Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
"Mỵ" được trao 2 Huy chương Vàng; 3 Huy chương Bạc; Giải Ấn tượng Toàn đoàn; 4 giải Diễn viên xuất sắc do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Ảnh: Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc |
Chuyển thể từ truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, nghệ sỹ múa Tuyết Minh và ê kíp mất hơn 5 tháng để dàn dựng, thiết kế sân khấu, ánh sáng, trang phục. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông đã được khắc họa sinh động. Đó là những phiên chợ tình, các trò chơi dân gian, những điệu múa, tiếng khèn đặc trưng của người Mông...
Việc sử dụng các bài hát mới viết riêng cho chương trình hay cách thể hiện âm nhạc theo phong cách Acapella (dùng các dụng cụ nấu ăn như dao, thớt, nồi để tạo nhạc… thể hiện nhịp sống sôi động tại phiên chợ vùng cao), đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Ba tỷ đồng đầu tư cho vở diễn được Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc kêu gọi từ Công ty du lịch Nam Hưng - nơi sẽ tìm kiếm đầu ra, quảng bá và đưa vở diễn đến gần hơn với công chúng.
Vì có mục tiêu rõ ràng nên phần phục trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu được “đặt hàng” các chuyên gia từ TPHCM. Phần âm nhạc có một số ca khúc được viết mới, do các nhạc sĩ Minh Đạo, Lê Minh Sơn đảm nhiệm nhưng cái hay là đều được thể hiện bằng chất liệu dân gian bản địa. Những đạo cụ hàng ngày cũng trở thành nhạc cụ, vừa gần gũi vừa mang đến sự tiếp nhận độc đáo cho khán giả.
Với ý tưởng mới lạ, giàu sức sáng tạo, kết hợp truyền thống và hiện đại của “Mỵ” đã khiến Nhà hát thành phố Cao Bằng trở nên quá tải bởi lượng khán giả quá đông. Rất nhiều người chấp nhận đứng để được thưởng thức vở diễn. Những tràng pháo tay ròn rã cất lên khi vở diễn kết thúc sau hơn 2 tiếng đồng hồ.
“Mỵ” đã xuất sắc giành được giải Chương trình Ấn tượng và mang về cho nghệ sĩ Tuyết Minh giải Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhưng mục tiêu xa hơn của nghệ sĩ Tuyết Minh và ê kíp là biểu diễn có bán vé cho khách du lịch.
Nghệ sĩ Tuyết Minh chia sẻ: “Thay vì chỉ là đơn vị cho thuê địa điểm tổ chức thì thời gian gần đây, Nhà hát Lớn đã chủ động đứng ra thực hiện các đêm diễn mang chất lượng nghệ thuật cao. Cùng với đó là những tour thăm quan Nhà hát Lớn dành cho khách du lịch, sau đó thưởng thức vở diễn để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Dự kiến trước mắt “Mỵ” sẽ được biểu diễn 3 buổi/tuần, trong đó có 1 buổi công diễn toàn bộ 75 phút. Lịch trình biểu diễn sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 8/2018. Nếu hướng đi này phát huy được tác dụng, nghệ sĩ Tuyết Minh sẽ bắt tay vào chuyển thể “Truyện Kiều”, vẫn theo cách thức như của “Mỵ”.
Những vở diễn như “Mỵ” đã khắc họa được nét đẹp văn hóa địa phương; mới lạ về phương pháp, xây dựng hình tượng nghệ thuật và kết hợp nhuần nhuyễn với các yếu tố ca múa nhạc trong hình thức thể hiện tác phẩm, được trình diễn điêu luyện với chất lượng nghệ thuật cao. Đồng thời thể hiện sự linh hoạt, chủ động tìm kiếm thị trường cho tác phẩm chứ không chỉ là thì thi xong, có giải rồi thôi. Đây cũng là xu hướng rất cần đẩy mạnh để các đoàn nghệ thuật địa phương đứng vững, tự chủ và phát triển trước nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú của công chúng.
MK (Tổng hợp)