Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Đình Nam |
Trong nhiều bất cập, hạn chế cần nhận diện khi tiến hành sơ kết Nghị quyết 33, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng câu hỏi lớn nhất đặt ra là chúng ta đã thực sự coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” như Nghị quyết yêu cầu chưa?
Qua báo cáo của tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo các Bộ ngành đã nêu lên một số điểm sáng trong chỉ đạo, điều hành của đảng bộ, chính quyền địa phương trong phát triển văn hóa, con người.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng Sóc Trăng đã tận dụng rất tốt những thế mạnh của địa phương trong xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở với 109/109 xã, phường, thị trấn đều có nhà văn hóa cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng.
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thực chất, thiết thực, thu hút được đông đảo người dân với 227 câu lạc bộ và đội văn hóa, văn nghệ. Mạng lưới thư viện tiếp tục được mở rộng với 219 thư viện, phòng đọc sách phục vụ 6,7 triệu lượt người, trên 13 triệu lượt tài liệu. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình văn hóa, mua sắm trang thiết bị âm thanh, dụng cụ thể thao, sách… phục vụ nhu cầu của người dân.
Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở có sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng với 273 người, trong đó 182 người có trình độ từ trung cấp đến tiến sĩ. Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá được mở rộng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tập quán, lễ hội truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng.
Người dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, rườm ra nhưng vẫn giữ được nghi lễ, phong tục tốt đẹp.
“Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của Sóc Trăng cần dựa trên những thế mạnh đặc thù của tỉnh như sự đậm đặc của các giá trị, thiết chế văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hoá Khmer, trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ.
Tuy nhiên, báo cáo của tỉnh Sóc Trăng chưa đề cập các vấn đề đặt ra khi thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Ảnh VGP/Đình Nam |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ lo ngại về sự xuống cấp của hệ thống y tế cơ sở, thiếu bác sĩ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân địa phương. Đây là những vấn đề Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Sóc Trăng trong thời gian tới như: Xây dựng, nâng cấp các trạm y tế xã, đào tạo bác sĩ gia đình, chỉ đạo các bệnh viện đầu ngành, tuyến trung ương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, đào tạo bác sĩ cho bệnh viện tuyến dưới…
Còn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nêu lên một số câu hỏi về thực hiện đổi mới dạy và học, đánh giá học sinh; sắp xếp lại trường lớp; thay đổi phương pháp quản lý, quản trị trường phổ thông; thống kê đầy đủ cơ cấu giáo viên, nhu cầu thực tế để đặt hàng đào tạo sư phạm…
Qua ý kiến của lãnh đạo các bộ ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Sóc Trăng cần làm rõ những đặc thù của tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33, đồng thời phân tích sâu sắc bất cập, hạn chế của các chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục, nông thôn mới trong các phong trào thi đua.
Cho ý kiến một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế giải quyết bằng được tình trạng thiếu bác sĩ ở Sóc Trăng và một số tỉnh ở miền Tây Nam bộ thông qua các hình thức đào tạo đa dạng, có sự tham gia của các bệnh viện. Đồng thời, Bộ Y tế phải tạo điều kiện tối đa cho địa phương đổi mới hệ thống y tế cơ sở, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, bảo đảm cơ số và chất lượng thuốc cung cấp tại trạm y tế xã không kém bệnh viện tuyến trên, nhất là đối với các bệnh không truyền nhiễm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Trường Dân tộc nội trú Thạnh Phú. Ảnh VGP/Đình Nam |
Về giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu, mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, quản trị các trường phổ thông vừa bảo đảm đủ trường lớp cho học sinh nhưng cũng có khả năng cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho một bộ phận người dân đủ khả năng chi trả.
Đồng thời thay đổi nhận thức và phải coi trường học là của cộng đồng. Ngoài phòng giáo dục, hiệu trưởng, ban giám hiệu thì cần có sự tham gia quản lý của cộng đồng, tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh, tạo điều kiện huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch.
Sau khi đi thăm Trường Dân tộc nội trú THCS&THPT Thạnh Phú, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ngành giáo dục, các thầy cô giáo nghiên cứu, xem xét thực hiện phương án có khu ký túc xá cho học sinh dân tộc thiểu số nhưng các cháu sẽ đi học chung với các bạn ở trường phổ thông bình thường chứ không học riêng trường, riêng lớp. Bên cạnh việc học tập theo chương trình chung bằng tiếng phổ thông, cần tăng dần thời lượng cho các cháu học tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt thêm văn hóa của dân tộc mình. Bảo đảm chất lượng đầu ra của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn không kém hơn ở vùng thuận lợi.
“Các đồng chí làm thận trọng, từng bước nhưng tinh thần cái gì tốt cho các cháu, cho tương lai thì chúng ta phải quyết tâm làm”, Phó Thủ tướng nói./.
Đình Nam