Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Việc chuyển hướng "thuận thiên" theo Nghị quyết 120 tại ĐBSCL cho thấy sự đúng hướng, hiệu quả. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các lĩnh vực đó bao gồm: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Bộ đã phối hợp với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL xây dựng xong các đề án, chương trình cho các lĩnh vực này, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn, hiện đang tập trung thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phân tích thêm một số nội dung.
Thứ nhất, xuất phát từ các yếu tố thực tế mà ĐBSCL phải đối mặt, Nghị quyết 120 nêu rõ tinh thần thuận thiên để tổ chức đời sống và sản xuất; biến nguy thành cơ cho phát triển, tập trung các nguồn lực từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng khẳng định cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch tích cực, nếu trước kia chúng ta xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm "lúa gạo, thủy sản, trái cây" thì qua định dạng vừa qua để thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta phải khai thác thế mạnh theo thứ tự ưu tiên "thủy sản, trái cây, lúa gạo".
Trước khi có Nghị quyết 120, trong số 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng, có 1,82 triệu ha đất lúa, 860.000 ha thủy sản, 385.000 ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết 120, diện tích trồng trái cây tăng lên 450.000 ha, thủy sản đã lên hơn 900.000 ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích lúa 3 vụ cũng giảm.
Bộ trưởng nhắc tới con số vào năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn ĐBSCL đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã đạt 8,8 tỷ USD, điều này cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Cấp hộ gia đình và cấp doanh nghiệp chuyển động, lãnh đạo 13 tỉnh thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị quyết 120 ban hành trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về nguồn lực nhưng Chính phủ đã tập trung cao độ, như bố trí 10.000 tỷ đồng để xử lý 119 km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng.
Về thủy lợi, đã kết hợp giữa giải pháp cứng và mềm, chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản trên cơ sở hệ thống thủy lợi được chăm lo. Với 28.000 tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300.000 ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương.
“Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hành động cực kỳ quyết liệt; chưa có bao giờ bước vào mùa khô mà Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý như nhiệm kỳ này. Đặc biệt, ở 13 tỉnh thành phố, bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, thách thức tới đây sẽ còn gian nan hơn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị sắp tới, cần cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ cho ĐBSCL và ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120 một cách hiệu quả.
Nhóm PV