Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585 chủ trì; Các đại biểu: Đ/c Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế; Đ/c Nguyễn Thanh Tịnh – Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585; Đại diện Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; đại diện các Sở Tư pháp tỉnh Đắc Lắc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Hà Nội; đại diện Ban Pháp chế Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty May 10; Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp…
Được ban hành theo Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ,Chương trình Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (viết tắt là Chương trình 585) có mục tiêu triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh danh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, ngay sau khi Chương trình 585 được ban hành, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp thường xuyên của các thành viên Ban Chỉ đạo là Lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh, các cơ quan liên quan và sau khi Hội nghị Ban Chỉ đạo lần thứ nhất họp, Ban Quản lý Chương trình đã tập trung triển khai ngay một số hoạt động khởi động Chương trình, đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch, nội dung và tổ chức thành lập các Đoàn khảo sát liên ngành đánh giá thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.
Hoạt động này nằm trong Dự án 1 của Chương trình, được Ban Quản lý Chương trình tổ chức thực hiện trên cơ sở Quyết định số 356/QĐ-BTP ngày 22 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch khảo sát đánh giá thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp. Theo đó, trong các tháng 6, 7, 8 và 9 năm 2011, Đoàn khảo sát liên ngành đã tiến hành khảo sát thực tế và khảo sát qua phiếu tại các đơn vị, địa phương được chọn làm điểm và một số tỉnh lựa chọn theo tiêu chí của Chương trình.
Mục đích của việc tiến hành khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp để nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức, cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và nắm bắt thực trạng tổ chức thực thi pháp luật của doanh nghiệp tại thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình đồng thời xác định những hạn chế, khó khăn và lắng nghe đề xuất, kiến nghị về nhu cầu cụ thể cần hỗ trợ pháp lý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Chương trình xây dựng cơ chế phối hợp, cách thức tổ chức thực hiện Chương trình với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tiếp theo của Chương trình 585.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo kết quả hoạt động khảo sát, các tham luận về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý và định hướng tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động của Chương trình 585 trên cơ sở kết quả khảo sát đã được công bố. Cụ thể như:
Về kết quả khảo sát tình hình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp tại các Bộ, UBND các tỉnh, các sở ban ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp cho thấy: Về cơ bản, các cơ quan nay đã có sự phân công, chỉ đạo các cơ quan, bộ phận chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tại các Bộ được khảo sát cho thấy mặc dù công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được triển khai một cách độc lập mà hầu hết tiến hành đồng thời với các nhiệm vụ khác như: công tác xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, thanh tra, kiểm tra…tuy nhiên với sự nỗ lực của các bộ phận chuyên môn trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng đã đạt được một số kết quả thiết thực.
Các sở, ban ngành tại các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho mọi loại hình doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và quy mô. Dưới sự phân công, chỉ đạo của các Bộ chủ quản và UBND tỉnh, các sở, ban, ngành địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và trách nhiệm theo kế hoạch, cử các chuyên viên có kinh nghiệm giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp thông qua các chương trình bồi dưỡng, các ấn phẩm tuyên truyền, giải đáp trực tiếp…
Tại các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (Hội, Hiệp hội, Đoàn luật sư…) ở Trung ương và các tỉnh hội tại địa phương, nhiều hội đã chủ động đề xuất kế hoạch phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để đề xuất và tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng, tư vấn pháp luật thiết thực cho doanh nghiệp.
Về những khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Ý kiến các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đáng khích lệ còn có những hạn chế chung như nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn hạn chế; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm; việc đầu tư nhân sự cho hoạt động hỗ trợ pháp lý chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn chưa thường xuyên; nguồn lực cho công tác hỗ trợ pháp lý còn hạn chế…
Hoạt động khảo sát của Chương trình 585 đã thu được những số liệu, thông tin thiết thực về thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định căn cứ xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Chương trình trong năm 2012 và những năm tiếp theo đạt được hiệu quả tốt hơn nữa.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Ban Quản lý Chương trình 585 đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình lần thứ hai để tổng kết, đánh giá việc thực hiện kết luận tại Hội nghị Ban Chỉ đạo lần thứ nhất, kết quả thực hiện các hoạt động năm 2011 và triển khai Kế hoạch hoạt động của Chương trình năm 2012, đồng thời trao đổi kinh nghiệm và đề xuất cách thực tổ chức thực hiện các hoạt động, cách thức phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình 585 trong thời gian tới. Hội nghị do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng – Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 585 chủ trì.
Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 585 là đại diện các Bộ, ngành, đại diện một số Sở Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam…
Tại Hội nghị, đ/c Nguyễn Thanh Tịnh- Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình đã tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của Chương trình 585 trong năm 2011 vừa qua, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự quan tâm, phối hợp thường xuyên của các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, Chương trình 585 đã xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn hoạt động của Chương trình như: Quy chế hoạt động của Chương trình, quy trình lựa chọn các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động Chương trình, văn bản hướng dẫn sử dụng, quyết toán kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tạo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Chương trình. Bên cạnh đó, Chương trình 585 đã triển khai đồng bộ các hoạt động như: khảo sát thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, ký hợp đồng giao việc với một số Bộ, Sở Tư pháp các tỉnh, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp và một số đơn vị liên quan tổ chức các tọa đàm về các vấn đề pháp lý mang tính thời sự để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp; tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp …Việc lựa chọn các đơn vị tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình được thực theo đúng quy trình lựa chọn các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động Chương trình.
Các hoạt động trên đã thu hút được đông đảo số lượng cán bộ tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tham dự và nhận được đánh giá cao về chất lượng nội dung. Đ ặc biệt, những kết quả thu được từ hoạt động khảo sát thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp qua phiếu và khảo sát trực tiếp trong năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, là căn cứ để Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động của Chương trình trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe và tập trung đóng góp ý kiến vào Báo cáo kết quả hoạt động năm 2011, Kế hoạch hoạt động năm 2012; trao đổi về kinh nghiệm và đề xuất cách thức tổ chức, thực hiện các hoạt động, cách thức phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Chương trình 585 trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong năm 2012.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã nhấn mạnh: Năm 2011 là năm đầu tiên khởi động các hoạt động của Chương trình nhưng với những kết quả bước đầu đạt được nêu trên đã khẳng định sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hoàn toàn thiết thực, ý nghĩa không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước mà đối với các doanh nghiệp trên cả nước.
Những phương hướng, kế hoạch hoạt động trong năm 2012 đặt ra c ho Ban Chỉ đạo Chương trình trách nhiệm lớn nhưng với sự tham gia trách nhiệm và nhiệt tình của các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình và Tổ Thư ký tại các cơ quan Bộ, ngành, các địa phương , đặc biệt là sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp , Ban Chỉ đạo Chương trình 585 sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2011, hoàn thành những kế hoạch, mục tiêu của Chương trình trong năm 2012 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp và sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.