Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại sứ Tây Ban Nha Carmen Cano de Lasala
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sánchez sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 08 đến ngày 10/4/2025.
Đại sứ Tây Ban Nha Carmen Cano de Lasala cho biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Tây Ban Nha tới Việt Nam; diễn ra trong bối cảnh hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2027.
"Thông qua chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn khai thác tối đa tiềm năng trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Tây Ban Nha và Việt Nam là những đối tác gần gũi với nền kinh tế mang tính bổ trợ lẫn nhau. Cả hai quốc gia đều đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy bất ổn", bà Carmen Cano de Lasala chia sẻ.
Chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha sẽ góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Đại sứ cũng hy vọng, sẽ sớm có một chuyến thăm cấp cao từ phía Việt Nam tới Tây Ban Nha.
Bà Carmen Cano de Lasala cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, các thỏa thuận sẽ được ký kết trong các lĩnh vực như đầu tư, nông nghiệp, tham vấn chính trị, văn hóa và thể thao, cũng như hợp tác giữa các học viện ngoại giao của hai nước.
"Chúng tôi cam kết nỗ lực đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới", Đại sứ nhấn mạnh.
Chuyến thăm này cũng là cơ hội đặc biệt để hai nước thảo luận về những đóng góp mà các doanh nghiệp Tây Ban Nha – những tập đoàn hàng đầu toàn cầu trong các lĩnh vực như hạ tầng, năng lượng tái tạo hay kinh tế tuần hoàn – có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo Đại sứ Tây Ban Nha, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh địa chiến lược đầy phức tạp, với những bất ổn và biến động ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, các đối tác đáng tin cậy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tây Ban Nha và Việt Nam đều hiểu rõ giá trị của hòa bình và tự do, vì vậy hai bên cùng chia sẻ cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Vào tháng Sáu tới, Tây Ban Nha sẽ đăng cai tổ chức hội nghị Liên Hợp Quốc về tài chính cho phát triển – đây cũng là một cơ hội quan trọng để hai nước cùng trao đổi và phối hợp trong các sáng kiến toàn cầu", Đại sứ chia sẻ.
Về điểm nhấn trong quan hệ hai nước thời gian qua, Đại sứ chia sẻ, Tây Ban Nha là quốc gia thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam vào năm 2009.
"Trong những năm qua, chúng ta đã thiết lập được mối quan hệ ngoại giao vững chắc cùng với những con số tích cực trong thương mại và đầu tư", bà Carmen Cano de Lasala bày tỏ.
Tây Ban Nha cũng là một trong số những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam. Điều này thể hiện rõ mong muốn hợp tác chặt chẽ nhằm khai thác toàn bộ tiềm năng chưa được khai phá trong quan hệ song phương.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ kinh tế-thương mại song phương đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Tây Ban Nha là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong ASEAN.
Trong giai đoạn 2019-2024, kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ở mức trung bình 8,7%/năm.
Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 4,72 tỷ USD (mức cao nhất từ trước đến nay), tăng 20% so với năm 2023.
Phòng Thương mại Tây Ban Nha mới thành lập tại Hà Nội là một ví dụ sinh động về quyết tâm tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam của Tây Ban Nha.
Về đầu tư, tính đến tháng 1/2025, Tây Ban Nha có 97 dự án tại Việt Nam với mức vốn 143,9 triệu USD, đứng thứ 46/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 56,1%) và lưu trú, dịch vụ ăn uống (chiếm 32,8%).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 3 dự án đầu tư sang Tây Ban Nha với mức vốn 64,2 triệu USD trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến, chế tạo (xếp thứ 24/79 nước có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam).
Về hợp tác phát triển, Việt Nam luôn là một trong số các nước ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha đã cam kết cho Việt Nam vốn vay ODA, viện trợ không hoàn lại hơn 1 tỷ USD thông qua 6 chương trình hợp tác cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, cung cấp nước sạch, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
"Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến sự gia tăng trong các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước. Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến được yêu thích đối với du khách Tây Ban Nha, họ luôn cảm thấy được chào đón và hứng thú với văn hóa Việt Nam", bà Carmen Cano de Lasala chia sẻ./.
Thùy Dung