Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo TTXVN, cuộc bỏ phiếu dự kiến vào 15h (19h GMT), diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Moskva để tăng cường sức ép yêu cầu Nga cân nhắc lại việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nga được cho là sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình để cản trở biện pháp này. Nếu giả thiết này là sự thực thì đây sẽ là lần thứ 8, Nga dùng quyền phủ quyết tại HĐBA để ngăn chặn hành động chống lại chính quyền Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Washington "chắc chắn" rằng Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công tại Khan Sheikhun.
Trả lời báo giới, ông Mattis khẳng định chiến lược quân sự của Mỹ ở Syria không thay đổi sau cuộc không kích quân đội Syria, với ưu tiên vẫn là đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bộ trưởng Mattis cho biết thêm đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ đã trình "các phương án ngoại giao và quân sự" lên Tổng thống Donald Trump, và Chính quyền Mỹ quyết định rằng "biện pháp đáp trả bằng quân sự có chừng mực là cách tốt nhất để răn đe Chính quyền Assad.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết thêm Washington vẫn luôn cân nhắc phương án thiết lập vùng cấm bay ở Syria, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng vấn đề Syria sẽ không khiến quan hệ Mỹ-Nga vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
* Cùng ngày, Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy cho biết chính quyền Syria sẵn sàng cho phép các chuyên gia quốc tế kiểm tra căn cứ quân sự của Syria để tìm các dấu vết của vũ khí hóa học.
Phát biểu trên truyền hình, ông Rudskoy nhấn mạnh Nga sẽ bảo đảm an ninh cho các chuyên gia nói trên. Ngoài ra, ông cũng cho biết các phiến quân đang phát tán các hóa chất độc hại ở thành phố Khan Shaykhun, sân bay Jira, Đông Gouta và phía tây thành phố Aleppo.
Theo ông, mục đích của những hành động này là tạo ra một cớ khác để cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và nhằm kích động các vụ tấn công mới của Mỹ.
Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẽ kêu gọi LHQ tiến hành điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước tại tỉnh Idlib của Syria.
* Trước đó, hôm 10/4, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh cuộc oanh kích của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria với một cái cớ "tự nghĩ ra" là "không thể chấp nhận được" và khẳng định Moskva sẽ yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế khách quan về vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib ngày 4/4, làm ít nhất 87 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí cho rằng cần phải mở một cuộc điều tra như vậy. Hai bên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Syria không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, cần hợp tác duy trì lệnh ngừng bắn và thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các bên Syria tại cả Astana (Kazakhstan) và Geneva, Thụy Sĩ, theo các nghị quyết của HĐBA LHQ và quyết định của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria.
* Cũng liên quan tình hình căng thẳng tại Syria, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehgan cảnh báo: "Bất kỳ hành động mới nào của Mỹ đều sẽ bị đáp trả".
Ông Dehgan đưa ra cảnh báo trên nhằm phản ứng việc Mỹ hồi tuần trước đe dọa tiến hành "các phương án quân sự tiếp theo" tại Syria sau một cuộc không kích bằng tên lửa gây tranh cãi nhằm vào quân đội Syria hôm 7/4.
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 11/4, ông Dehgan nhấn mạnh: "Mỹ sẽ phải trả giá đắt nếu họ tiếp tục có hành động quân sự tương tự". Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Iran cáo buộc giới lãnh đạo Mỹ đã "nói dối" khi tuyên bố muốn chống khủng bố.