Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các ý kiến cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội nói chung và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng nói riêng, với những phương thức hoạt động mới, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.
Sau khi nghe ý kiến cử tri phát biểu và lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan trao đổi, giải đáp những nội dung cụ thể, phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng gặp gỡ, tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động.
Đây là cuộc tiếp xúc cử tri rất đặc biệt và ý nghĩa, vì được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2024); diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (12/2023); cũng là cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp bất thường lần thứ 5 (dự kiến từ 15-18/1) với nhiều nội dung quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, có thể coi cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề lần đầu tiên của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng lần này là diễn đàn người lao động trong phạm vi toàn Thành phố, là dịp rà soát các văn bản, nhất là những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, sinh kế của người dân, về đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, doanh nghiệp, người lao động là trung tâm của mọi quyết sách. Cho biết, tháng 9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Từ đó đến nay, tình hình có nhiều chuyển biến rất tốt. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, về cơ bản, các vấn đề cử tri nêu đều đã được luật hóa và nằm trong các nghị quyết do Quốc hội ban hành. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần tiếp tục quy định chi tiết, có những hướng dẫn cụ thể để sớm đưa các văn bản trên đi vào cuộc sống.
Nhấn mạnh tăng lương luôn là vấn đề rất khó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước có chính sách xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững. Tiền lương tối thiểu là mức sàn mà doanh nghiệp không được trả thấp hơn. Tiền lương thực tế của người lao động do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, hầu hết là cao hơn so với mức lương tối thiểu. Từ 1/7/2024, chính sách tiền lương sẽ được cải cách đồng bộ trong cả khu vực công và khu vực tư, hướng tới tiền lương khu vực công tiệm cận với tiền lương khu vực sản xuất.
Chia sẻ nội dung này với cử tri, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Nhà nước không can thiệp vào việc ban hành thang bảng lương của các doanh nghiệp, nhưng có trách nhiệm đưa ra mức lương tối thiểu làm căn cứ để người sử dụng lao động với người lao động thương thảo, thỏa thuận, làm sao không được thấp hơn mức lương tối thiểu này. Theo đó, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6% (thời gian áp dụng từ 1/7/2024).
Chia sẻ với ý kiến của cử tri, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời đại kỷ nguyên số, quan hệ lao động sẽ rất đa dạng. Cùng với lao động chính thức, đã xuất hiện nhiều công ty cho thuê lao động, hình thức làm việc online tại nhà hay một ngày, người lao động có thể làm cho nhiều đối tác khác nhau, công ty công nghệ hoạt động trên nền tảng ứng dụng app… Theo đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được các cơ quan chức năng xây dựng, cập nhật thêm nhiều quy định mới. Đáng chú ý như các quy định liên quan đến nhóm lao động không chính thức, không có giao kết lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Tại cuộc tiếp xúc, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội đã giải đáp về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp. Làm sao để đúng đối tượng và giá mua, Luật Nhà ở có những quy định rất cụ thể. Do đó, chính quyền địa phương, UBND, HĐND địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Người lao động thuê hay mua nhà ở xã hội cần tăng cường giám sát, phát hiện vi phạm kịp thời kiến nghị với chính quyền. Cùng với đó, Quốc hội tăng cường giám sát theo thẩm quyền để có kiến nghị kịp thời.
Liên quan đến Luật Nhà ở 2023, Điều 91 quy định công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân. Đây là chính sách mới, cùng với quy định trong luật, Chính phủ sẽ quy định điều kiện về đảm bảo an toàn môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tiễn, đồng thời với hiệu lực của Luật khi được thi hành (1/1/2025) để áp dụng, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, công nhân.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ… đã có những chia sẻ, giải đáp với công nhân, người lao động về xây dựng thiết chế văn hóa, chính sách ưu đãi hai lần thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, nghiên cứu kết hợp đào tạo nguồn nhân lực biển…
Nhân dịp đón năm mới 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trao quà tặng 200 đoàn viên, người lao động có thành tích xuất sắc trong sản xuất và đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
*Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, đại diện một số bộ, ngành đã tham dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội tại phường Tràng Cát, quận Hải An (Happy home Tràng Cát). Đây là dự án nhà ở xã hội có quy mô và hạ tầng tiện ích lớn nhất tại Hải Phòng, cung cấp 4.300 căn nhà, góp phần giải quyết nhu cầu an cư cho hàng chục ngàn người lao động tại địa phương.
Theo TTXVN