Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bên cạnh chủ động khơi thông nguồn lực của các địa phương, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận cho rằng các tỉnh Tây Nguyên rất cần được tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch, cơ chế tài chính, công tác cán bộ và một số nội dung quản lý nhà nước còn bất cập giữa các bộ, ngành, giữa bộ, ngành với địa phương...
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển các nguồn giống cây trồng, chuyển đổi canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của vùng ở trong nước và ngoài nước.
Bên cạnh đó là chính sách kinh tế lâm nghiệp nhằm khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; tạo việc làm ổn định lâu dài để người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số yêu rừng, sống và hưởng lợi từ rừng, gắn kết lâu bền qua các thế hệ.
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng mong muốn được các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu những mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng cao; hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hoá; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm và các sản phẩm sau nhôm trong thời gian ngắn nhất, suất đầu tư thấp nhất và hiệu quả cao nhất; ưu tiên bố trí kịp thời các nguồn vốn trung hạn và hàng năm để đầu tư hoàn chỉnh các dự án phát triển giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, các chương trình về y tế, giáo dục,... để giải quyết căn bản những vấn đề bức xúc và cấp thiết phục vụ yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng và thế mạnh của vùng.
Cũng tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nói chung và dược liệu quý hiếm nói riêng trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ông Dương Văn Trang cho biết, qua nhiều năm triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác đã đạt được thành quả nhất định. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.300 ha dược liệu, trong đó diện tích rừng đã trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 1.240 ha; Đảng Sâm 600 ha; Đương quy 60 ha; Nghệ vàng 160 ha; Sa nhân 120 ha... Giá trị sản xuất cây dược liệu ước đạt 18.415 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Kon Tum xác định mục tiêu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.
Để có thêm cơ sở, điều kiện thuận lợi và động lực thực hiện mục tiêu, tỉnh Kon Tum kiến nghị được cho thực hiện thí điểm thuê môi trường rừng để trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu dưới tán rừng; triển khai thực hiện thí điểm việc điều tra, kiểm kê rừng; phân bổ chỉ tiêu rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở triển khai các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu đãi thu hút các doanh nghiệp chế biến lớn có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu.
"Kon Tum là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về dược liệu. Hy vọng trong giai đoạn tới, với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái", ông Dương Văn Trang bày tỏ.
Minh Ngọc