương ứng của nước ngoài hoặc phải nhập khẩu…
"Kết quả nghiên cứu mang lại cho ngành y tế là kho kiến thức, tư liệu sống có giá trị trong việc cung cấp bằng chứng, giải pháp để hoạch định các chủ trương chính sách y tế", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã kéo dài gần 3 năm nay, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung, đội ngũ cán bộ khoa học y tế nói riêng là không thể đong đếm được.
Trong "cuộc chiến không tiếng súng" này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh; hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa hè oi nóng, dù đã kiệt sức nhưng quyết bám trụ, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khoẻ của người dân, của cộng đồng là hình ảnh tiêu biểu và phẩm chất tốt đẹp nhất của người "thầy thuốc như mẹ hiền", đúng như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội mong muốn hệ thống nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực ngành y tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa, từng bước đưa công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là đào tạo bác sĩ, bác sĩ gia đình, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ quản lý và chuyên khoa đặc thù trong ngành y tế hội nhập quốc tế và có chất lượng cao cả về chuyên môn và y đức. Đồng thời thúc đẩy phát triển các trung tâm, các viện nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên sâu trong lĩnh vực y tế, có thêm nhiều sản phẩm, giải pháp mới, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác phòng chống dịch COVID-19, cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn, ngang tầm các nước trong khu vực và các nước tiên tiến trên thế giới.
Qua các đợt dịch COVID-19, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành y tế, Bộ Y tế tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII "về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình hình mới" và theo phương châm "Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng"…
Một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính cấp bách hiện nay của Bộ Y tế là tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế để ngành y tế ngày càng phát triển bền vững, lành mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tin yêu và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngành y tế trong sự nghiệp xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng, nền y tế nhân dân, tất cả vì sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiền Minh