Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giảm tỷ trọng thu từ xuất khẩu theo cam kết
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Ngân sách nhà nước (NSNN) là cân đối tài chính quan trọng trong nền kinh tế, là công cụ và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Trước hết, thu NSNN đã tăng lên, tỷ trọng động viên vào NSNN đạt bình quân trên 25% GDP giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), vì vậy đã tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng kinh tế quan trọng.
Đồng thời, cơ cấu thu ngân sách đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa. Nếu như giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ thu nội địa bình quân là 68,7% thì đến năm 2020 tỷ trọng thu nội địa đạt 85,4%, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế quan nhằm mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên, cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, hoạt động thương mại đã trở thành một động lực cho kinh tế phát triển, thu hút vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ Tài chính.
Trong đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đề ra các chỉ tiêu cụ thể, như: tỷ lệ động viên vào ngân sách là 15,5% GDP; tỷ lệ nợ đọng thuế thấp hơn 5% tổng thu ngân sách; phấn đấu tăng thu ngân sách so với dự toán là 3%; tỷ trọng chi thường xuyên (không gồm chi lương và tinh giản biên chế) là 61,5%; tỷ trọng chi đầu tư phát triển là 28,3%; bội chi NSNN so với GDP là 4%; dư nợ công trên GDP là 46,1%, nợ Chính phủ là 41,9% GDP.
Tại kế hoạch hành động này, Bộ Tài chính đã đề ra nhóm nhiệm vụ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tăng chi cho đầu tư phát triển thúc đẩy tăng trưởng
Khi làm việc, chỉ đạo ngành tài chính, Thủ tướng đã từng chỉ đạo rất rõ ràng, “tài chính không chỉ là con số thu chi ngân sách Nhà nước, là khư khư giữ tiền, tài chính phải biết huy động, biết sử dụng tiền hiệu quả hơn và làm tiền đẻ ra tiền, các chính sách tài chính như thuế, chi ngân sách... phải tập trung khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng năng lực sản xuất, phát huy tiềm năng thế mạnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của Việt Nam”.
Thời gian qua, bên cạnh thu ngân sách, Bộ Tài chính đang cố gắng làm tốt nhiệm vụ ở chiều ngược lại, đó chính là chi ngân sách.
Có thể nói, cơ cấu chi NSNN đã chuyển hướng tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển; qua đó góp phần thu hút thêm đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (tổng đầu tư xã hội 5 năm 2016-2020 đạt 33,4% GDP; trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng nhanh từ mức 38,9% năm 2016 lên khoảng 45% năm 2020), bảo đảm chi an sinh xã hội;
Nhờ tăng thu tiết kiệm chi nên bội chi ngân sách đã giảm từ mức bình quân 5,4%GDP giai đoạn 2011-2015 xuống mức bình quân 3,6%GDP giai đoạn 2016-2020, nhờ vậy nhu cầu vay nợ cũng giảm hơn so với thời kỳ trước.
Mặt khác, cùng với các giải pháp quản lý nợ chủ động, kiểm soát chặt chẽ từ khâu huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, nên nợ công đã giảm mạnh. Vào thời điểm hiện tại, nợ công/GDP ở mức 55,8% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,6% GDP, đã tạo dư địa cho chính sách tài khóa, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Chính nhờ có cơ cấu lại ngân sách, tăng thu, quản lý chi chặt chẽ, huy động vốn với kỳ hạn dài (bình quân năm 2020 là 13,9 năm), lãi suất thấp (bình quân năm 2020 là 2,86%/năm), vì vậy chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, cơ cấu ngân sách có chuyển hướng tích cực như đã nêu trên, đã tạo điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chủ động và bền vững.
Có thể nói, chủ trương của Đảng, Quốc hội là hoàn toàn đúng đắn cùng với việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã có bước đi chủ động và tích cực, tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo.
Thể chế tài chính – ngân sách đã có sự điều chỉnh theo hướng tài chính cho phát triển. Một mặt, tăng được nguồn thu cho ngân sách, chi tiêu hiệu quả hơn; mặt khác, cũng nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy, để tái đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và tổng thể chung là nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
“Chính việc nợ công, nợ chính phủ so với GDP giảm, tạo dư địa cho chính sách tài khóa; đồng thời, việc nâng cao tiềm lực tài chính, thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn làm cho định mức tín nhiệm quốc gia giữ vững với triển vọng ổn định, từ đó tạo cho Việt Nam chúng ta có thế và lực khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Theo Bộ Tài chính, việc quản lý hiệu quả vay nợ nước ngoài đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo phải “co kéo” vay nợ nhiều, đã trở thành một nền kinh tế được các tổ chức quốc tế đánh giá là có mức nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị gánh nặng về nợ.
Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp, do đó, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan đang tiếp tục nghiên cứu, cập nhật kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khung khổ chính sách, công cụ quản lý nợ nước ngoài cho phù hợp hơn với tính năng động của công tác vay nợ trong tình hình mới, đồng thời tương thích cho cả các giai đoạn, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Huy Thắng