Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại Hội trường ở Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.
Các ý kiến đại biểu khẳng định, đây là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đã đảm bảo cho 3 nội hàm: Công tác quản lý của Nhà nước, quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp.
Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), qua dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu tối đa, có giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là nêu được rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình được nhiều vấn đề đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Nhấn mạnh, với tính chất của luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại kỳ họp này như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng dự thảo luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất, song cần được xem xét, thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực liên quan, nhất là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Đề cập đến nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy phương án do hai cơ quan lựa chọn đều có những cơ sở nhất định. Để đảm bảo thống nhất với Luật Quy hoạch và luật hóa những quy định phù hợp, đại biểu đề nghị có thể nghiên cứu thêm một phương án theo hướng kết hợp cả hai phương án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trình như sau: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được phê duyệt quyết định trước. Trường hợp quy hoạch cấp cao hơn chưa được phê duyệt thì cấp có thẩm quyền được phê duyệt với quy hoạch cấp thấp hơn để thực hiện.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) khẳng định, dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và toàn thể nhân dân.
Đồng thời, dự thảo luật thể hiện rõ hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với một dự án luật quan trọng của đất nước. Đại biểu kỳ vọng, dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Liên quan tới quy định về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, hiện nay, các quy định này đang bị chia tách bởi 2 luật, một nửa quy định tại Chương 5 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), còn lại được quy định tại Luật Quy hoạch.
Đại biểu đưa ra dẫn chứng, đối với quy hoạch về sử dụng đất quốc gia, quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất căn cứ vào nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong khi đó, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 Luật Quy hoạch. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự đối với đất quốc phòng, an ninh và một số loại đất khác.
Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo luật thì sau khi ban hành việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất phải áp dụng cùng một lúc là 2 luật. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương 5 của dự thảo luật. Đồng thời, bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.
Nên quy định những tiêu chí về khu tái định cư mang tính nguyên tắc
Đóng góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục, phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền... Tuy nhiên, với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ các điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là tại các thành phố lớn.
Với điều kiện bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng dự thảo luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.
Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát nội dung liên quan đến định nghĩa "tái định cư" trong dự thảo luật, khái niệm về "người không có chỗ ở nào khác".
Về tài sản gắn liền với đất thuê theo khoản 2 Điều 34, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1 và cho rằng quy định theo hướng này bảo đảm tài sản nhà nước, thực hiện bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước.
Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45, hiện đang có 2 phương án, đại biểu Nguyễn Hữu Chính tán thành với phương án 1. Đại biểu cho rằng quy định theo hướng này sẽ bảo đảm công tác quản lý đất trồng lúa nghiêm ngặt, chặt chẽ, tránh trường hợp cá nhân thu gom đất trồng lúa để đầu cơ, ảnh hưởng đến phát triển. Bên cạnh đó, để đáp ứng điều kiện nhận chuyển nhượng, cá nhân không trực tiếp sản xuất phải có phương án sử dụng đất và lên kế hoạch sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với điều kiện hiện nay, tránh tính trạng không quản lý được quỹ đất.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh quan điểm cần xác định các nguyên tắc nhất quán trong bồi thường, tái định cư, thu hồi đất thực hiện dự án
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần quán triệt nguyên tắc nhất quán bồi thường giá đất theo nguyên tắc chỉ bồi thường giá trị đất theo mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tất cả thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư.
Nhà nước bên cạnh thực hiện quy hoạch đối với dự án đất ở đất thương mại đất khu đô thị và Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng. Nhà nước định ra không gian gần như 1 sản phẩm quy hoạch để tiến hành đấu giá đất, đấu giá dự án. Tiền thu được phục vụ thu hồi chi phí nhà nước đầu tư cho quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng (thực chất đây là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), chi phí bồi thường tái định cư, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ lợi ích chung. Đồng thời, không phân biệt dự án công, dự án tư, tránh tình trạng 2 giá, bất bình đẳng dễ nảy sinh mâu thuẫn.
Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị xác định phương pháp bồi thường, vấn đề lựa chọn phương án phù hợp với từng loại đất và có nguyên tắc trong Luật. Theo đó, đất ở gắn với quyền tài sản, tài sản trên đất cần áp dụng phương pháp so sánh thị trường, thậm chí là phương pháp thặng dư. Đất sản xuất thì lấy phương pháp thu nhập kết với phương pháp khấu trừ… Nếu xác định được trong luật những nguyên tắc đó thì Chính phủ có cơ sở hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đối với chế độ pháp lý đối với lấn biển nên quy định nguyên tắc trong Luật Đất đai thay vì ủy thác cho Chính phủ. Theo đó, cần khuyến khích thể nhân, cá nhân thực hiện lấn biển để gia tăng quỹ đất, mở rộng không gian sinh tồn. Đại biểu gợi ý có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết, ưu đãi tài chính… Theo đó, Nhà nước cần khuyến khích hỗ trợ tài chính, lãi suất, miễn giảm thuế có thời hạn, cấp quyền sử dụng đặc biệt nếu như mảnh đất có thể sử dụng vào những việc phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, liên quan đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 5, đã có các quy định cụ thể đối tượng là dân tộc thiểu số.
Về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) dẫn chiếu, khoản 2 Điều 16 quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống theo quy định.
Khoản 3 Điều 16 quy định, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 2 điều này nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định.
Đại biểu cho rằng, các quy định chính sách chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thu hẹp chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, không phù hợp với nội hàm tên của Điều 16 là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh lý nội dung điều này cho phù hợp với chính tên của điều luật, đảm bảo chính sách cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hải Liên