• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chú trọng mô hình hòa giải phù hợp và hiệu quả với đối tượng hòa giải

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/11, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo "Đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở". Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc và Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Hội thảo.

21/11/2023 17:33
Chú trọng mô hình hòa giải phù hợp và hiệu quả với đối tượng hòa giải- Ảnh 1.

TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa chủ trì Hội thảo - Ảnh: VGP/LS

Tham dự Hội thảo là các chuyên gia, đại diện đến từ Bộ Tư pháp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện một số Sở Tư pháp… và các hòa giải viên ở Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa cho biết, với hơn 80.000 Tổ hòa giải và hơn 500.000 Hòa giải viên trên cả nước, hàng năm các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiến hành hòa giải hơn 120.000 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 80%. Việc hòa giải dựa trên phương châm "thấu tình đạt lý" nên được các bên tự nguyện thực hiện, xóa bỏ và triệt tiêu bất ổn xã hội, không để hình thành "điểm nóng. Thông qua hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên còn vận động nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội.

Công tác hòa giải đóng vai trò to lớn trong việc đảm bảo ninh trật tự, sự bình yên trong mỗi gia đình, thôn xóm, địa phương, giảm thiểu công việc cho tòa án… Có được kết quả trên là nhờ các hòa giải viên ở cơ sở.

“Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi Toàn quốc lần thứ IV. Đây là diễn đàn để các hòa giải viên trong cả nước giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của nhau, đồng thời là sự ghi nhận của xã hội đối với sự đóng góp của các hòa giải viên”, bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết.

Ngoài những thành tựu đã được, công tác hòa giải ở cơ sở còn có một số khó khăn. Có địa phương chưa dành nhiều sự quan tâm tới công tác hòa giải ở cơ sở, điều này ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, ảnh hưởng tới việc tạo điều kiện đảm bảo hoạt động cho các tổ chức hòa giải về tập huấn, nâng cao kỹ năng, trang bị tài liệu cần thiết, kinh phí hoạt động…

Ngoài ra, vấn đề thể chế cũng ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, việc hòa giải chủ yếu dựa trên vấn đề tình làng nghĩa xóm, đề cao đạo đức… trong khi hòa giải ở cơ sở là “thấu tình đạt lý”. Nguyên nhân do kiến thức pháp luật của một số tổ hòa giải chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các điều kiện cho việc đảm bảo thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng chưa được đảm bảo…

Chú trọng mô hình hòa giải phù hợp và hiệu quả với đối tượng hòa giải- Ảnh 2.

Luật Hoà giải ở cơ sở ra đời đã tạo khung pháp lý vững chắc cho việc tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải - Ảnh: VGP/LS

Theo Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngô Quỳnh Hoa, Hội thảo là dịp để những người làm công tác quản lý nhà nước, chuyên gia, những người tham gia công tác hòa giải đưa ra ý kiến, đánh giá về kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời đưa ra những giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc để công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa..

Tại Hội thảo, chuyên gia, đại diện hòa giải viên cơ sở và một số cơ quan đề xuất tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan; tập trung sửa đổi các quy định về mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế thành lập tổ hòa giải bảo đảm thuận lợi, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở; xem xét bổ sung quy định trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước khi hòa giải viên muốn tìm hiểu, cung cấp thông tin liên quan để giải quyết vụ việc hòa giải; đổi mới việc tổ chức thực hiện triển khai công tác hòa giải cơ sở.

Đại diện một số Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm tới biên chế, kinh phí cho công tác hòa giải; tập huấn kỹ năng cho các hòa giải viên; chia sẻ về mô hình hòa giải hay của địa phương…

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: Luật Hoà giải ở cơ sở ra đời đã tạo khung pháp lý vững chắc cho việc tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải, xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị, địa phương trong công tác hoà giải ở cơ sở; đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp về nội dung mâu thuẫn.

Việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn công tác này.

Đến nay, đa phần các tổ hòa giải đều bảo đảm đúng, đủ thành phần, cơ cấu theo quy định. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, tập hợp được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn.

Theo Cục trưởng Lê Vệ Quốc, các địa phương đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đối tượng hòa giải như các tổ hòa giải điểm, tổ hòa giải là người có uy tín, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 05 tốt,… nhiều tổ hòa giải đạt tỷ lệ hòa giải thành 100%. Mạng lưới tổ hoà giải ở các địa phương liên tục được củng cố, mở rộng thu hút được nhiều thành phần tham gia như: Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên, người có uy tín, giáo viên, trưởng thôn, bản, tổ dân phố...

Những kết quả tích cực trên đã đóng góp vào kết quả chung của công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần ổn định kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu, hòa giải viên cơ sở. Theo đó, Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

LS