• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

CHUYỂN ĐỔI XANH GIAO THÔNG: Nhìn từ thế giới (Kỳ 1)

(Chinhphu.vn) - Trước áp lực giảm phát thải và chuyển đổi bền vững, giao thông xanh, đặc biệt là xe điện đang bước vào giai đoạn tăng tốc trên toàn cầu, dần thay thế xe chạy bằng xăng dầu. Từ các chính sách mạnh tay ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đến làn sóng đầu tư mới tại châu Phi, Nam Mỹ… ngành công nghiệp xe điện đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng cả về công nghệ, thị trường lẫn chiến lược quốc gia.

14/07/2025 18:45
CHUYỂN ĐỔI XANH GIAO THÔNG: Nhìn từ thế giới (Kỳ 1)- Ảnh 1.

Báo Điện tử Chính phủ xin giới thiệu bài nhiều kỳ về những mô hình, cách làm trong định hướng xanh hóa ngành giao thông từ câu chuyện khuyến khích phát triển xe điện để dần thay thế xe chạy bằng xăng dầu.

Kỳ 1: Từ Hà Nội đến Manila, hành lang xe điện ASEAN đang hình thành

Tại Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đang từng bước định hình lộ trình riêng với các sáng kiến, hỗ trợ tài chính và định hướng công nghiệp hóa. Cùng điểm lại những chuyển động đáng chú ý, từ hành trình xe điện xuyên ASEAN đến các chính sách nội địa hóa sản xuất để làm rõ bức tranh giao thông xanh đang được vẽ lại từng ngày.

Malaysia: Kết nối khu vực bằng xe điện – từ ý tưởng đến hành động

Ngày 20/3, Bộ trưởng Thương mại, Đầu tư và Công nghiệp Malaysia (MITI) Zafrul Abdul Aziz đã chủ trì lễ phát động Sáng kiến đoàn kết ASEAN 2025 (AUD 2025) nhằm thúc đẩy đi lại bằng xe điện giữa các nước ASEAN và tăng cường mối quan hệ giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực giao thông xanh.

Sáng kiến do Viện Ô tô, robot và IoT Malaysia (MARii) phối hợp với MITI tổ chức đánh dấu hành trình đầu tiên của các xe điện Malaysia, gồm 10 xe Proton e.MAS và Proton X Series, đi qua 9 quốc gia ASEAN với các chặng đường có tổng chiều dài 9.000 km.

Hành trình chia làm 2 tuyến: Tuyến Bắc bắt đầu từ Hà Nội, qua Lào, Campuchia, Thái Lan và kết thúc tại Serdang (Tây Malaysia), nơi diễn ra Triển lãm Ô tô Malaysia (MAS 2025) từ 9-15/5. Tuyến Nam khởi hành từ Manila (Philippines), đi qua Sabah, Brunei, Sarawak, Indonesia và Singapore trước khi về đích tại MAS 2025.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Zafrul nhấn mạnh đây là minh chứng cho cách ASEAN có thể hợp tác để đạt mục tiêu giao thông bền vững, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế và quản lý môi trường. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2025, Malaysia đang định vị ASEAN là đối thủ cạnh tranh mới trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, thông qua đổi mới, hợp tác xuyên biên giới và đầu tư vào công nghệ xanh.

Một trong những trọng tâm của sáng kiến là thành lập Liên minh Viện Ô tô ASEAN, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái di động thống nhất, thúc đẩy đổi mới công nghệ, hài hòa tiêu chuẩn và tăng cường vị thế khu vực trong lĩnh vực giao thông thế hệ tiếp theo. Các lĩnh vực hợp tác then chốt gồm thiết lập Tiêu chuẩn hoán đổi pin ASEAN, tích hợp chuỗi cung ứng khu vực, tối ưu hóa sản xuất và giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.

Theo Bộ trưởng Zafrul, ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chuỗi cung ứng. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại của khu vực đạt 3.500 tỷ USD, với 22,1% là thương mại nội khối. Những con số này cho thấy tính cấp thiết của việc tích hợp các giải pháp giao thông bền vững để nâng cao sức cạnh tranh và khả năng phục hồi của ASEAN.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Malaysia đã đề xuất 18 Mục tiêu Kinh tế ưu tiên (PED) cho năm 2025, trong đó có Chính sách và Hướng dẫn về xe điện ASEAN, đã được các nước thành viên ASEAN thông qua. Malaysia cũng đang triển khai Kế hoạch Tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) và Chính sách ô tô quốc gia (NAP 2020), nhằm trở thành trung tâm sản xuất xe điện, ô tô giá trị cao và giải pháp di chuyển xanh của khu vực.

Indonesia: Từ hỗ trợ tiêu dùng đến công nghiệp hóa xe máy điện

Jakarta đang tăng tốc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, với trọng tâm là thúc đẩy sử dụng xe máy điện nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.

Theo Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, trong năm 2025, chính phủ sẽ tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe máy điện, sau khi đạt kết quả tích cực trong 2 năm qua. Năm 2024, nước này đã chuyển đổi thành công 1.111 chiếc, tăng mạnh so với con số 145 xe vào năm 2023. Chương trình nhận được tài trợ từ ngân sách nhà nước và khu vực tư nhân, trong đó có gói hỗ trợ 10 triệu rupiah (tương đương hơn 600 USD) cho mỗi xe được chuyển đổi.

Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết chính phủ đang hoàn thiện và sắp ban hành loạt chính sách ưu đãi mới để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xe máy điện trong nước. Năm 2024, sản lượng xe máy điện đạt 6,91 triệu chiếc, với doanh số tiêu thụ đạt 6,33 triệu. Xuất khẩu xe máy nguyên chiếc (CBU) và linh kiện (CKD) cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, góp phần kích thích ngành công nghiệp vừa và nhỏ.

Dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là giá thành phương tiện còn cao, chính phủ vẫn quyết tâm khuyến khích người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới sử dụng phương tiện sạch. Bộ Giao thông vận tải Indonesia nhấn mạnh, đây là bước đi cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đồng thời giúp nước này tiến gần hơn đến mục tiêu có 13 triệu xe 2 bánh chạy điện vào năm 2030.

Thái Lan phê duyệt gói hỗ trợ hơn 200 triệu USD thúc đẩy ngành xe điện

Nội các Thái Lan hồi tháng 9 năm ngoái đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 7,12 tỉ baht (215 triệu USD) từ ngân sách dự trữ trung ương cho các mục đích khẩn cấp và thiết yếu để hỗ trợ cho lĩnh vực xe điện.

Theo Chương trình EV 3.0, Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt cung cấp mức hỗ trợ lên tới 150.000 baht (4.500 USD) cho mỗi xe điện có giá dưới 2 triệu baht (60.000 USD) và 18.000 baht (540 USD) cho xe máy điện dưới 150.000 baht. Trợ cấp được giải ngân trực tiếp cho các nhà sản xuất, người tiêu dùng đăng ký mua xe sẽ gửi yêu cầu hưởng trợ cấp thông qua các hãng.

Xe điện được xem là giải pháp phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Thái Lan, giúp giảm tới 40% khí thải nhà kính vào năm 2030, khi quốc gia này kỳ vọng EV chiếm 30% tổng sản lượng xe.

Chi tiết hỗ trợ theo dung lượng pin cũng được phân chia rõ ràng. Với EV 3.0, xe có pin dưới 30 kWh nhận 70.000 baht, từ 30 kWh trở lên nhận 150.000 baht. Giai đoạn tiếp theo - Chương trình EV 3.5 (2024–2027), hỗ trợ từ 50.000-100.000 baht cho xe pin từ 50 kWh trở lên và 20.000-50.000 baht cho xe dưới ngưỡng này.

Những ưu đãi này đã thu hút các hãng xe toàn cầu đầu tư hơn 80 tỉ baht (2,4 tỉ USD) để xây dựng nhà máy sản xuất tại Thái Lan. Đổi lại, các doanh nghiệp phải cam kết sản xuất tại chỗ số lượng tương đương số xe nhập khẩu đã được nhận trợ cấp, hoặc gấp 1,5 lần nếu không hoàn tất trong năm 2024.

Từ những chính sách cụ thể đến những hành trình kết nối xuyên biên giới, ASEAN đang từng bước hiện thực hóa tham vọng giao thông xanh. Hành lang xe điện không còn là khái niệm tương lai mà đang hình thành ngay trên những tuyến đường hiện tại.

Kỳ 2: Chiến lược của châu Âu


An Bình/Phòng Quốc tế-Đối ngoại