Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, về mặt lý thuyết, bệnh nhân ung thư đa số từ 55 tuổi trở lên nhưng những năm gần đây, có rất nhiều bệnh nhân trẻ được phẫu thuật ở tuổi 30-40, thậm chí có bệnh nhân 25 tuổi đã phải mổ ung thư dạ dày.
PGS.TS Phạm Hoàng Hà cũng chia sẻ rất may là những bệnh nhân trẻ thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn so với nhiều người tuổi, vì người trẻ đang ở độ tuổi lao động, khi xuất hiện dấu hiệu khó chịu trong cơ thể sẽ đi kiểm tra sức khoẻ ngay, họ cũng thường cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông tốt hơn người lớn tuổi.
"Từ trước đến nay, ung thư được coi là 'tứ chứng nan y' nhưng tôi vẫn khẳng định là chữa khỏi được.
Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày là phẫu thuật, điều trị hóa chất, điều trị đích, trong đó, phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất đem lại điều trị hiệu quả và khỏi bệnh.
Hiệu quả phẫu thuật phụ thuộc vào giai đoạn bệnh của bệnh nhân, nếu bệnh được mổ ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1-2) thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao; nếu ở giai đoạn muộn tỉ lệ sống sau mổ có thể lên tới 70-80%; còn ở giai muộn hơn (giai đoạn 4) thì thời gian sống sau mổ chỉ được tính bằng tháng", PGS.TS Phạm Hoàng Hà cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, theo khoa học, sau 5 năm phẫu thuật, bệnh nhân còn sống, không tái phát, không di căn được coi là khỏi bệnh.
Với các bệnh nhân được theo dõi, có tới 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm sau phẫu thuật sống được hơn 5 năm, nhiều bệnh nhân sống tới 10-15 năm và vẫn còn sống sau đó. Điều này có nghĩa, ung thư dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi được.
Yếu tố chính gây ung thư dạ dày
Các chuyên gia chuyên ngành ung thư cũng cho rằng bệnh ung thư dạ dày và các bệnh ung thư nói chung chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng nhiều bằng chứng cho thấy, yếu tố nguy cơ hay những yếu tố thuận lợi để gây bệnh ung thư dạ dày là thói quen, lối sống, chế độ ăn của người Việt Nam giàu chất nitrat. Chất này có trong các đồ ăn như dưa muối, thịt hun khói, đồ nướng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia…
Nhóm bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư dạ dày là người có tổn thương tiền ung thư, tức là trong dạ dày đã có những bệnh dễ mắc ung thư như polyp dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính điều trị lâu dài hoặc nhiễm khuẩn HP.
Ngoài ra, nhóm bệnh nhân có yếu tố gia đình, tức là trong gia đình có thành viên bị ung thư dạ dày hoặc những yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu và được phát hiện sớm chủ yếu nhờ hai nhóm.
Nhóm thứ nhất là bệnh nhân không có triệu chứng gì và được phát hiện chủ yếu trong các chương trình khám bệnh định kỳ. Họ có thể là bệnh nhân có nguy cơ cao - trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc bản thân bệnh nhân đã mắc các bệnh dạ dày hoặc tổn thương dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm niêm mạc dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP hoặc bệnh nhân có chế độ ăn uống, lối sống không hợp lý.
Nhóm thứ hai là những trường hợp có triệu chứng ở mức độ nhẹ, được gọi là triệu chứng mơ hồ, tức là bệnh nhân có những biểu hiện ăn không vào, đầy bụng, chậm tiêu, nặng bụng, thậm chí bệnh nhân thấy có biểu hiện đau nhẹ ở vùng bụng trên rốn. Với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, mơ hồ như này, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần phải theo dõi và đi khám để xác định bệnh.
Trong thực tế, một số bệnh nhân ung thư có thực hiện phương pháp thực dưỡng hay "bỏ đói" tế bào ung thư, PGS.TS Phạm Hoàng Hà cho biết đây chỉ là những thông tin trên mạng internet, chưa được kiểm chứng.
Điều trị ung thư là phải có sức đề kháng chịu đựng của cơ thể và nguyên tắc chung của y học đó là tất cả các bệnh muốn chữa được, muốn bệnh tiến triển tốt thì sức khỏe cơ thể của người bệnh phải có sức đề kháng, hệ thống miễn dịch của cơ thể phải làm việc tốt thì mới tham gia một phần để chống lại bệnh.
Một số nguyên lý gọi là gây đói khối u thì cần phải có minh chứng rõ ràng. Ví dụ, một số khối u điều trị bằng phương pháp nút mạch, đó là một cách gọi "bỏ đói" khối u, tức là bác sĩ tìm được mạch máu dẫn riêng đến khối u và họ sẽ thực hiện một số biện pháp kỹ thuật để gây tắc mạch máu đó. Về mặt bản chất, khối u ấy không được cung cấp máu nuôi dưỡng nên dân gian gọi là 'bỏ đói' khối u.
"Vì vậy, việc bỏ đói toàn thân để bệnh ung thư không tiến triển là điều không đúng", PGS.TS Phạm Hoàng Hà nhấn mạnh.
Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần phải lưu ý căn cứ vào giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ quyết định có phải điều trị bổ trợ bằng hóa chất hoặc điều trị đích hay không; sau khi cắt dạ dày, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống.
Bệnh ung thư dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh, tuy nhiên phải được phát hiện càng sớm càng tốt.
Tại chương trình khám, tầm soát miễn phí bệnh lý ung thư dạ dày do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức ngày 24/9, PGS.TS Phạm Hoàng Hà nhấn mạnh những nghiên cứu về các chất có trong thức ăn không phải nhiều, tuy nhiên với bệnh ung thư dạ dày thì yếu tố về mặt thức ăn đã được ghi nhận trong y văn từ rất lâu. Đó là chất nitrat từ thức ăn qua đường miệng vào niêm mạc dạ dày, gây biến đổi niêm mạc dạ dày và có thể gây ung thư.
Chất nitrat thường xuất hiện trong các đồ ăn muối như dưa muối cà muối, đồ nướng hun khói... dễ gây phát triển ung thư.
Bên cạnh đó, vi khuẩn HP cũng được tìm thấy trong quá trình phát triển ung thư dạ dày, do đó những trường hợp có vi khuẩn HP dạ dày đã được khẳng định trong y văn là một trong những yếu tố nguy cơ có thể phát triển thành ung thư dạ dày.
Sự căng thẳng về mặt tinh thần cũng là yếu tố gây bệnh viêm dạ dày hoặc loét dạ dày. Trong đó, bệnh viêm loét dạ dày kéo dài chính là yếu tố phát triển ung thư.
Hiền Minh