Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
“Tỉ số” là một thuật ngữ Toán học (tỉ: so sánh, số: con số) vốn dùng để chỉ “thương số các số đo của hai đại lượng cùng loại với cùng một đơn vị đo” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2012). Với học sinh phổ thông (bắt đầu từ cấp tiểu học), hẳn các em không xa lạ với kí hiệu biểu thị tỉ số, thường viết theo quy định thống nhất, ví dụ: 1/4; 4/5… Như vậy, tỉ số được thiết lập khi có sự so sánh tương quan giữa hai đại lượng.
Nếu căn cứ vào những tri thức thuần túy toán học thì có hai vấn đề đáng lưu ý khi bàn về cách nói của các bình luận viên bóng đá như vừa đề cập, đó là không thể có chuyện “mở tỉ số”, vì khi trọng tài thổi còi cho trận đấu bắt đầu, tỉ số xuất phát của hai đội vào sân bao giờ cũng là 0-0; và không ai biểu thị kí hiệu tỉ số như đang thấy, chẳng hạn như 1-4 (1 trừ 4), 3:4 (3 chia cho 4) cả. Đó là kí kiệu biểu thị của phép trừ và phép chia đấy chứ?
Nhưng thực tế, cả cách nói và cách viết như vậy trong thể thao, nhất là trong bóng đá, là rất phổ biến và quen thuộc, tới mức nếu bây giờ ai đó thay đổi khác đi (cho đúng tinh thần toán học) thì lại bị coi là… ngược đời.
Vậy có thể lí giải cách nói này thế nào? Trước hết là cụm từ “mở tỉ số” (mở: làm cho xuất hiện một tình hình, một thời kì mới đầy triển vọng - nghĩa 6, Từ điển tiếng Việt, đã dẫn) dùng để chỉ tình huống “bàn thắng đầu tiên đã được ghi trong trận đấu”. Đối với mọi cuộc tranh tài thể thao đối kháng của một số môn (bóng đá, bóng chày, khúc côn cầu, bóng chuyền, cầu lông…) thì đây là một diễn biến rất quan trọng, mang tính đột phá. Lúc này cục diện hai bên đã có sự thay đổi, với lợi thế nghiêng về một đội. Và thường sau sự kiện đó, trận đấu sẽ sôi nổi hơn. Cùng trường nghĩa với “mở tỉ số” còn có một loạt tổ hợp (theo cấu trúc “X tỉ số”), như “san bằng tỉ số”: đối phương bị dẫn bàn đã có bàn thắng gỡ hoà; “rút ngắn tỉ số”: đối phương bị dẫn bàn đã có bàn thắng làm giảm bớt sự chênh lệch (số bàn thắng) giữa hai bên; “nâng tỉ số”: đội thắng lại có thêm bàn thắng làm cho cán cân nghiêng về phía có lợi cho mình; “ấn định tỉ số”: bàn thắng có giá trị chốt lại tỉ số của trận đấu.
Như vậy, tỉ số ở đây được coi là một đối tượng được tác động bởi trái bóng và cách nói trên là sự kết hợp ngôn từ (thuật ngữ toán học với khẩu ngữ đời thường) giúp cho việc theo dõi các diễn biến trong trận đấu đơn giản, cụ thể và rõ ràng hơn, người nghe (và đọc) thấy sinh động và dễ hình dung hơn.
Ngoài ra, còn có một vài từ được coi là “đặc sản” của dân nghiền thể thao, đang rất hay được dùng. Chẳng hạn tổ hợp “lội ngược dòng”, vốn dĩ chỉ một hành động ai đó phải vượt (bằng cách lội bộ) một dòng nước đang chảy ngược về phía mình (vượt dòng suối về phía thượng nguồn, vượt thác…). Nhưng cụm từ này đã “chuyển di” ngữ nghĩa, dùng để chỉ một vận động viên hay một đội nào đó, trước đó bị dẫn điểm nhưng đã nỗ lực hết sức, không chỉ gỡ hòa mà quay lại “thắng ngược”. Trong lịch sử thi đấu thể thao, ta đã từng chứng kiến không hiếm những trận tranh tài có kịch tính tới mức không thể tin được và dân thể thao thường hay ví những tình huống như vậy là “cuộc lội ngược dòng ngoạn mục” và lạ thay, cách nói “lội nước” này cũng chỉ tồn tại trong lĩnh vực thể thao và đặc biệt đắc dụng trong các bản tin bình luận bóng đá, vì cũng khó tìm cách diễn đạt nào khả dĩ hơn!
Đến đây chúng ta có thể thấy là mỗi một lĩnh vực trong cuộc sống đều có một số lượng từ ngữ và cách nói riêng. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tận dụng những từ ngữ ở các lĩnh vực khác, thậm chí từ các thuật ngữ khoa học để làm phong phú vốn từ vựng trong giao tiếp. Khi có sự vay mượn đó, ý nghĩa và cách sử dụng hoặc có thể giữ nguyên, hoặc có sự thay đổi.
Âu cũng là chuyện bình thường bởi “ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất, đó là quan điểm của người bản ngữ” ( F. de Saussure).
PGS-TS Phạm Văn Tình