Theo nhận định của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), Việt Nam là 1 trong 13 nước có hổ sinh sống trong tự nhiên, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, hỗ trợ mạnh mẽ, 10 năm tới loài chúa sơn lâm này sẽ đứng trước bờ vực tuyệt chủng.
Còn đâu những "bóng dáng oai linh"
Thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn lại trong tự nhiên đang phải đối mặt với hiểm họa ngày càng tăng, mất chỗ sinh sống, bị săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Trong vài chục năm trở lại đây, số lượng hổ ở Việt Nam suy giảm rất nhanh. Ước tính chỉ còn chưa đến 50 con hổ đang trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Loài hổ tại Việt Nam phân bố chủ yếu dọc biên giới với Lào, Campuchia nên được xem là tài sản chung của ba nước Đông Dương. Hiện nay hổ chỉ phân bố ở một số nơi, những điểm này không liền nhau. Có những quần thể hổ hiện chỉ còn tồn tại 1- 5 con. Tuy vậy, các nhà khoa học, cho rằng, hiện hổ chỉ còn tồn tại ở vùng rừng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, dải Trường Sơn, Pù Mát. Ngay cả vùng núi phía Bắc, nơi trước đây có rất nhiều hổ sinh sống đã bị mất tên trên bản đồ phân vùng có hổ. Điển hình ở Đắk Lắk, trước đây loài hổ phân bố nhiều tại các khu rừng rậm thuộc các địa bàn rừng Yok Đôn, vùng biên giới buôn Đôn, Ea Súp, sống trên rừng núi Cư Yang Sin (huyện Krông Bông); trong khu rừng rậm Nam Kar (Đắk Lắk), buôn Za Wầm (Cư M'ga), Ea Sô (Ea Kar) và các khu rừng bên trảng cỏ các huyện M'Đrắk, Krông Năng, Ea H'leo vẫn thường gặp hổ.
Cách đây trên 20 năm, trong khu rừng rậm Nam Kar là khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều cá thể hổ sinh sống cùng với nhiều loài động vật hoang dã, nhưng nay hổ ở đây đã hoàn toàn biến mất. Các khu rừng rậm nguyên sinh thuộc các huyện Cư M'Gar, Krông Năng, Ea H'leo, vùng biên giới buôn Đôn, Ea Súp có khá nhiều động vật hoang dã và nhiều cá thể hổ, nhưng nay không ai còn nghe thấy những tiếng gầm oai dũng của chúng.
Cách nào bảo vệ chúa sơn lâm ?
Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) nguy cơ lớn đe dọa sự tồn tại của hổ trong tự nhiên là do săn bắt, rừng tự nhiên bị suy thoái, suy giảm lượng thức ăn. Một nguyên nhân khác, chính là những thói quen sử dụng các sản phẩm từ hổ và tín ngưỡng về hổ của người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung cũng là một mối đe dọa lớn với sự tồn tại của hổ trong tự nhiên.
GS.TS KH. Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay, xương, thịt hổ được chế biến thành cao hổ cốt với giá bán rất cao khoảng 18 - 20 triệu đồng một lạng. Chính vì thế mà một số người chạy theo lợi nhuận không còn chút lương tâm đã vơ vét, lùng sục, thúc giục việc săn bẫy bắt hổ trong tự nhiên đem bán. "Nếu như chúng ta không có các biện pháp quản lý tạo môi trường sống thích ứng thì dự báo vào khoảng năm 2015 - 2020 phân loài Hổ Đông Dương sẽ có thể biến mất trên lãnh thổ Việt Nam, khi đất nước đã trở thành một nước CNH - HĐH. Đó là điều mà tất cả chúng ta phải suy nghĩ ", GS. Huỳnh chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu cho hay, hành động ưu tiên Bảo tồn Hổ ở Việt Nam là phải thực hiện nghiêm các pháp luật, cùng với việc bảo vệ môi trường sống của hổ kết hợp hài hòa hai biện pháp bảo tồn nguyên vị trong hệ thống các Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia. Hiện tại, Cục BT&ĐDSH (Tổng cục Môi trường) đã đề xuất 5 hành động ưu tiên để bảo tồn hổ. Trong đó, vùng ưu tiên đầu tiên là khu rừng khô đồng bằng phía Đông, bao gồm Lâm trường Đắk Nam, Vườn Quốc gia Yok Đôn, lâm trường Cu Jut, lâm trường Ya Lốp và Khu Bảo tồn thiên nhiên Chư Prông. Vùng thứ hai là Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Vùng ưu tiên thứ 3 là Vườn Quốc gia Chư Mon Ray (và rừng ở huyện Sa Thầy - Kon Tum). Vùng thứ tư là Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam). Vùng thứ năm là một số khu vực khác.
Vườn Quốc gia Yok Đôn được xác định là khu vực điểm trong bảo tồn hổ được đặt dưới sự quản lý và phối hợp giữa kiểm lâm, bộ đội biên phòng và tổ chức phi Chính phủ.
Ngày 29/7/2011 tại Hà Nội, lần đầu tiên Việt Nam sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế về Hổ. Ngoài Việt Nam, 13 quốc gia khác có hổ sinh sống cũng sẽ thực hiện nhiều hoạt động thu hút sự chú ý của công chúng đối với sự cấp thiết phải bảo vệ loài thú quý hiếm này. Mục tiêu đến năm 2022, số lượng hổ trong tự nhiên sẽ được nhân đôi từ 3.200 thành 6.400 cá thể. |
X. Hợp