Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Việt Nam đang kiên định bước từng bước trên con đường thực hiện cam kết đã tuyên bố tại COP26. Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 song hành cùng với những chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp lần thứ 5 vào đầu tháng 10/2024 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26), "chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả".
Thủ tướng đã nhiều lần đề nghị các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam về cả 5 khía cạnh trong chuyển đổi năng lượng nói riêng, ứng phó biến đổi khí hậu nói chung, gồm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, dành nguồn tài chính ưu đãi, phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.
Thủ tướng cũng nhiều lần đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Trên thực tế, sau phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo COP26 vào tháng 7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục đốc thúc thực hiện những công việc liên quan tới hoàn thiện khung pháp lý và ban hành, triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi năng lượng sạch.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, chuẩn bị ban hành cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại Hội nghị COP28…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành: Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2023; danh mục lĩnh vực cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật năm 2024).
Quan điểm và những hành động xuyên suốt nêu trên nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia. PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing lý giải, từ góc độ kinh tế, Việt Nam có nền kinh tế thiên về xuất khẩu, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá theo tiêu chuẩn xanh, sử dụng năng lượng sạch, trước tiên, vì lợi ích bền vững của chính doanh nghiệp, sau đó là vì lợi ích quốc gia.
Hàng hoá nhập khẩu vào các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là các nước khu vực Âu Mỹ ngày càng đòi hỏi cao về tính bền vững, thân thiện môi trường. Nếu hàng hoá có xuất xứ Việt Nam không đáp ứng được điều đó, sẽ không được thị trường nhập khẩu chấp nhận.
Từ góc độ phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, theo vị chuyên gia, một quốc gia hạnh phúc được tạo dựng nên bởi nhiều yếu tố, ngoài thu nhập, cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội, sức khoẻ về thể chất và tinh thần của từng người dân cũng phải được cải thiện.
Muốn vậy, mọi gỉải pháp phải hướng đến cải thiện môi trrường sống hiện tại tốt hơn, về lâu dài phải xây dựng môi trường sống xanh cho thế hệ tương lai, nghĩa là, cần có các biện pháp giảm thiểu tốc độ, tác động và sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, sự ấm lên của nước biển để hạn chế thảm hoạ về thiên tai, gây tổn thất lớn về kinh tế và con người.
Chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới các mục tiêu này, vị chuyên gia nêu rõ.
Dù vậy, để chuyển đổi năng lượng thành công, chặng đường vẫn còn khá xa. PGS.TS Phạm Tiến Đạt chỉ rõ, khó khăn nằm ở cả công nghệ, tài chính và nhân lực. Công nghệ năng lượng sạch thuộc nhóm công nghệ tiên tiến hoặc ứng dụng những thành tựu mới nhất của các ngành công nghiệp liên quan. Vì vậy cần phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thì mới đưa được về những công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam.
Về khía cạnh tài chính, khó khăn không chỉ nằm ở nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi năng lượng sạch trong khu vực công mà còn cả ở khu vực tư nhân. Doanh nghiệp luôn phải đặt mục tiêu lợi nhuận hợp lý trong khi đó chuyển đổi năng lượng sạch hiện còn đòi hỏi chi phí khá lớn, khả năng thu hồi vốn cũng cần tính toán kỹ. Do đó, cần có những chính sách đột phá thông qua áp dụng dần các hàng rào kỹ thuật, định hướng cho việc chuyển đổi năng lượng sạch ở khu vực này bên cạnh những chính sách hỗ trợ, khuyến khích về tài chính thông thường thông qua công cụ thuế, giá hay lãi suất…
Trong khu vực công, Chính phủ cần kiên định định hướng giảm dần tiến đến loại bỏ sử dụng năng lượng hoá thạch trong sản xuất với lộ trình thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, không tạo sức ép giá đối với doanh nghiệp và người dân.
Về vấn đề nhân lực, cần xây dựng được đội ngũ lao động chất lượng cao, có kỹ thuật vận hành công nghệ mới; có khả năng học hỏi, tiếp thu công nghệ được chuyển giao trong thời gian ngắn nhất. Đây là yếu tốt then chốt trong chuyển đổi năng lượng sạch.
"Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng sạch như gió, mặt trời và kể cả năng lượng thuỷ triều, địa nhiệt. Để giải phóng được các nguồn năng lượng ấy, phục vụ nền sản xuất và đời sống người dân, thay thế dần năng lượng hoá thạch thì cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng, lâu dài và bền vững, thực hiện theo hướng 'sand-box' từ phía các cơ quan quản lý nhà nước", Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing nhận định.
Vị chuyên gia đánh giá cao chỉ đạo mang định hướng tự chủ dần trong chuyển đổi năng lượng sạch mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra trong phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo COP26. Đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh…
Theo vị chuyên gia, trong câu chuyện này, khu vực doanh nghiệp nhà nước, với vai trò, vị trí quan trọng trong các giai đoạn tiên phong thực hiện các nhiệm vụ chính trị như Nghị quyết 12-NQ/TW đã xác định, là rất thích hợp để thực hiện vai trò chủ đạo. Chúng ta có thể khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư vào lĩnh vực này với các cơ chế đặc thù để họ mạnh dạn đưa ra các giải pháp đột phá. Đồng thời với đó là cơ chế kiểm soát, giám sát một cách chặt chẽ sản phẩm đầu ra và các yêu cầu, mục tiêu doanh nghiệp đã cam kết ngay từ đầu.
Để phát triển công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp năng lượng sạch, doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu; góp phần để chúng ta tiến nhanh và tiến xa, đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực và trên thế giới trong chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước theo hướng bền vững, PGS.TS Phạm Tiến Đạt khẳng định.
Hoàng Hạnh