• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chủ tịch Vĩnh Phúc nêu giải pháp phát triển bền vững khu công nghiệp

(Chinhphu.vn) - Nhằm phát triển bền vững các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn, ngày 20/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp.

20/09/2024 19:24
Chủ tịch Vĩnh Phúc nêu giải pháp phát triển bền vững khu công nghiệp- Ảnh 1.

Hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: VGP/HT

Điểm sáng nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết: Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha. Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp trở thành "điểm sáng" của cả nước. Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động và góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Thực hiện Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng; trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội… Như vậy, trong thời kỳ tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp của cả nước, của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch Vĩnh Phúc nêu giải pháp phát triển bền vững khu công nghiệp- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, thời gian vừa qua, việc triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, tập trung vào một số nhóm vấn đề như: Tồn tại, vướng mắc thực thi pháp luật liên quan đến KCN, tính pháp lý về quy định khung đối với KCN chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN mới dừng lại ở cấp Nghị định, thường có sự xung đột, thiếu thống nhất khi các nghị định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Mô hình phát triển KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao… chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và việc triển khai các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn. Nguồn đất san nền cho các dự án KCN trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn; xác định giá đất cho các KCN chậm được thực hiện. Chất lượng quy hoạch xây dựng còn hạn chế. Năng lực và hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư của các cơ quan trong tỉnh chưa cao; công tác phối hợp giữa các sở ban, ngành, chủ đầu tư hạ tầng KCN với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế.

Năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn hạn chế; một số KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng; việc duy tu bảo dưỡng, chăm sóc, vận hành KCN chưa được quan tâm đúng mức.

Về thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thẳng thắn cho rằng, những năm gần đây, địa phương thu hút được rất ít dự án có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao (các nhà đầu tư chiến lược), lợi thế cạnh tranh của tỉnh có xu hướng giảm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có của tỉnh.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng… có xu hướng giảm dần lợi thế cạnh tranh. Các dự án đầu tư trong nước chủ yếu là dự án có quy mô nhỏ và vừa. Một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế, "vốn mỏng" dẫn đến dự án chậm tiến độ, kinh doanh không hiệu quả; năng lực tài chính, trình độ quản lý, công nghệ, sức cạnh tranh hạn chế.

"Việc kết nối trong sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, số lượng doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI không nhiều" - Chủ tịch Trần Duy Đông nói.

7 giải pháp phát triển bền vững KCN

Tại Hội nghị, đại diện một số DN cũng đã trao đổi về những thuận lợi cũng như những khó khăn vướng mắc khi đầu tư các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc.

Về vấn đề môi trường đầu tư, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Amane - chủ đầu tư KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (giai đoạn 1) đã chỉ ra một số tồn tại cần phải giải quyết sớm như giải phóng mặt bằng, bồi thường, tiền sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng, kết nối ngoài hàng rào khu công nghiệp…

"Dự án của chúng tôi được ngân hàng cấp vốn từ lâu, phía ngân hàng cũng giục doanh nghiệp giải ngân nhưng không giải ngân được, vì dự án không giải phóng mặt bằng được. Sau khi giải phóng mặt bằng xong thì chưa thể nộp tiền vào ngân sách vì chưa có đơn giá. Trong khi đó, các khách thuê liên tục giục mặt bằng để triển khai đầu tư. Thực tế này dẫn đến sự lãng phí lớn cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và địa phương", bà Đàm Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Còn đại diện Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID), chủ đầu tư KCN Khai Quang, Sông Lô 2 cho rằng: Tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung bám sát nhu cầu nhà đầu tư để hỗ trợ kịp thời; ưu tiên tập trung hỗ trợ các dự án lớn; triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào đồng bộ với khu công nghiệp như điện, nước, viễn thông, chỗ ở cho người lao động.

Nhìn nhận những tồn tại trong quá trình xây dựng, phát triển KCN tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Qua tổng kết, đánh giá về sự đóng góp của các KCN đối với thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy các KCN luôn góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc, khi các KCN đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế của tỉnh, giúp cho tỉnh từ một địa phương phải nhận hộ trợ từ ngân sách trung ương, trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở Top các địa phương dẫn đầu của cả nước.

Về các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng là khó khăn vướng mắc chung của các địa phương mà tới đây chúng ta cần tháo gỡ.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện tốt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 6/2/2024, ông Trần Quốc Trung cho rằng: Các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới cần tập trung 7 giải pháp, bao gồm: 

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành đã xác định Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ hai, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, startup được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D (nghiên cứu và phát triển), nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...

Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.

Thứ năm, phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; bảo đảm bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại ban quản lý KCN, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN.

Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN tại địa phương thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng như giao thông, khu dịch vụ logistics; đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Anh Minh