Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Vương quốc Bỉ tươi đẹp là chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng trong chuyến công du châu Âu lần này - Ảnh: Lễ đón tiếp chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phủ Thủ tướng Vương quốc Bỉ (VGP/Nhật Bắc) |
Vương quốc Bỉ tươi đẹp là chặng dừng chân đầu tiên của Thủ tướng trong chuyến công du châu Âu lần này. Sau gần 12 giờ bay từ Việt Nam tới Thủ đô Brussels vào buổi chiều tối, chẳng nghỉ ngơi theo nhịp sinh hoạt của cuộc sống thường nhật, Thủ tướng đã tới ngay “ngôi nhà của Việt Nam”- Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, để thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng người Việt đang học tập, kinh doanh, sinh sống tại Vương quốc Bỉ.
Tại Bỉ, một điều đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là quốc khách đầu tiên của tân Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Đây chính là hoạt động đối ngoại đầu tiên của Chính phủ liên bang Bỉ do Thủ tướng Charles Michel đứng đầu, diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Charles Michel tuyên thệ nhậm chức. Thậm chí để làm quen các nghi lễ ngoại giao, Thủ tướng Bỉ đã phải tới rất sớm tập dượt.
Trong hơn 10 cuộc hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc song phương tại Brussels, cũng là nơi EU đặt trụ sở, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn cấp cao luôn nhận được sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, hữu nghị của các nhà lãnh đạo Bỉ và của lãnh đạo Liên minh châu Âu, như Thủ tướng Bỉ Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Thượng viện Bỉ Sabine De Bethune, Phó Chủ tịch Hạ viện Bỉ Françoise Schepmans…
Kết quả chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này đã góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Bỉ tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Joses Manual Barroso. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với EU, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó thống nhất tăng cường tiếp xúc và trao đổi ở các cấp; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại và hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành, như y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường, biến đổi khí hậu…
Đặc biệt hai bên nhất trí cho rằng việc hoàn tất EVFTA sẽ giúp Việt Nam với tư cách một nền kinh tế thị trường hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu, khẳng định mong muốn chung là sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vào thời gian sớm nhất.
Thủ tướng nhận định: “EVFTA cùng với PCA là những trụ cột chính trị và kinh tế quan trọng, vững chắc để quan hệ hợp tác Việt Nam-EU ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng và mong đợi của cả hai bên”.
Về phần mình, Chủ tịch Manuel Barroso khẳng định “EC và các nước thành viên EU sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU”.
Tạm biệt Vương quốc Bỉ tươi đẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức theo mời của Thủ tướng Angela Merkel, với một chương trình làm việc dày đặc trong hơn 1 ngày. Điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng tại Đức là thành phố Stuttgart, thủ phủ bang Baden Wuerttemberg, vùng đất được mệnh danh là “Trung tâm Công nghiệp và Thương mại” của nước Đức và châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại Đức, Thủ tướng đã có hơn 10 hoạt động: Hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, gặp Tổng thống Đức Joachim Gauck, Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert… Đặc biệt, tại Viện Koerber, trước các chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn trao đổi về những thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á- Thái Bình Dương và việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Đức trong tổng thể quan hệ Á- Âu; trực tiếp trả lời các câu hỏi mà các chính khách Đức quan tâm. Những câu trả lời trực diện, không né tránh, bày tỏ rõ ràng quan điểm, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước của Thủ tướng đã nhận được những tràng pháo tay kéo dài.
Trong chuyến thăm chính thức Đức, nhiều nội dung về hợp tác song phương đã được hai bên thống nhất và khẳng định quyết tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả vì lợi ích của cả 2 bên, qua đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Đức trong giai đoạn mới.
Tiếp nối chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Milan- một thành phố cổ kính, tráng lệ và yên bình với những con người giàu lòng mến khách, nơi được mệnh danh là “kinh đô thời trang thế giới”- năm nay nhận trọng trách đăng cai Hội nghị ASEM 10.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á- Âu- Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại Italy, thời gian làm việc của Thủ tướng cũng có thể nói là với cường độ “chóng mặt”; bên cạnh các phiên họp của ASEM 10 cũng như các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tranh thủ từng phút bên lề Hội nghị để gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo của các quốc gia thành viên ASEM10. Đơn cử chỉ trong 1 tiếng buổi trưa ngày 17, Thủ tướng đã lần lượt tiếp xúc, trao đổi với 5 vị nguyên thủ.
Trong các bài phát biểu tại những sự kiện của ASEM 10 và liên quan, Thủ tướng đã nêu bật những sáng kiến lớn thúc đẩy quan hệ hợp tác Á-Âu… Các sáng kiến, sự chủ động đóng góp vào Hội nghị một lần nữa đã khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong hợp tác ASEM, qua đó góp phần quan trọng vào thông điệp chung của các nhà lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở hai châu lục và trên thế giới, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong thời gian tới cũng như khẳng định vai trò của ASEM như một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng.
Theo một lịch trình khép kín và chi tiết đến từng phút, Thủ tướng rời thành phố Milan, tới Roma thực hiện chuyến thăm Tòa thánh Vatican, điểm cuối cùng trong chuyến công du châu Âu lần này. Sau chặng bay gần 1 giờ, từ sân bay, Thủ tướng tới thẳng Tòa thánh Vatican, làm việc thông trưa trong hơn 2 tiếng. Tại Tòa thánh, Thủ tướng Hội kiến với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Pietro Parolin. Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo đều khẳng định đây là dịp rất tốt để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh, thời gian qua đã có những bước phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc ở cấp cao, việc tổ chức và triển khai hiệu quả thỏa thuận tại các cuộc họp Nhóm Công tác hỗn hợp…
Ngày 18/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Tòa thánh Vatican và hội kiến với Giáo hoàng Francis - Ảnh: Đức Tám-TTXVN |
Trong chuyến công du châu Âu lần này bên cạnh việc thống nhất các nội dung thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo mà ông tiếp xúc cũng trao đổi nhiều vấn đề về hợp tác trên các diễn đàn đa phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Một vấn đề lớn được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo Bỉ, Đức, Liên minh châu Âu, của Giáo hoàng Francis, của lãnh đạo nhiều nước thành viên ASEM và của các chính khách, học giả, báo chí phương tây là vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo đều bày tỏ sự đồng tình, chia sẻ với quan điểm của Việt Nam, quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết vấn đề về Biển Đông phải trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Giáo hoàng Francis đã hơn một lần khẳng định mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh tại khu vực và trên thế giới.
Cũng vấn đề Biển Đông, trước đông đảo báo giới quốc tế sau Hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bà Thủ tướng Đức Angela Markel nêu rõ quan điểm: Đức ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và coi đây là phương thức hiệu quả để giải quyết các khác biệt. “Đức rất quan tâm có một con đường hàng hải tự do và an toàn. Chính vì vậy chúng tôi thường xuyên nói về vấn đề này trong phạm vi song phương và tại khu vực Liên minh châu Âu, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các bên giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình và các quốc gia thực thi đúng các cam kết quốc tế của mình. Không chỉ có Đức mà nhiều nước trong Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ trao đổi vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 10 để tạo được con đường hàng hải tự do, an ninh, an toàn...”, bà Angela Markel khẳng định.
Tạm biệt Vatican, tạm biệt châu Âu trở về nước, đến cuối giờ chiều thứ Bảy, Thủ tướng mới có thời gian cho bữa trưa ngay trên máy bay… Sáng sớm Chủ nhật (19/10), về tới Hà Nội, ông dành gần như cả ngày Chủ nhật tại Văn phòng, nơi bộn bề những công việc đang đợi ông.
Nguyễn Hoàng