Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi tại Diễn đàn kinh tế-tài chính trực tuyến 2022: "Bancassurance: Tiềm năng và thách thức" vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho biết, bancassurance là hợp tác kinh doanh giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm cung cấp dịch vụ bào hiểm cho khách hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Đây là hoạt động có nhiều tiềm năng phát triển.
Trên thế giới, thị trường bancassurance có giá trị ước tính vào khoảng 1.270 tỷ USD năm 2019, và dự báo sẽ đạt hơn 1.800 tỷ USD vào năm 2027, tăng khoảng 4,5%/năm (theo báo cáo của Imarc).
Tại Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động bancassurance đã phát triển một cách mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, cả doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ lĩnh vực của DN bảo hiểm ngày một tăng lên, từ 65.000 tỷ đồng (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017, lên tới 130.000 tỷ đồng (chiếm 18,9%) năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường này tăng trưởng 23%, theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Thống kê cho thấy, hiện nay hơn 40% số lượng hợp đồng khai thác mới đến từ kênh bancassurance. 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng. Hành lang pháp lý cho bancassurance dần được hoàn thiện, đã và đang tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tham gia tích cực phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Nhiều ngân hàng gia nhập sớm và triển khai hiệu quả đã giúp doanh thu từ bancassurance tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trong lớn trong cơ cấu doanh thu. Thậm chí có nhiều ngân hàng doanh thu bancassurance chỉ đứng sau kênh tín dụng, nhất là đối với các ngân hàng có thỏa thuận hợp tác dài hạn với các nhà bảo hiểm lớn, uy tín.
Về phía các ngân hàng, hoạt động trên đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận trong năm 2021. Trong đó điển hình như VIB đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential; TCB đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife…
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực lưu ý, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã và đang nảy sinh một số rủi ro, bất cập.
Có 4 rủi ro, bất cập chính, đó là chất lượng tư vấn chưa cao, cán bộ chưa hiểu hết đặc tính kỹ thuật bảo hiểm; rủi ro đạo đức nghề nghiệp có thể xảy ra (ở một số nơi, một số trường hợp xảy ra hiện tượng gượng ép, xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi tổ chức tín dụng phân phối sản phẩm bảo hiểm…); rủi ro lan truyền (có tính hệ thống), tức là việc xảy ra rủi ro tại 1 công ty bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại (NHTM)...; thông tin, dữ liệu còn thiếu trong khi quy định về cho phép chia sẻ thông tin, dữ liệu.
Từ các vấn đề nêu trên, chuyên gia Cấn Văn Lực nêu các giải pháp khắc phục rủi ro bất cập liên quan đến hoạt động bancassurance.
Một là, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là nghiệp vụ trong lĩnh vực này (trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, có quy định cho phép cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định, e-KYC, cũng như quy định về bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng trong trường hợp này.
Hai là, các NHTM và công ty bảo hiểm cần đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo cán bộ về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục... để tránh gây hiểu nhầm, khiến khách hàng cảm thấy không hài lòng, hay bị ép buộc mua sản phẩm bảo hiểm.
Ba là, NHTM và công ty bảo hiểm cần phối hợp xây dựng các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, phù hợp với kênh bán qua ngân hàng. Sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của cả ngân hàng và khách hàng (thí dụ như sản phẩm bảo hiểm được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khách hàng khi vay vốn tại ngân hàng).
Bốn là, đẩy mạnh cấu phần giáo dục tài chính trong kế hoạch tài chính toàn diện, để khách hàng nhận thức được sự cần thiết của các sản phẩm bảo hiểm, hiểu biết về các sản phẩm bảo hiểm…
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, hoạt động bancassurance trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang phát triển theo hướng chuyển dịch sang các nền tảng số, tuy nhiên, quá trình này còn khá chậm. Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra nhanh hơn, nhất là trong và sau dịch COVID-19.
Vị chuyên gia này cho rằng, để giải bài toán số hóa hoạt động này, các ngân hàng và DN bảo hiểm cần bổ sung việc số hóa hoạt động bancassurance vào chiến lược chuyển đổi số, đảm bảo đồng bộ với tiến trình chuyển đổi số nói chung.
NHTM và công ty bảo hiểm cần có sự kết hợp chặt chẽ, đặc biệt là trong chia sẻ và phân tích dữ liệu khách hàng để có thể đưa ra các sản phẩm có tính cá thể hóa cao; tăng cường khả năng tự động hóa quy trình để tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý; tăng cường đầu tư vào giao diện lập trình mở (API) để có thể dễ dàng triển khai hoạt động ngân hàng mở trong thời gian tới để việc chia sẻ dữ liệu có thể dễ dàng hơn.
Cần hoàn thiện khả năng phân phối đa kênh, tận dụng tối đa thế mạnh của các kênh phân phối số cũng như lợi thế của các kênh truyền thống để mang tới một trải nghiệm hoàn thiện từ khâu giới thiệu sản phẩm, bán hàng, cũng như hậu mãi cho khách hàng (Omni channel).
Khẳng định dư địa phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và bancassurance nói riêng, chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích: Mức độ thâm nhập (bao phủ) bảo hiểm hiện nay của Việt Nam mới khoảng 2,7% GDP và Chính phủ đặt mục tiêu đạt khoảng 3,5% GDP đến năm 2025. Bên cạnh đó, tỉ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng vẫn còn thấp (5-8% lượng khách hàng).
Tuy nhiên, để phát triển bancassurance, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hành lang pháp lý cho hoạt động này cần được hoàn thiện hơn, bao gồm cả việc bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, quy định về hoạt động ngân hàng mở, tài chính mở để hệ sinh thái tài chính được hình thành tốt hơn. Theo đó, trong Luật các Tổ chức tín dụng dự kiến sửa đổi thời gian tới, cần có quy định liên quan đến hoạt động này (cũng là để phù hợp với Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua).
Về phía các DN bảo hiểm, cần sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số; rà soát, chuẩn hóa các hoạt động hợp tác với các NHTM, đa dạng hóa hoạt động và doanh thu; đẩy mạnh hợp tác với fintech, insurtech; tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, bao gồm cả khung pháp lý cho chuyển đổi số, và tham gia thực hiện chiến lược tài chính toàn diện và giáo dục tài chính.
Anh Minh