Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng NN & PTNT huyện, Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP; tổ chức các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường.
Hằng năm, huyện giao chỉ tiêu thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP cho các xã, thị trấn; chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ chủ thể xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc… Đến nay, Thuận Châu có 8 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, góp phần tích cực chuyển đổi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang quy mô lớn hơn và liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận và tham gia xuất khẩu, bước đầu khẳng định thương hiệu, như: Trà Oolong Thu Đan, điểm du lịch Pha Đin Top, cá hun khói Chiềng La, cá rô phi lê sông Đà, chè Trọng Nguyên, mật ong Phổng Lái, thịt trâu gác bếp Hương Đồi, Coffee Arabica Minh Trí.
Năm 2020, sản phẩm trà Oolong Thu Đan của Công ty TNHH Trà Thu Đan, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước 600 tấn trà Oolong. Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan, chia sẻ: Năm 2024, sản phẩm trà Oolong đang làm quy trình đánh giá lại sản phẩm OCOP. Hiện nay, Công ty phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là những siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.
Năm 2024, huyện Thuận Châu tiếp tục đăng ký 8 sản phẩm OCOP, trong đó, 6 sản phẩm mới, gồm: Gà thịt nguyên con đông lạnh, ruốc gà dược liệu Chà Mạy của HTX nông nghiệp Chà Mạy; rượu men lá thuốc Bắc Khánh Ngọc của hộ kinh doanh Hoàng Khánh Ngọc; bột mắc khén của HTX nông nghiệp Phổng Lập; khoai sọ tươi, khoai sọ cắt thanh đông lạnh của HTX sản xuất, kinh doanh cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Hưng Thịnh. Đánh giá lại 2 sản phẩm là Điểm du lịch Pha Đin Top, HTX du lịch Pha Đin; Trà Oolong Thu Đan, Công ty TNHH Trà Thu Đan.
Theo đó, huyện tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng, hoạt động tài chính, nguồn gốc sản phẩm tại đơn vị chủ thể tham gia chương trình. Hướng dẫn các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX về việc đóng gói bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, làm thủ tục để được công nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức 3 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho trên 250 cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp xã, bản và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn trồng cây mắc khén, anh Lỗ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lập, cho biết: Do nhu cầu về sản phẩm mắc khén, xã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng, xen canh với diện tích cây cà phê. Hiện nay, xã có hơn 30 ha cây mắc khén, trồng tại các bản Nà Ban, Ta Tú, Nà Khoang, Mầu Thái, Pá Sàng, bản Lập. Xây dựng sản phẩm OCOP, xã tuyên truyền các hộ dân liên kết thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Phổng Lập. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện quy trình khảo sát, đánh giá tiềm năng chế biến quả mắc khén; quy trình sản xuất; hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình sản phẩm OCOP.
Ông Lò Văn Hoan, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phổng Lập, nói: Xây dựng thương hiệu sản phẩm quả mắc khén, các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ HTX xây dựng xưởng sản xuất; hướng dẫn thiết kế mẫu mã đóng gói bao bì sản phẩm quả mắc khén; kết nối với thị trường, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm mắc khén của Phổng Lập.
Với mục tiêu phấn đấu mỗi năm sẽ phát triển thêm từ 3-4 sản phẩm OCOP mới, huyện Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo thành lập các HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ để khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế và nguồn lực sẵn có của huyện trong phát triển quy mô, đa dạng sản phẩm OCOP. Củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng thế mạnh của huyện, như: Dược liệu, dịch vụ, du lịch. Thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả, chăn nuôi, để tiêu thụ trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
LS