Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cơ cấu thành phần kinh tế được nhận diện dưới nhiều chỉ tiêu, trong đó thông thường được nhận diện dưới cơ cấu qua chỉ tiêu tổng quát là tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Các chỉ tiêu thống kê cho thấy, cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế năm 1986 và năm 2013 như sau:
Nguồn số liệu: TCTK |
Trước năm 1986, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế có hai hình thức sở hữu, hai loại hình kinh tế chủ yếu là xí nghiệp quốc doanh và tập thể, chỉ có một ít là loại hình kinh tế cá thể, chưa có kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn, với hàng chục nghìn xí nghiệp quốc doanh. Gọi là xí nghiệp quốc doanh, nhưng chưa thể gọi là doanh nghiệp, bởi xí nghiệp gần như không có quyền tự chủ, mọi cái từ đầu vào (lao động, vốn đầu tư, nguyên nhiên vật liệu…), sản xuất, kinh doanh (cái gì, bao nhiêu…), đầu ra (tiêu thụ ở đâu, giá cả ra sao…), đến kết quả sản xuất, kinh doanh (lãi, lỗ,…) đều do Nhà nước lo, Nhà nước chịu.
Kinh tế tập thể chiếm gần hết khu vực ngoài Nhà nước với hàng nghìn hợp tác xã cũng thuộc đủ các ngành. Gọi là kinh tế tập thể dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng phương án ăn chia do Nhà nước duyệt; vật tư chủ yếu do Nhà nước cung cấp; sản phẩm do Nhà nước thu mua; xã viên ăn theo định lượng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội sâu rộng tiềm ẩn từ cuối những năm 1970, bùng phát trong những năm 1980, kéo dài đến đầu những năm 1990 của thế kỷ trước đã khiến tăng trưởng kinh tế chậm, có năm bị suy thoái. GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, nếu năm 1985 còn đạt 233,3 USD, thì năm 1988 chỉ còn 86 USD/người, thuộc loại thấp nhất thế giới. Lạm phát và nhập siêu rất cao; tỷ lệ thất nghiệp năm 1989 lên đến trên 13%...
Nhờ đổi mới, mở cửa hội nhập (bắt đầu từ năm 1986), cơ cấu thành phần kinh tế đã có sự chuyển dịch khá rõ.
Trước hết là trong cơ cấu GDP, tỷ trọng khu vực Nhà nước đã giảm xuống còn dưới 1/3; của khu vực tập thể còn rất thấp (5,05%); của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm gần 20%; còn khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên dưới 11%...
Cơ cấu thành phần kinh tế về lao động đang làm việc, nếu năm 1986, lao động khu vực Nhà nước là 15,5%, khu vực ngoài Nhà nước chiếm 84,5% thì nay, khu vực Nhà nước chỉ còn chiếm 10,3%, khu vực ngoài Nhà nước chiếm 86,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,3%.
Vốn đầu tư đã có sự chuyển dịch theo hướng khai thác các nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước đã giảm từ 54,3% (thời kỳ 1996-2000) xuống còn 39,3% (thời kỳ 2011-2013); của khu vực ngoài Nhà nước tương ứng tăng từ 24,1% lên 38,1%; của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 15,7% (thời kỳ 2001-2005) lên 22,6% (thời kỳ 2011-2013).
Về tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL), tỷ trọng kinh tế Nhà nước từ chỗ chiếm 40,7% năm 1985 xuống còn 10,2% năm 2013; tỷ trọng của khu vực ngoài Nhà nước tăng tương ứng từ 59,3% lên 86,7%, trong đó của kinh tế tập thể giảm còn 1%, của kinh tế tư nhân đã chiếm trên dưới 1/3; tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trước năm 1994 chưa có gì, nay đã chiếm 3,1%...
Từ sự chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế trong 30 năm đổi mới, có thể rút ra một số điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất là sự chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế đã góp phần huy động các nguồn lực (lao động, vốn đầu tư...), đưa đất nước thoát ra cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội; đưa tăng trưởng kinh tế từ năm 1991-2013 đạt khá (6,06%/năm), trong đó thời kỳ 1991-2005 đạt 7,17%/năm, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Thứ hai là khu vực kinh tế Nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi hiệu quả đầu tư của khu vực này thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác cổ phần hóa còn chậm so với trước (từ 1992-2000: 588 DN; 2001-2002: 506 DN; 2003: 621 DN; 2004: 621 DN; 2005: 813 DN; 2006: 359 DN; 2007: 116 DN; 2008-2011: 117 DN; 2012: 13 DN. 2013 vẫn chậm, còn năm 2014 có thể nhanh hơn, nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu của Chính phủ).
Thứ ba là khu vực cá thể (còn được gọi là khu vực phi chính thức) còn rộng lớn, phân tán, làm cho năng lực sản xuất, năng suất lao động vẫn thấp; việc quy hoạch phát triển, việc quản lý trong việc đăng ký kinh doanh, mã số thuế khó khăn.
Thứ tư là khu vực FDI đã chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp (trên dưới 45% giá trị sản xuất); chiếm trên dưới 2/3 kim ngạch xuất khẩu… Tuy nhiên, ở khu vực này đã xuất hiện sự “chèn lấn”, thậm chí là thâu tóm đối với khu vực trong nước vào lúc khu vực kinh tế trong nước gặp khó khăn… Cũng đã xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư lơ là trong bảo vệ môi trường, hoặc tìm cách chuyển giá để trốn lậu thuế…
Minh Ngọc