• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu

(Chinhphu.vn) - Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trở nên gay gắt, thường xuyên và lan rộng hơn.

02/07/2025 16:11

Nhiều quốc gia ven Địa Trung Hải, từ bán đảo Iberia qua Pháp, Italy, vùng Balkan cho đến Hy Lạp, đang phải chống chọi với thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua, làm dấy lên cảnh báo về sức khỏe cộng đồng và nguy cơ cháy rừng.

Lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 1.

Du khách "giải nhiệt" tại đài phun nước Trocadero, phía trước Tháp Eiffel ở Paris, ngày 1/7, trong bối cảnh Pháp bước vào đợt nắng nóng cực điểm - Ảnh: AFP/Getty Images

Ngày 1/7, thành phố Paris đã gia hạn tình trạng báo động đỏ do nắng nóng, buộc chính quyền phải đóng cửa đỉnh Tháp Eiffel, cấm các phương tiện gây ô nhiễm và áp dụng hạn chế tốc độ khi đợt nắng nóng khắc nghiệt đang bao trùm khắp châu Âu.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Cảnh báo này cho phép chính quyền địa phương hạn chế hoặc hủy bỏ các sự kiện thể thao, lễ hội và hoạt động ngoại khóa của học sinh. Giới chức cho biết cảnh báo sẽ được duy trì ít nhất đến ngày 2/7.

Ban quản lý Tháp Eiffel cũng đã đóng cửa đỉnh ngọn tháp cao 330 m (1.083 feet) từ 11h giờ GMT ngày 30/6 và thông báo tiếp tục đóng cửa vào các ngày 1/7 và 2/7 do nắng nóng.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 3.

Một công nhân tại Bordeaux, Pháp - Ảnh: AFP/Getty Images

Cảnh sát cho biết, toàn bộ các phương tiện trừ những loại ít gây ô nhiễm nhất đã bị cấm lưu thông trong khu vực Ile-de-France (trong đó có thủ đô Paris) từ 3h30 GMT đến 22h00 GMT do mức độ ô nhiễm ozone tăng cao. Một số tuyến đường cũng áp dụng giới hạn tốc độ chỉ 20 km/h (12,5 mph).

Trên toàn nước Pháp, gần 1.350 trường học sẽ đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần — gần gấp đôi so với con số ngày 30/6 — khi các giáo viên phản ánh tình trạng lớp học nóng bức, thiếu thông gió khiến học sinh bị ốm.

Giới chức y tế đã đưa ra cảnh báo đặc biệt cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 4.

Cơ quan Thời tiết Đức (DWD) dự báo nước này sẽ phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt ở một số khu vực có thể lên tới 39 độ C vào giữa tuần - Ảnh: AP

Tại Bồ Đào Nha, người dân dự kiến sẽ được “giải nhiệt” đôi chút vào ngày 1/7 sau 2 ngày liên tiếp nhiều khu vực, trong đó có Lisbon, bị đặt trong tình trạng báo động đỏ. Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn có thể chạm ngưỡng 40 độ C tại thành phố Castelo Branco, Beja và Evora ở miền Nam và khoảng 34 độ C tại thủ đô. 

Nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao tại nhiều vùng của Bồ Đào Nha. Đêm 29/6, khoảng 250 lính cứu hỏa đã được điều động để khống chế đám cháy tại khu vực Aljustrel, miền Nam nước này.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 5.

Người dân "giải nhiệt" tại các cây phun sương ở Valencia, Tây Ban Nha - Ảnh: Getty Images

Tại Tây Ban Nha, nhiệt độ vẫn được dự báo duy trì ở mức cao từ 38-45 độ C sau khi chạm mốc kỷ lục 46 độ C ở miền Nam — mức cao nhất trong tháng 6, theo cơ quan khí tượng quốc gia.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 6.

Ảnh: AP

Italy cũng đã ban hành cảnh báo đỏ ở 18 thành phố trong những ngày tới, trong đó có Rome, Milan, Verona, Perugia và Palermo, cũng như nhiều khu vực ven biển Adriatic ở Croatia và Montenegro. 

Ngoài ra, Italy còn hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan khác khi một trận lũ quét do mưa lớn xảy ra ở vùng Piedmont, phía bắc nước này, khiến một người đàn ông 70 tuổi thiệt mạng.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 7.

Người dân đi bộ dưới biển báo hiển thị nhiệt độ 40°C tại quảng trường Piazza di Spagna, Rome, ngày 1/7, trong bối cảnh nắng nóng gay gắt bao trùm Italy - Ảnh: Getty Images

Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán hơn 50.000 người trước nguy cơ cháy rừng

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã sơ tán hơn 50.000 người trước nguy cơ cháy rừng lan rộng, chủ yếu tại tỉnh Izmir ở phía tây, nơi gió mạnh tới 120 km/h đã làm ngọn lửa bùng phát dữ dội. Hy Lạp cũng đang gồng mình ứng phó với cháy rừng lan rộng.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 8.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã sơ tán hơn 50.000 người trước nguy cơ cháy rừng lan rộng, chủ yếu tại tỉnh Izmir ở phía tây, nơi gió mạnh tới 120 km/h đã làm ngọn lửa bùng phát dữ dội - Ảnh: Anadolu/Getty Images

Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng đang diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ), công trình biểu tượng Atomium tạm thời rút ngắn thời gian mở cửa trong 3 ngày từ 30/6 đến 2/7. Biện pháp này nhằm bảo đảm an toàn cho du khách và nhân viên trong điều kiện nhiệt độ trong nhà tăng cao bất thường.

Chùm ảnh: Nắng nóng bao trùm châu Âu- Ảnh 9.

Ảnh: EFE/EPA

Đây không phải là lần đầu tiên Atomium buộc phải điều chỉnh lịch hoạt động do nắng nóng. Vào mùa Hè năm 2019, công trình từng áp dụng biện pháp tương tự khi nhiệt độ trong các ống nối giữa các khối cầu và thang máy tăng vượt ngưỡng an toàn. Khi đó, Giám đốc điều hành Henri Simons cho biết, một số khu vực không được trang bị hệ thống điều hòa, khiến điều kiện làm việc và tham quan trở nên không an toàn.

Công trình Atomium, khánh thành vào năm 1958 nhân dịp Triển lãm Thế giới, là một trong những địa danh thu hút nhiều du khách nhất tại Bỉ. Với cấu trúc gồm 9 khối cầu bằng thép không gỉ liên kết bằng các ống dẫn, công trình không chỉ mang giá trị biểu tượng về mặt kiến trúc mà còn là điểm đến nổi bật trong các hành trình du lịch tại Brussels.

"Thế giới sẽ phải học cách sống chung với các đợt nắng nóng kéo dài"

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra nhận định này trong bối cảnh châu Âu đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt giữa mùa Hè.

Theo TTXVN, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WMO, bà Clare Nullis lưu ý tháng 7 vốn là tháng nóng nhất trong năm tại Bắc bán cầu, nhưng nắng nóng cực đoan xảy ra sớm như mùa Hè năm nay là điều đặc biệt dù không phải là chưa từng có. Tây Âu đang “oằn mình” dưới nắng nóng do ảnh hưởng của hệ thống áp suất cao, khiến hơi nóng từ Bắc Phi bị giữ lại ở khu vực này.

Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến đến đợt nắng nóng lần này là nhiệt độ mặt nước biển đặc biệt cao ở Địa Trung Hải, tương đương với nắng nóng trên đất liền. Biển Địa Trung Hải đang phải chịu đợt nắng nóng khá gay gắt và điều này có xu hướng làm gia tăng nhiệt độ cực đoan trên đất liền.

Bên cạnh đó, hiện tượng đảo nhiệt đô thị đang làm trầm trọng thêm tình hình tại các thành phố, do thiếu cây xanh để hấp thụ nhiệt và các bề mặt bê tông phản xạ nhiệt.

Nắng nóng gay gắt thường được cho là “kẻ giết người thầm lặng", với số người tử vong thường bị ghi nhận thấp hơn trong các số liệu thống kê chính thức. Do biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan được dự báo xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn. Theo đó, bà Nullis nhấn mạnh thế giới cần phải học cách “sống chung” với nắng nóng kéo dài. WMO khẳng định các cảnh báo sớm và các kế hoạch hành động phối hợp có vai trò quan trọng để bảo vệ an toàn công cộng.