Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Trần Văn Ngoan (người ngồi giữa) bên các con và các cháu kể lại những năm tháng vất vả của gia đình khi không có giấy tờ tùy thân. Ảnh: VGP/Văn Tài |
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày cuối tháng 9/2013, khi những người làm công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của công dân tại Cổng TTĐT Chính phủ nhận được một bức thư điện tử khá đặc biệt.
Trong thư, anh Nguyễn Hà Sinh, con rể của một gia đình có 9 thành viên tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết, tuy đã 21 năm sống tại mảnh đất này nhưng không một ai trong gia đình nhà vợ anh có bất cứ một loại giấy tờ nào để chứng minh sự tồn tại hợp pháp của mình.
Ngay sau khi tìm hiểu thông tin và nhận được sự cộng tác của các cơ quan liên quan, Cổng TTĐT Chính phủ đã chuyển phản ánh về gia đình ông Trần Văn Ngoan và bà Quách Thị Mắng, bố mẹ vợ anh Sinh đến Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên để xem xét, giải quyết.
Và vào một ngày cuối năm, Cổng TTĐT Chính phủ đã nhận được những tin vui đầu tiên từ Sở Tư pháp Phú Yên và UBND phường Phú Thạnh: Hiện 9 thành viên trong gia đình ông Ngoan, bà Mắng đang được tiến hành làm lại các giấy tờ hộ tịch ban đầu như giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh…
Hôm nay, khi mọi nhà đang tất bật bày biện mâm cỗ cúng tất niên, chúng tôi được anh Nguyễn Hà Sinh dẫn đến nhà bố mẹ vợ, nghe họ kể lại câu chuyện về gia đình, về cơ duyên giúp họ có thể làm lại được các giấy tờ tùy thân cần thiết sau 21 năm.
Hành trình tìm lại “quyền công dân”
Năm 1984, vợ chồng ông Ngoan đã từ mảnh đất Thanh Hóa lặn lội vào tận phường Phú Lâm, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, lập nghiệp. Cuộc sống của họ có lẽ cũng sẽ diễn ra bình thường như bao công dân khác ở nơi này nếu như không có cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1993.
Bà Mắng nhớ lại: “Năm đó, lũ lụt lớn quá, mọi đồ đạc và tài sản trong nhà đều bị cuốn sạch, trong đó có toàn bộ giấy tờ của vợ chồng tôi”.
Trắng tay sau cơn lũ, may nhờ sự giúp đỡ của người thân, gia đình ông bà dọn về tạm trú trên mảnh đất của người cháu ở phường Phú Thạnh. Cuộc sống tiếp sau đó của vợ chồng ông Ngoan, bà Mắng với 5 đứa con thơ là những tháng ngày chật vật làm thuê làm mướn để mưu sinh.
Kinh tế khó khăn, bệnh tật liên miên đã khiến ước nguyện trở về quê cũ để làm lại giấy tờ của ông bà cứ ngày một xa. Không giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc không chứng minh được sự tồn tại hợp pháp của cá nhân nên các con ông bà cũng không thể làm được các thủ tục cần thiết để được đến trường, xin việc làm…
“Các con tôi giờ mỗi người một ngả, đứa làm thợ hồ, đứa làm thợ sơn, phục vụ quán bán hàng… kiếm sống qua ngày”, ông Ngoan bùi ngùi nói vậy.
Năm 2011, vợ chồng ông Ngoan gả con gái đầu là chị Trần Thị Nga cho anh Nguyễn Hà Sinh.
Anh Sinh cho hay: “Ngày làm thủ tục kết hôn tôi mới biết gia đình nhà vợ chẳng có bất cứ giấy tờ tùy thân nào”.
Sau khi trở thành thành viên của gia đình, chứng kiến những khó khăn, vất vả và cả những tình huống “dở khóc, dở cười” của nhà vợ do không có giấy tờ tùy thân, anh Sinh băn khoăn mãi. Quyết định thử sức, anh bắt tay vào cuộc hành trình “tìm lại quyền công dân” cho các thành viên trong gia đình vợ.
Tìm đến UBND phường Phú Thạnh, nơi gia đình vợ tạm trú để hỏi thủ tục thì được hướng dẫn, trước tiên phải có giấy tờ gốc nơi bố mẹ vợ sinh ra để làm căn cứ. Tuy nhiên, bố mẹ vợ của anh đều già yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Xa quê đã lâu nên ông, bà cũng không nhớ được nhiều thông tin. “Tôi lại tiếp tục mò mẫm, dò hỏi khắp nơi, nhưng hầu hết mọi người đều có chung câu trả lời: Không biết, khó lắm. Có người còn ngạc nhiên thốt lên: Sao không có giấy tờ gì vậy trời? Vậy từ hồi đó tới hôm nay sống sao?... Đi quá nhiều nhưng không làm được, tôi nản, nhưng rồi lại nghĩ, mình là rể cả, có chút “chữ nghĩa” nên phải có trách nhiệm để cho các cháu được đi học, các em tìm được việc làm ổn định hơn, có như thế cuộc sống mới đỡ vất vả”, anh Sinh chia sẻ.
Khi không còn biết bấu víu vào đâu, anh quyết định viết thư gửi tới Cổng TTĐT Chính phủ bày tỏ những vướng mắc mà gia đình nhà vợ đang gặp phải với nguyện vọng được xem xét, hướng dẫn cách tháo gỡ.
Theo anh Sinh, điều bất ngờ đầu tiên đó là chỉ sau đó một thời gian ngắn, anh đã nhận được phản hồi đầu tiên qua Cổng TTĐT Chính phủ, đó là hướng dẫn của Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên. Và cũng bắt đầu từ đây, mọi chuyện dần trở nên thuận lợi.
Niềm vui đã trọn…
Sau khi nhận được phản ánh qua Cổng TTĐT Chính phủ, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên đã hướng dẫn gia đình anh Sinh liên hệ với đúng cơ quan có thẩm quyền, đồng thời Sở cũng đã thông tin đến Phòng Tư pháp TP. Tuy Hòa, UBND phường Phú Thạnh về trường hợp này.
Trên cơ sở đó, UBND phường Phú Thạnh, Phòng Tư pháp TP. Tuy Hòa đã khẩn trương xác minh trường hợp của gia đình ông Trần Văn Ngoan, bà Quách Thị Mắng theo nội dung đơn thư, đồng thời, hướng dẫn cụ thể để gia đình tiến hành làm các thủ tục cần thiết.
Ông Ngoan xúc động chia sẻ: “Vừa mới cách đây mấy hôm, tôi đã được cán bộ phường giải thích cụ thể cách tiến hành các thủ tục sao cho thuận tiện nhất. Tất cả cũng gần xong xuôi rồi, hiện tôi đã liên lạc được với người họ hàng ở quê để có thể xác nhận một số thông tin về gia đình, bố mẹ tôi trước kia”.
Ông Ngoan cũng nhận thấy, việc chậm trễ trong thủ tục lỗi một phần không nhỏ là do gia đình, “vì hoàn cảnh gia đình, rồi bản thân tôi lại đau ốm liên miên nên bấy lâu tôi đã không rốt ráo xác minh, tìm lại gốc tích gia đình làm căn cứ để chính quyền địa phương xem xét, tiến hành giải quyết”.
Như vậy, sau khi Cổng TTĐT Chính phủ phản ánh sự việc, cộng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành liên quan ở Phú Yên, chỉ một ít thời gian nữa thôi là gia đình ông Ngoan-bà Mắng sẽ chính thức được công nhận sự tồn tại một cách hợp pháp. Các giấy tờ hộ tịch gốc này sẽ là “tấm giấy thông hành” để các thành viên trong gia đình tiếp tục được làm các loại giấy tờ tùy thân cần thiết khác.
Có lẽ Tết Giáp Ngọ 2014 này sẽ là cái Tết vui nhất, ý nghĩa nhất của đại gia đình ông Ngoan. Sau 21 năm “lãng quên”, giờ đây họ sẽ bắt đầu một “cuộc sống mới”, được pháp luật chính thức công nhận quyền công dân.