• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chuyển đổi vaccine bại liệt và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng

(Chinhphu.vn) - Chương trình giao lưu trực tuyến: Chuyển đổi vaccine bại liệt và các vấn đề liên quan đến tiêm chủng, sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 25/5 (thứ Tư) trên Báo Điện tử Chính phủ tại địa chỉ baochinhphu.vn.

25/05/2016 14:26
Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng bệnh. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Cùng với khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000.

Để bảo vệ thành quả này, đồng thời hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 6/2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ thực hiện chuyển đổi vaccine bại liệt uống 3 týp (1, 2 và 3) sang vaccine bại liệt uống 2 týp (1và 3) trên cả nước.

Việc chuyển đổi sử dụng sang vaccine 2 týp sẽ được thực hiện như nào? Tính an toàn và hiệu quả của vaccine này ra sao? Vì sao Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt mà vẫn phải chuyển đổi vaccine?...

Lãnh đạo ngành y tế và các chuyên gia trong Chương trình giao lưu trực tuyến sẽ cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến việc chuyển đổi này.

Các chuyên gia cũng sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi và băn khoăn của bạn đọc liên quan đến vấn đề tiêm chủng và vaccine hiện nay.

Khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến gồm: Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về địa chỉ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn.

Dưới đây là nội dung cuộc tọa đàm được Báo Điện tử Chính phủ tường thuật trực tiếp:

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Con tôi đã 5 tháng tuổi, nhưng cháu mới uống vaccine bại liệt 1 lần khi đi tiêm vaccine 5 trong 1. Vậy con tôi còn uống được vaccine này nữa không và liệu uống tại thời điểm này thì cháu có được bảo vệ tốt như các cháu uống đúng lịch không?

Ông Trần Đắc Phu: Trẻ em dưới 1 tuổi tốt nhất phải uống ít nhất 3 liều vacine bại liệt vào lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Việc uống vaccine đủ liều và đúng lịch giúp trẻ không mắc bệnh. Trường hợp con bạn đã uống 1 liều, song chưa uống liều thứ 2 thì cần uống tiếp liều thứ 2 và liều thứ 3 càng sớm càng tốt để không bị mắc bệnh. Khoảng cách giữa 2 liều là 1 tháng.

Độc giả Bích Phương (Hà Nội): Bệnh bại liệt phổ biến ở Việt Nam không và lây truyền như thế nào?

TS. Dương Thị Hồng: Tại Việt Nam, trước khi triển khai sử dụng vaccine cho trẻ trên quy mô toàn quốc, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề cho trẻ dưới 5 tuổi là liệt mềm không hồi phục. Bệnh bại liệt đã từng xảy ra trên quy mô lớn với nhiều trường hợp mắc và tử vong vào năm 1957-1959.

Nhờ việc triển khai uống vaccine phòng bệnh bại liệt suốt từ năm 1985 trên quy mô toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi và các chiến dịch uống vaccine bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi cũng như duy trì tỉ lệ này ở mức cao trên 90%, căn bệnh này đã dần được khống chế.

Trường hợp mắc bệnh bại liệt cuối cùng được ghi nhận ở Việt Nam vào năm 1997. Đến năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt.

Gần 20 năm qua, cả nước không còn ghi nhận trường hợp mắc bệnh bại liệt nào. Nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam không còn phải gánh chịu căn bệnh nguy hiểm này nữa.

Bệnh bại liệt do virus bại liệt týp 1, 2 hoặc 3 gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tiêu hóa. Virus vào cơ thể qua thức ăn hoặc nước uống mang mầm bệnh. Bệnh rất dễ lây, người mang mầm bệnh bị nhiễm virus, những người lành mang virus có thể trở thành nguồn truyền bệnh cho trẻ em sống cùng nhà.

Độc giả Thanh Thủy (Vĩnh Phúc): Bệnh này thường mắc ở lứa tuổi nào? Biểu hiện của bệnh như nào?

TS. Dương Thị Hồng: Ai cũng có thể mắc bệnh bại liệt. Tuy nhiên, bệnh này thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Đa số trẻ bị nhiễm virus không có biểu hiện triệu chứng và chỉ khoảng 5% có biểu hiện lâm sàng. Bệnh ở mức độ nhẹ có biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể thấy đau cơ dữ dội, cứng cổ và liệt mềm.

Dấu hiệu do bại liệt là liệt mềm không đối xứng giữa bên phải và bên trái. Có thể trẻ chỉ liệt một bên tay hoặc chân, có thể liệt cả 2 bên nhưng mức độ liệt khác nhau. Liệt chân thường phổ biến hơn liệt tay. Một số trường hợp có thể liệt cơ hô hấp, cơ nuốt nên trẻ dễ bị tử vong.

Nếu liệt tiến triển nhanh, chỉ trong 3-4 ngày trẻ đã bị liệt. Những trường hợp qua khỏi nhưng cũng để lại di chứng liệt suốt đời, không thể hồi phục.

Hiện nay có những loại vaccine phòng bệnh bại liệt nào, của quốc gia nào sản xuất?

Ông Trần Đắc Phu: Theo đường tiêm chủng, hiện nay có 2 loại vaccine phòng bệnh bại liệt là vaccine bại liệt uống và vaccine bại liệt tiêm.

Còn theo từng loại vaccine thì có vaccine bại liệt uống dạng 3 týp (tOPV), vaccine bại liệt 2 týp (bOPV), vaccine bại liệt 1 týp (mOPV). Vacine bại liệt tiêm có các loại 3 týp, 1 týp...

Tùy theo từng mục đích để phòng dịch, chống dịch mà WHO sẽ đưa ra khuyến cáo sử dụng loại vaccine nào cho hợp lý.

Hiện nay, có 2 tập đoàn lớn sản xuất vaccine bại liệt để phân phối cho toàn cầu là GSK, Sanofi Pasteur. Ngoài ra còn nhiều nước khác có khả năng sản xuất được.

Việt Nam cũng đã sản xuất được vaccine bại liệt uống 3 týp và hiện nay đang sản xuất vaccine 2 týp.

Nhờ việc sản xuất được vacine từ những năm 1960, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000 và chủ động được nguồn cung ứng vaccine.

Lịch tiêm chủng đối với vaccine bại liệt mới 2 týp có thay đổi không?

TS. Dương Thị Hồng: Lịch tiêm chủng vaccine bại liệt 2 týp trong tiêm chủng mở rộng tương tự như uống vaccine bại liệt 3 týp trước đây. Cụ thể:

Liều 1: Cho trẻ uống lúc 2 tháng tuổi

Liều 2: Cho trẻ uống lúc 3 tháng tuổi

Liều 3: cho trẻ uống lúc 4 tháng tuổi.

Độc giả Hoàng Linh (Thanh Hóa): Trẻ đang uống vaccine 3 týp chuyển sang uống loại 2 týp có ảnh hưởng gì không?

TS. Dương Thị Hồng: Từ tháng 9/2015, WHO đã công bố thanh toán bệnh bại liệt do virus týp 2 trên quy mô toàn cầu và từ tháng 5/2016, toàn thế giới ngừng sử dụng vaccine chứa thành phần  týp 2; chuyển đổi từ việc sử dụng vaccine chứa 3 týp sang 2 týp (týp 1 và 3).

Cả 2 loại vaccine bại liệt uống đều an toàn và hiệu quả. Lịch tiêm chủng vaccine bại liệt 2 týp tương tự như uống vaccine bại liệt 3 týp trước đây. Việc sử dụng vaccine uống 2 týp an toàn và hiệu quả, bảo vệ trẻ phòng bệnh bại liệt do týp 1 và 3 gây ra.

Vaccine phòng bệnh bại liệt 2 týp có được miễn phí không? Nếu miễn phí liệu có tốt không, do hiện nay mọi người cứ đổ xô đi tiêm dịch vụ cho con vì cho rằng, vaccine dịch vụ tốt hơn miễn phí?

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời trực tuyến độc giả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Độc giả Cảnh Lâm (Quảng Ninh):

Ông Trần Đắc Phu: Vaccine phòng bệnh bại liệt 2 týp được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ tháng 6/2016 và hoàn toàn được miễn phí. Đây là loại vacine rất tốt, được sử dụng hiện nay để phòng bệnh bại liệt.

Tôi khuyên các bạn đưa con em mình đi uống vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Độc giả Việt Hà (Hà Nội): Mùa hè có phải là thời điểm bệnh bại liệt phát triển không? Khi uống vaccine rồi, liệu có trẻ có nguy cơ mắc bệnh nữa không?

TS. Dương Thị Hồng: Bại liệt là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tiêu hóa. Virus vào cơ thể qua thức ăn hoặc nước uống mang mầm bệnh. Bệnh rất dễ lây, hầu hết trẻ em sống trong cùng nhà với người mang mầm bệnh bị nhiễm virus, những người lành mang virus có thể trở thành nguồn truyền bệnh. Bệnh có thể gặp mọi thời điểm trong năm, bệnh rất dễ lây.

Độc giả Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội): Tôi lấy chồng Vĩnh Phúc, sinh con và không chuyển khẩu. Hộ khẩu của tôi ở Quyết Tiến, Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội. Khi cho bé 4 tháng tuổi đi tiêm tại Trạm y tế xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, nhân viên y tế ghi cho con tôi vào sổ dành cho trẻ vãng lai. Hằng tháng tôi phải đăng ký lịch tiêm và uống vitamin cho trẻ, phải đóng 70.000 đồng. Xin hỏi trong trường hợp này con tôi có phải là trẻ vãng lai hay không? Cơ sở y tế làm vậy đúng hay sai? 

Ông Trần Đắc Phu: Chương trình Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm miễn phí trên toàn quốc. Dù bạn cho con tiêm ở bất kỳ nơi nào, nhân viên y tế cũng không được phép thu tiền.

Nếu bạn cho con đi uống vaccine theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà huyện Hoài Đức thu tiền như vậy là sai. Nếu bạn cho con uống theo hình thức dịch vụ thì phải trả tiền.

Việc theo dõi con bạn theo hình thức vãng lai cho tiện quản lý đối tượng tiêm chủng.

Độc giả Bảo Lộc (Sơn La): Vaccine 3 týp và 2 týp khác nhau như thế nào? Vaccine 2 týp có phải là vaccine mới không? Hiệu quả phòng bệnh của vaccine này ra sao?

Ông Trần Đắc Phu: Vaccine bại liệt 3 týp có chứa thành phần 3 kháng nguyên týp 1, týp 2, týp 3 và có khả năng phòng được bệnh bại liệt do mắc các týp trên. Trong khi đó, vaccine bại liệt 2 týp chứa týp 1 và týp 3 nên chỉ phòng được bệnh bại liệt do mắc các loại này.

Vaccine 2 týp không phải là vaccine mới. Tuy nhiên, hiện nay về cơ bản toàn cầu đã thanh toán được bệnh bại liệt týp 2 nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu các quốc gia ngừng sử dụng vaccine bại liệt 3 týp để tránh những rủi ro tai biến mắc bệnh bại liệt do virus týp 2 có trong vaccine gây ra.

Độc giả Hà Phương (Hải Phòng): Vaccine này uống ở đâu? Có thể uống tại nhà được không?

TS. Dương Thị Hồng: Vaccine bại liệt uống được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Trẻ được uống vaccine bại liệt tại tất cả các điểm tiêm chủng xã, phường trong cả nước.

Hằng tháng, tất cả các trạm y tế xã, phường trên cả nước đều có buổi tiêm chủng và vaccine được cung ứng đầy đủ để có thể cho trẻ uống đầy đủ, đúng lịch. Vaccine cần được bảo quản chặt chẽ trong dây chuyền lạnh (ở nhiệt độ từ 2-8 độ C) để bảo đảm chất lượng vaccine và an toàn cho trẻ khi uống. Vì vậy, các bà mẹ không cho trẻ uống tại nhà mà cần cho trẻ đến các trạm y tế xã, phường để uống.

Đồng thời, trước khi chỉ định việc tiêm hay uống bất kỳ loại vaccine nào, trẻ cần được cán bộ y tế khám sàng lọc và việc cho uống vaccine cũng phải được cán bộ y tế thực hiện.

Độc giả Xuân Bằng (Hà Nội): Vaccine bại liệt có phản ứng phụ như nào? So với vaccine 3 týp thì vaccine 2 týp có tác dụng phụ nào khác không?

TS. Dương Thị Hồng: Việc sử dụng vaccine bại liệt uống trong hơn 50 năm qua trên quy mô toàn cầu và hơn 30 năm ở Việt Nam đã cho thấy đây là vaccine an toàn. Rất hiếm gặp các dấu hiệu bất thường như đau cơ, yếu cơ, liệt sau uống vaccine.
Trong 30 năm triển khai vaccine uống bại liệt ở Việt Nam, không ghi nhận phản ứng trầm trọng xảy ra sau khi uống vaccine.
WHO có ghi nhận một vài trường hợp phản ứng sau khi uống vaccine; tuy nhiên, tỷ lệ này rất nhỏ với tần suất có thể xảy ra là 1 trên 1,4-2,8 triệu liều vaccine sử dụng và chủ yếu là do virus bại liệt týp 2 gây ra.
Trong thời gian tới, trẻ em được uống vaccine týp 1 và 3, không có thành phần virus bại liệt týp 2. Vì vậy, việc sử dụng vaccine bại liệt 2 týp (1 và 3) sẽ giảm thiểu hơn nữa các phản ứng không mong muốn và được xem xét là an toàn hơn khi sử dụng cho trẻ em.

Một độc giả ở Nam Định: Trẻ uống vaccine bại liệt vào thời điểm nào là tốt nhất? Có phải uống nhắc lại sau vài năm không?

Ông Trần Đắc Phu: Trẻ em dưới 1 tuổi phải uống ít nhất 3 liều vaccine bại liệt vào lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Việc uống vaccine đủ liều và đúng lịch sẽ giúp trẻ không bị mắc bệnh.

Việc tiêm nhắc lại thường được thực hiện vào thời điểm thích hợp đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Độc giả Thanh Huyền (Hưng Yên): Bệnh bại liệt có lây không? Nghe nói bệnh đang xuất hiện trở lại ở Lào và Campuchia, giáp ranh với nước ta, liệu bệnh có lây sang nước ta không?

Ông Trần Đắc Phu: Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh theo đường tiêu hóa như ăn uống, sử dụng nước uống không bảo đảm vệ sinh mà có chứa mầm bệnh virus bại liệt.

Nếu trước kia chúng ta thường gặp không ít những người bị liệt chân, tay tại địa bàn mình sinh sống, thì hiện nay đã không còn, vì Việt Nam đã khống chế được bệnh bại liệt từ nhiều năm trước. Đặc biệt, chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000.

Hiện nay, một số nước ở khu vực Trung Đông vẫn còn dịch bại liệt do virus bại liệt hoang dại gây nên. Còn tại Lào, vừa qua có một số trường hợp trẻ em mắc bệnh bại liệt. Vì vậy, nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện tốt việc cho trẻ uống vaccine bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, thì bệnh bại liệt xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể khi có sự giao lưu, đi lại với các quốc gia đang có dịch.

Đối tượng như nào thì không nên uống vaccine bại liệt?

Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Độc giả Hoa Mai (Nghệ An):

TS. Dương Thị Hồng: Tương tự như các vaccine khác, trước khi tiêm chủng, trẻ sẽ được khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng phù hợp. Trẻ sẽ phải hoãn tiêm chủng trong trường hợp trẻ đang nhiễm các bệnh nhiễm trùng cấp tính, trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B), trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid dạng uống hoặc tiêm trong vòng 14 ngày…

Đối với các trẻ có tiền sử phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine bại liệt lần trước như sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở, hoặc trẻ có tình trạng suy chức năng cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy tim, suy gan…), hoặc suy giảm miễn dịch… sẽ chống chỉ định sử dụng vaccine bại liệt.

Độc giả Anh Phương (Hà Nội): Việc bảo quản vaccine mới này có thay đổi hay cải tiến gì không? Số lượng vaccine liệu có bảo đảm cung ứng đủ cho trẻ không, tránh tình trạng như vaccine 6 trong 1 hiện nay?

TS. Dương Thị Hồng: Việc bảo quản vaccine bại liệt uống 2 týp (1 và 3) tương tự như vaccine bại liệt uống trước đây. Vaccine được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Vaccine bại liệt được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng và bảo đảm cung ứng đầy đủ, miễn phí cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi tại các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc từ tháng 6/2016.

Độc giả Xuân Nhiên (33 tuổi): Từ nhỏ, do điều kiện gia đình nên tôi chưa được uống vaccine bại liệt. Vậy, nguy cơ mắc bệnh của tôi như thế nào? Ở tuổi này, tôi có cần phải uống để ngừa bệnh không?

TS. Dương Thị Hồng: Uống vaccine phòng bệnh bại liệt là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể uống vaccine phòng bệnh bại liệt.

Ở Việt Nam, vaccine uống phòng bệnh bại liệt đã được sử dụng hơn 30 năm và từ năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt và tiếp tục duy trì thành quả này cho đến nay.

Hầu hết các ca bệnh bại liệt thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh bại liệt hiện vẫn còn lưu hành ở 2 quốc gia là Afganistan và Pakistan. Nếu bạn không đến các vùng nguy cơ có dịch này thì không nhất thiết phải uống vaccine phòng bệnh bại liệt.

Trong trường hợp virus bại liệt hoang dại xâm nhập vào Việt Nam, việc uống vaccine chống dịch cho các nhóm đối tượng sẽ được Bộ Y tế quyết định và hướng dẫn.

Độc giả Hồng Hạnh (Thái Bình): Trẻ uống vaccine bại liệt sau bao lâu thì có thể phòng được bệnh?

TS. Dương Thị Hồng: Vaccine bại liệt uống 2 týp (1 và 3) là vaccine sống giảm độc lực từ các chủng virus týp 1 và 3. Sau khi uống vaccine bại liệt khoảng 4 tuần, cơ thể sẽ có kháng thể phòng bệnh. Trẻ được uống đủ 3 liều vaccine này sẽ có miễn dịch bền vững suốt đời. Nếu đã uống đủ 3 liều vaccine bại liệt, hầu hết trẻ sẽ được bảo vệ phòng bệnh bại liệt.

Một quốc gia có miễn dịch cộng đồng phòng chống bệnh bại liệt cao, thì việc bảo vệ trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nếu trẻ được uống đủ liều vaccine phòng bệnh bại liệt là chắc chắn.

Độc giả Dương Ngân (Hà Nội): Nhiều chuyên gia y tế đã kiến nghị nên thay thế vaccine Quinvaxem, nhưng Bộ Y tế vẫn chưa thực hiện. Có khó khăn, vướng mắc gì trong vấn đề này không?

Ông Trần Đắc Phu: Vaccine Quinvaxem là vaccine 5 trong 1, nghĩa là dùng một loại vaccine có thể phòng được 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi do vi khuẩn Hib.

Do vaccine này có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên khi tiêm cho trẻ thường có những phản ứng sau tiêm chủng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm, quấy khóc nhiều hơn so với loại vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào (Pentaxim, Hexa Infarix) dùng trong tiêm vaccine dịch vụ. Còn lại, các phản ứng nặng, cũng như tử vong do tiêm vaccine của hai loại này là tương đương. Tuy vậy, vaccine bại liệt ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) lại có miễn dịch bền vững hơn và việc phải tiêm liều nhắc lại ít hơn.

Hiện nay, Bộ Y tế chưa có chủ trương thay thế vaccine Quinvaxem bằng các loại vacine khác do hiệu quả của vaccine, cũng như khả năng cung ứng với số lượng lớn (khoảng 5 triệu liều cần dùng mỗi năm). Với số lượng này, chưa có nhà sản xuất nào đáp ứng được nhu cầu.

Độc giả Thu Hằng: Xin hỏi tại sao vẫn phải uống vaccine bại liệt trong khi chúng ta đã thanh toán được bệnh này?

TS. Dương Thị Hồng: Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên, trong bối cảnh virus bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành trên thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế như hiện nay, nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt tại Việt Nam là rất lớn. Việc duy trì, sử dụng vaccine bại liệt uống là rất cần thiết để bảo đảm phòng bệnh bại liệt cho trẻ em và cộng đồng. Việc sử dụng vaccine bại liệt sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Độc giả Trần Ngọc (Bình Dương): Vì sao 2-3 năm nay, việc khan hiếm vaccine dịch vụ vẫn tái diễn? Tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Ngành y tế có biện pháp gì không?

Ông Trần Đắc Phu: Hiện nay, việc tiêm chủng được thực hiện dưới hai hình thức: Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

Do điều kiện kinh tế, nên vaccine tiêm chủng mở rộng mới chỉ bảo đảm phòng được 10 bệnh là những bệnh có khả năng lây lan mạnh, tỉ lệ tử vong cao. Còn khoảng 20 loại vaccine khác hiện đang sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ do người dân phải trả tiền.

Các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được Chính phủ bảo đảm về kinh phí nên thường có kế hoạch cụ thể, không bị thiếu vaccine. Các vaccine tiêm dịch vụ do các cơ sở kinh doanh cung ứng, về cơ bản cũng không thiếu.

Do thời gian vừa qua đã có hiện tượng thiếu vaccine Pentaxim (5 trong 1) do nhu cầu của người dân (chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM) tăng lên, đồng thời, việc cung ứng loại vaccine này của các nhà sản xuất bị hạn chế do thay đổi địa điểm, dây truyền sản xuất.

Trong năm 2016, Bộ Y tế cũng đã tìm kiếm các nguồn cung ứng và số lượng đáp ứng các vaccine này cũng đã nhiều hơn so với 2015. Tuy vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên chờ đợi vaccine trong chương trình tiêm chủng dịch vụ, mà hãy đưa con em mình đi tiêm vacine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các điểm tiêm dịch vụ tiêm vaccine Quinvaxem thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng để bảo đảm trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, duy trì được tỉ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng, không để dịch bùng phát và quay trở lại.

Độc giả Hà Quyên (Sơn La): Nếu chưa đến tuổi uống vaccine bại liệt mà bị bệnh thì có chữa được không? Đã có trường hợp nào chưa đến tuổi uống vaccine mà đã mắc bệnh không?

TS.  Dương Thị Hồng: Bệnh bại liệt do virus bại liệt gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Trẻ mắc bệnh bại liệt nếu bị liệt thì sẽ để lại di chứng liệt mềm suốt đời.

Tuy nhiên, đa số trẻ nhiễm virus bại liệt không có biểu hiện triệu chứng, khoảng 5% trường hợp có biểu hiện lâm sàng. Vì thế, các bà mẹ nếu phát hiện trẻ bị đau cơ, giảm vận động, yếu cơ thì cần đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa.

Ở Việt Nam trong 15 năm nay, chưa ghi nhận một trẻ nào dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng mắc bệnh. Do việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 30 năm nên miễn dịch cộng đồng đủ lớn và là hàng rào bảo vệ cho trẻ nhỏ không mắc bệnh bại liệt.

Độc giả Thùy Linh (Hà Nội): Là một người mẹ, tôi rất băn khoăn khi phải quyết định cho con đi tiêm và uống vaccine, vì hiện nay có không ít thông tin về tai biến sau tiêm chủng. Vì vậy, tôi rất mong muốn được giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con uống vaccine bại liệt mới này?

TS. Dương Thị Hồng: Sử dụng vaccine bại liệt uống 2 týp (1 và 3) giúp trẻ phòng bệnh bại liệt do týp 1 và 3, đồng thời loại bỏ nguy cơ mắc bại liệt týp 2 có nguồn gốc vaccine. Vaccine bại liệt uống 2 týp sử dụng an toàn và hiệu quả trong phòng chống bệnh bại liệt ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Thực tế, Việt Nam đã sử dụng vaccine bại liệt uống trong hơn 30 năm qua đã cho thấy rất an toàn. Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay vaccine khác, sau khi uống vaccine có thể gặp một số phản ứng.

Sử dụng vaccine bại liệt uống, trẻ có thể nôn, tiêu chảy... Một số phản ứng rất hiếm gặp là đau cơ, yếu cơ, liệt.

Trong suốt 30 năm triển khai vaccine bại liệt uống ở Việt Nam không ghi nhận phản ứng trầm trọng xảy ra sau khi uống. Trên thế giới có ghi nhận một vài trường hợp liệt sau uống vaccine. Tỉ lệ này rất hiếm gặp, tần suất có thể xảy ra là 1/1,4-2,8 triệu liều vaccine sử dụng, chủ yếu là virus vaccine bại liệt týp 2 gây ra.

Việc sử dụng vaccine týp 1 và 3 sẽ giảm thiểu hơn nữa các bất thường không mong muốn.

Uống vaccine bại liệt là biện pháp hiệu quả và an toàn phòng chống một căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, các bậc phụ huynh hãy đưa con đi tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng ở xã, phường trên cả nước.

Độc giả Nguyễn Bình (Hải Phòng): Dự án sản xuất vaccine thông qua chuyển giao công nghệ với Nhật đã thực hiện đến đâu? Bao giờ thì Việt Nam có vaccine 4 trong 1 từ công nghệ này?

Ông Trần Đắc Phu: Bộ Y tế luôn mong muốn người dân được sử dụng ngày càng nhiều các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cũng như Việt Nam ngày càng sản xuất được nhiều vaccine tốt, có chất lượng cao để chủ động, bảo đảm an ninh vaccine.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xúc tiến đàm phán với Nhật Bản (là một trong những nước có công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến trên thế giới) để giúp công nghệ sản xuất các loại vaccine đa giá. Tuy vậy, cũng còn phải chờ đợi, vì sản xuất vaccine là sản xuất loại thuốc đặc biệt, đòi hỏi công nghệ cao, thời gian thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng dài.

Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ của Nhật Bản để sản xuất vaccine trên, cũng như Nhật Bản đã giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất vaccine bại liệt có chất lượng cao trong thời gian vừa qua. 

Nhóm PV