Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị trực tuyến về hỗ trợ giáo viên mầm non bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại điểm cầu chính Bộ GD&ĐT với sự tham gia của đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cùng 18 địa phương để cùng hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giáo viên mầm non bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, theo tinh thần của Nghị quyết Nghị quyết 103/NQCP thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế, trong đó ngành giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.
Giáo dục mầm non là cấp học có tỉ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập và tỉ lệ huy động trẻ đến cơ sở ngoài công lập lớn nhất so với các cấp học khác (gần 22,3%). Đặc biệt, những tỉnh, thành phố có tỉ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập cao là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo yêu cầu về phòng, chống dịch, các cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động, không tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trực tuyến, không thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch đã phải ngừng hoạt động trong hơn 6 tháng qua.
Do không có doanh thu từ nguồn học phí nên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có khả năng chi trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đối với giáo dục tiểu học, việc tổ chức dạy học trực tuyến bị giảm nguồn thu học phí, cán bộ, giáo viên, nhân viên giảm thu nhập, trong khi trách nhiệm hết sức nặng nề, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ, phục vụ bị mất việc, giảm thu nhập do tinh giản đội ngũ.
Tính từ tháng 5/2021 đến tháng hết tháng 3/2022, có 94% cơ sở giáo dục mầm non và 16 trường mẫu giáo, mầm non SOS trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam phải ngừng hoạt động; các cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập đã phải tổ chức dạy học trực tuyến; 94% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non và 30% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Thực hiện quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP, có 57/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách địa phương hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 18/57 tỉnh, thành phố có quy định đối tượng người lao động trong giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Mức hỗ trợ 16/18 tỉnh áp dụng 1,5 triệu. Có 2/18 tỉnh áp dụng mức 2 triệu, mức hỗ trợ này là rất thấp trong khi thời gian nghỉ việc kéo dài, không có thu nhập, ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhiều người đã bỏ nghề, tìm kiếm công việc khác để ổn định cuộc sống.
Những khó khăn nêu trên dẫn tới các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải đối mặt với nguy cơ thiếu giáo viên, không bảo đảm các điều kiện hoạt động giáo dục, rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã bị giải thể, dịch vụ giáo dục mầm non ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gẫy. Đến nay, các địa phương đều đã đưa trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lại trường học, nhưng nhiều trẻ em mầm non không có chỗ học do cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã giải thể.
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ giáo viên mầm non bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được hoàn thiện đã cơ bản bao gồm các nội dung được quy định tại Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Dự thảo Quyết định bổ sung một số quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục để việc triển khai bảo đảm nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như cấp quản lý dễ dàng tiếp cận chính sách, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Từ thực tế khó khăn, đại diện Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đắk Nông, Gia Lai, Nghệ An, Khánh Hòa... đã có ý kiến về việc chủ động hỗ trợ cho giáo viên mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc khi triển khai thực hiện cần bổ sung làm rõ các đối tượng, nhóm lớp, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trường nhiều cấp, trình tự thủ tục… bảo đảm Quyết định được ban hành không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng, đồng thời cũng tránh vụ lợi chính sách.
Với 18 ý kiến của 18 địa phương tham dự Hội nghị, thực tế triển khai tại các địa phương từ những tỉnh, thành phố có số đông đối tượng được thụ hưởng và địa phương không có nhiều, các ý kiến xây dựng đã thể hiện đầy đủ thực tế khó khăn đồng thời đưa ra kiến nghị phù hợp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để quyết định trình Thủ tướng ký ban hành được hoàn thiện hơn. Câu chữ và kết cấu của dự thảo bảo đảm theo đúng đối tượng, hồ sơ và quy trình thực hiện, thời gian thực hiện. Từng bộ phận chức năng của ban soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu tối đa nhất những ý kiến, nghiên cứu kỹ Nghị quyết 103 về mục đích, ý nghĩa, để dự thảo quyết định có tính khả thi cao.
Thứ trưởng lưu ý, trong Nghị quyết 103 cũng nói rõ là ổn định đội ngũ để tránh đứt gẫy đội ngũ giáo viên và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Có đối tượng chưa được quy định trong dự thảo quyết định, các địa phương, Sở GD&ĐT cũng cần tham mưu đề xuất, bổ sung đối tượng và mức thụ hưởng. Đó là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố. Đối tượng chăm sóc trẻ em của trung tâm hòa nhập, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố. Ban biên soạn khi xây dựng phải cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ làm nhưng không bỏ sót đối tượng, tuy nhiên cũng tránh tuyệt đối việc trục lợi chính sách.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương, các Sở GD&ĐT gửi các ý kiến góp ý bằng văn bản để ban soạn thảo có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, bảo đảm chặt chẽ. Ban soạn thảo cũng cần xin ý kiến các bộ, ngành để cố gắng trước ngày 20/9 trình Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực để cuối tháng 9 sẽ thực thi.
Nhật Nam