• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chuyện làm giàu ở Phú Quý

Cách đất liền hơn 50 hải lý, từ đảo Phú Quý bước xuống biển đã là "xa bờ". Sống giữa bốn bề là biển cả, nhiều đời nay người dân đảo dựa vào nguồn lợi biển để sống. Không chỉ thiện nghệ trong khai thác, đánh bắt, gần đây bà con còn đầu tư nuôi cá mú, thu lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

17/10/2005 10:57

    Hỏi chuyện ông Mai Hữu Thạnh, chủ DNTT Hải Tín ở xã Tam Thanh, một trong những người đầu tiên ở đảo Phú Quý nuôi cá mú bằng lồng bè trên biển, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về chuyện mà không ít người cho rằng làm "chẳng giống ai" này. Năm 1998, gia đình ông đầu tư hơn 100 triệu đồng hình thành bè nuôi cá với hơn một trăm lồng. Đây là thời điểm cá mú lên ngôi như một hải đặc sản cao cấp. Thịt cá mú sống ăn gỏi với mù tạc là món khoái khẩu của giới sành điệu về ẩm thực. Ban đầu, gia đình ông Thạnh mua cá mú đỏ còn nhỏ của bà con ngư dân khai thác tự nhiên, đưa vào lồng nuôi với mật độ từ 50 đến 100 con/ô lồng, đến khi cá đạt trọng lượng khoảng bảy lạng/con trở lên thì xuất bán. Cá mú đỏ bán được giá (thời giá hiện nay dao động từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg), nhưng tăng trọng chậm và tỷ lệ hao hụt trong một chu kỳ nuôi đến 30%. Từ năm 2001, gia đình ông Thạnh chuyển sang nuôi cá mú đen, theo cách gọi của bà con ở đảo là cá mú cọp. Đây là giống cá được nhập về từ Đài Loan bằng đường hàng không qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Cùng với việc thay đổi con giống, gia đình ông Thạnh đầu tư 200 triệu đồng mở rộng thêm 40 ô lồng nuôi cá và xây hồ để bảo vệ cá khi thời tiết xấu. Lúc mới thả giống, cá mú cọp chỉ dài khoảng 5 cm, sau 12 tháng, trọng lượng trung bình mỗi con khoảng bảy lạng, tỷ lệ hao hụt khoảng 10 đến 15%. Hiện nay, mỗi ký cá mú cọp xuất bán tại lồng bè ở đảo khoảng 150 nghìn đồng/kg. Mới đầu, gia đình ông Thạnh nuôi thử 5.000 con giống cá mú cọp, thấy hiệu quả, năm 2004, nuôi tăng lên 12 nghìn con. Trong năm này, gia đình ông xuất bán hơn sáu tấn, trừ hết chi phí, lãi hơn 600 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, gia đình ông thả nuôi tiếp 14 nghìn con, sắp đến ngày xuất bán. Theo tính toán của ông Thạnh, sản lượng ước đạt khoảng chín tấn và lợi nhuận có thể gần một tỷ đồng.

 Vào nghề sau gia đình ông Thạnh, quy mô cũng không lớn bằng, nhưng niềm say mê với nghề mới của anh Nguyễn Ấn ở xã Tam Thanh không hề thua kém chút nào. Anh Ấn cho biết: Nuôi cá mú lồng không khó, quan trọng nhất là phải biết chăm sóc chúng theo đúng "bài bản". Theo anh, mỗi ngày chỉ nên cho cá ăn một lần bằng thịt cá tạp và phải thường xuyên "tắm" cho cá. Anh Ấn giải thích: Khoảng 12 ngày một lần, dùng nước ngọt pha với thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cho cá nuôi ở lồng vào bơi lội để khử các loại vi khuẩn, nấm bệnh bám trên thân chúng. Phải cho chúng "tắm" thật kỹ, mỗi ngày chỉ xử lý hai lồng, thích hợp nhất là từ 6 đến 9 giờ sáng, không nên "tắm" cho cá lúc nước biển đã ấm lên. Cùng với đó, phải thường xuyên cọ rửa lồng bè, giặt giũ lưới vay. Với sự chí thú như vậy, gia đình anh Ấn được đền bù xứng đáng: Năm 2003, thả 3.000 con giống cá mú cọp, thu lãi hơn 180 triệu đồng. "Nuôi cá mú lồng khỏe hơn nhiều so với đi đánh bắt" - Anh Ấn khẳng định như vậy.

 Khi phong trào nuôi hải sản ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) phát triển mạnh, bà con đã tận dụng mọi lợi thế để mở rộng diện tích. Những ghềnh đá nhô ra biển ở khu vực Mộ Thầy thuộc xã Long Hải đã lọt vào "tầm ngắm" của những người thích thử thách. Người đầu tiên đầu tư vốn xây hồ nuôi hải sản ở khu vực này vào năm 1999 là anh Trần Thanh Long, một cán bộ chủ chốt của xã Long Hải lúc ấy. Theo bước anh Long, nhiều hộ dân đã đến khu vực này, xin phép chính quyền địa phương đầu tư dựng tường chắn sóng biển, xây hồ nuôi cá mú, tôm hùm. Anh Dương Văn Vĩ, người xã Ngũ Phụng bắt đầu xây hồ ở đây từ tháng 6-2000, hiện nay đang sở hữu bốn hồ với diện tích mặt nước 840 m2. Anh Vĩ cho biết: Tận dụng địa thế ven biển có rạn đá, anh đã đúc nhiều ống cống bằng bê-tông, đợi thủy triều xuống, cắm sâu vào nền biển, xây nối lại thành tường chắn sóng, từ đó cải tạo phía trong thành hồ nuôi hải sản. Dưới đáy bốn hồ cá, anh đặt hơn 1.200 ống thông thủy, đường kính 30 cm, bảo đảm nước trong hồ và biển đối lưu nhau và độ sâu trong hồ luôn được giữ từ 1 đến 3 m. Vốn đầu tư ban đầu và tu bổ, hoàn thiện hồ hơn 400 triệu đồng. Anh Vĩ cho biết thêm: So với lồng bè, việc đầu tư xây hồ ven biển nhọc công và nặng vốn hơn, nhưng khi hồ đã hoàn thiện thì khỏe, an toàn hơn nhiều. Với mặt tường vành đai cao 6 m, kỹ thuật xây dựng không khác với kè cảng biển, gần năm năm nay, đã nhiều lần đối chọi với sóng bão cấp 7, cấp 8, nhưng hồ vẫn rất an toàn.

 Tháng 8-2000, anh Vĩ bắt đầu thả nuôi 1.200 cá mú đỏ con mua lại của ngư dân và nuôi tôm hùm, đạt hiệu quả khá cao. Sau đó, vì diện tích hẹp, việc chăm sóc tôm hùm phức tạp, nên gia đình anh chỉ chuyên nuôi cá mú. Tháng 9-2003, anh thả nuôi 2.500 con giống cá mú đen, đến tháng 10-2004 thu hoạch, lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, trong hồ của anh đang có gần 3.000 con cá mú đen đã đạt trọng lượng xuất bán. Nhiều hộ nuôi cá mú bằng hồ chắn sóng cũng khẳng định cá tăng trọng nhanh, sản lượng thu hoạch ổn định hơn nuôi bằng lồng bè.

 Theo UBND huyện Phú Quý, hiện nay toàn đảo có 55 cơ sở nuôi gần 200 nghìn con cá mú đen và cá mú đỏ bằng lồng bè, hồ chắn sóng với 10.849 m2 mặt nước. Những năm gần đây, bình quân hằng năm bà con xuất bán từ 40 đến 60 tấn sản phẩm, đạt doanh thu từ 10 đến 15 tỷ đồng. Đồng chí Huỳnh Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết thêm: Xác định hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của đảo, huyện đã có chính sách khuyến khích bà con đầu tư phát triển mạnh việc nuôi trồng cùng với khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần và bảo vệ nguồn lợi biển. Nghề nuôi cá mú tuy mới phát triển, nhưng hiệu quả đã được khẳng định, nhất là trong việc khai thác lợi thế của đảo. Tuy nhiên, để nghề nuôi trồng hải sản trên đảo phát triển bền vững, huyện sẽ rà soát lại quy hoạch; phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu đưa thêm các loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao và nuôi kết hợp việc bảo vệ thảm thực vật, rạn san hô chung quanh đảo. Những lồng bè và hồ chắn nuôi cá mú trên đảo sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách khi họ đến với hòn đảo giàu đẹp này.

(Nhân dân)