Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tháng 12/1990 sau khi tốt nghiệp sư phạm, vì một cơ duyên mà cô Nguyễn Thị Ngà đã đến huyện vùng núi cao An Lão công tác và được phân công giảng dạy tại trường cấp 1 bổ túc văn hóa cán bộ huyện An Lão. Ngôi trường này là bổ túc văn hóa cán bộ cho nên học sinh đều đã lớn tuối, là người đồng bào dân tộc thiểu số của các xã trong huyện. Vì đường xá đi lại rất khó khăn cho nên giáo viên và học sinh đều phải ở nội trú tại trường. Vừa bước chân đến ngôi trường, nhìn khắp bốn bề đều là rừng núi, những con đường dốc, lau sậy mọc sát hai bên đường khung cảnh hoang sơ, học sinh nhìn cô, nhút nhát, e dè, bất đồng về ngôn ngữ…
"Ngày mới đến, tôi cảm thấy lạc lõng vô cùng chỉ muốn quay lưng, nhưng tôi nghĩ phải cố gắng để xóa đi rào cản bất đồng ngôn ngữ đó giúp các em chiếm lĩnh tri thức làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống", cô giáo Ngà kể lại.
Điều cô băn khoăn nhất là truyền đạt thế nào để các em tiếp thu, hiểu nội dung bài một cách dễ nhất, ham thích đến trường, tự tin đến lớp.
Vậy là buổi chiều hoặc những lúc rảnh rỗi cô thường xuống khu ký túc xá để tạo không khí thân thiện với học sinh. Cô trò chuyện, giảng giải thêm khi các em chưa hiểu bài; hỏi thăm các em về cuộc sống, chỉ dẫn cách tự lập khi xa gia đình; cùng với các em ra suối hái rau, bắt ốc…
Từ đó, những tâm tư tình cảm dần được giãi bày. "Tôi nhận ra cuộc sống của các em còn rất khó khăn thiếu thốn. Điều đó đã nhắc nhở tôi phải cố gắng thật nhiều để giúp đỡ các em. Tôi tạo tình huống để các em được bộc lộ và hướng dẫn cách xử lý những tình huống đó. Dần dần các em đã mạnh dạn, tự tin hơn, cô trò đã không còn khoảng cách, giờ học cũng nhẹ nhàng, hiệu quả hơn", cô Nguyễn Thị Ngà chia sẻ.
Tháng 9/1991, do điều kiện địa phương thiếu giáo viên mầm non, cô được điều động về công tác tại trường Mẫu giáo Nhà trẻ Liên hiệp huyện An Lão. Với môi trường giáo dục mới, độ tuổi các em lại rất nhỏ khiến cô giáo trẻ không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng khi thấy các em cứ khóc ngằn ngặt, níu chặt tay mẹ quay mặt chỉ đường về không muốn vào với cô. Nhưng với lòng quyết tâm cùng với sự giúp đỡ của đồng nghệp, cô Ngà đã học hỏi cách chăm sóc vừa dạy vừa dỗ các bé. Với tình thương vô bờ bến của một người mẹ, người chị đã giúp cô giáo độ tuổi đôi mươi vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
"Gia đình tôi thấy cuộc sống xa nhà khổ cực, khó khăn quá nên đã khuyên tôi về lại quê. Nhưng chính những khó khăn, những tình cảm chan hòa, gần gũi, tin tưởng của phụ huynh, của người dân nơi đây và những ánh mắt ngây thơ, những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của các em mỗi sớm mai đến lớp… đã níu giữ tôi ở lại nơi này", cô Ngà bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Ngà luôn tâm niệm rằng dù ở môi trường công tác nào miền xuôi hay miền ngược thì tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương, chia sẻ với các em sẽ luôn là chìa khóa mở ra những trang giáo án hay và bổ ích. Cô cho rằng "roi vọt không làm trẻ nên người - yêu thương mạnh hơn lời quát mắng" và cô luôn dạy trẻ với suy nghĩ "cứ trao đi yêu thương thì sẽ được nhận lại hạnh phúc".
Trong suốt thời gian 32 năm công tác, Trường Tiểu học An Quang là nơi cô Nguyễn Thị Ngà gắn bó lâu nhất, từ tháng 8/ 2002 đến nay. Đây là ngôi trường thuộc một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi An Lão với đối tượng học sinh 99 % là con em đồng bào dân tộc thiểu số Hre, Bana... (trường thuộc khu vực III).
Vào đầu những năm 2000, nơi đây đường xá giao thông đi lại rất khó khăn, chưa có cầu phải đi đò, nếu đi không kịp sẽ trễ chuyến đò. Vì vậy lúc nào cô giáo cũng phải dậy từ tờ mờ sáng để qua đò rồi đạp xe đạp đến điểm trường cho kịp giờ lên lớp. Vào mùa mưa nước lớn qua sông rất nguy hiểm, cộng với đường đi đầy bùn lầy lội, đi bộ lại nhanh hơn đi xe đạp… nhưng cô vẫn quyết tâm đến lớp đúng giờ, bởi ở đó có các em đứng chờ cô nơi con dốc.
Tại những điểm trường xa cô phải đi bộ lên và ở lại cuối tuần mới về. Nhà ở của giáo viên chưa có nên phòng học được ngăn hai ra bằng tấm liếp, phía trên là lớp học phía dưới là nơi sinh hoạt của giáo viên. Không có sóng điện thoại, không có nước sạch nhưng lại rất nhiều muỗi, vắt…
Vì không có điện thắp sáng, tối đến, mỗi thầy, cô bên cạnh một chiếc đèn nhỏ thắp bằng dầu mazut để soạn bài. Sáng ra nhìn mặt ai cũng đen nhẻm vì muội dầu. Khó khăn là thế nhưng các thầy cô luôn động viên nhau rằng mình không khó khăn bằng các em và phụ huynh, người dân nơi đây. Nếu một học sinh nghỉ học buổi sáng thì buổi chiều thầy, cô sẽ không ngại đường núi xa xôi đã vào tận bản làng thăm hỏi gia đình và động viên em đến lớp.
Cô Nguyễn Thị Ngà cho biết, tiếng Việt là một rào cản ngôn ngữ với các em học sinh vùng dân tộc thiểu số. Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất đối với học sinh người Kinh nhưng lại là ngôn ngữ thứ hai đối với học sinh vùng cao. Vốn Tiếng Việt của các em rất ít lại chưa chuẩn xác trong cách phát âm và sử dụng. Thêm nữa các em rất rụt rè, nhút nhát, thấy người lạ, thầy, cô là cúi mặt xuống hoặc nhìn đi chỗ khác, ngại giao tiếp…
Do số học sinh trong lớp đông mà lại chỉ có một giáo viên nên cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt giữa học sinh và giáo viên có hạn. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải có những kỹ năng cần thiết, linh hoạt sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh sử dụng thành thạo, có chất lượng bốn kỹ năng đọc, viết, nghe, nói tiếng Việt.
Trước tiên, theo cô Ngà, giáo viên phải tạo không khí thân mật, vui vẻ cởi mở với học sinh vì các em không thể mạnh dạn, tự tin trong môi trường gò bó thiếu thân thiện. Cô giáo cũng thường xuyên thăm hỏi để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, khả năng sử dụng Tiếng Việt của từng em để kịp thời có những phương pháp, biện pháp cụ thể giúp các em tiến bộ.
Bên cạnh đó, cô Ngà cũng phải luôn tự học và tham gia lớp học tiếng Bana, Hre… để ứng dụng vào những trường hợp cần thiết.
Đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, nhất là học sinh mới vào lớp Một, làm sao để các em đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ là một vấn đề hết sức nan giải. Điều này khiến cô Ngà luôn tích cực nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp để viết các sáng kiến "Giúp học sinh lớp Một vùng dân tộc thiểu số học tốt phân môn Học vần", "Giáo viên chủ nhiệm với việc tổ chức dạy-học Tiếng Việt trong lớp ghép bậc tiểu học", "Rèn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho học sinh lớp Một vùng dân tộc thiểu số"... Những sáng kiến này đã được áp dụng có hiệu quả khi giúp học sinh bước đầu học tiếng Việt.
Ở vùng cao, các điểm trường xa, ít học sinh cho nên phải ghép hai nhóm trình độ thành một lớp. Một nhóm đã khó khăn bây giờ hai nhóm một lớp lại càng khó khăn hơn trong việc dạy và học vì phải truyền thụ cả hai lượng kiến thức khác nhau trong cùng một khoảng thời gian nhất định. Cô đã học hỏi, nghiên cứu áp dụng thành công sáng kiến vào quá trình giảng dạy và rèn luyện học sinh lớp ghép.
Việc rèn đọc đúng để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh vùng cao là vô cùng cần thiết, góp phần giúp các em học tốt các môn học khác và là cơ sở để các em học có hiệu quả các lớp và các bậc học tiếp theo. Khi đứng lớp, cô Ngà rất chú trọng rèn luyện kĩ năng nghe cho học sinh, trong đó việc phát âm của giáo viên là yêu cầu quan trọng hàng đầu, bởi nghe có một vai trò hết sức quan trọng. Nếu nghe không tốt, học sinh không thể nhận dạng được âm, tiếng, từ, câu để phát âm lại, phải nghe và hiểu tốt mới có thể tiếp thu bài học và có thể giao tiếp bằng Tiếng Việt tốt được.
Khi điều kiện đã phát triển hơn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ và kĩ năng giao tiếp tiếng Việt của học sinh, cô thường xuyên trao đổi, phối hợp với giáo viên bộ môn (âm nhạc, mĩ thuật) tìm cách giúp đỡ kịp thời cho các học sinh còn hạn chế về năng lực diễn đạt tiếng Việt, chưa tự tin, ngại giao tiếp trong giờ học… Bên cạnh đó, cô Ngà cũng cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế bài giảng sinh động để thu hút được sự chú ý của học sinh, lôi cuốn các em vào bài học.
Với 32 năm công tác, một chặng đường đã cận kề với điểm dừng chân cuối của sự nghiệp giáo viên miền núi, cô Ngà tâm sự rằng nếu được lựa chọn lần nữa cô vẫn sẽ chọn nghề giáo – nghề nghiệp luôn được xã hội tôn vinh. "Tôi rất trân quý sự tôn vinh đó và luôn tâm niệm dù còn đứng trên bục giảng một ngày nào vẫn sẽ tiếp tục phát huy và cùng với đồng nghiệp góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp "trồng người", cô giáo miền xuôi đã dành cả cuộc đời cho nhiều lớp học trò miền núi chia sẻ.
Với những nỗ lực lớn trong công tác giảng dạy, cô Nguyễn Thị Ngà đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UNND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định. Cô cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong thực hiện "Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng Dân tộc thiểu số" giai đoạn 2016-2020.
Phương Liên