Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cây ca cao được trồng tại tỉnh và đạt diện tích cao nhất vào năm 2013 với trên 10.000 ha, chủ yếu được trồng xen trong vườn dừa. Sau năm 2013, giá ca cao giảm liên tục, nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái (cây có múi) xen dừa.
Đến cuối năm 2015 đầu năm 2016, tỉnh Bến Tre trải qua mùa hạn, mặn kéo dài, diện tích ca cao giảm còn dưới 1.000 ha. Hiện nay diện tích ca cao trên toàn tỉnh là 148 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Châu Thành (139 ha).
Là một trong những người đầu tiên ở huyện Châu Thành trồng cây ca cao, ông Võ Văn Bân (xã Phú Túc) chứng kiến sự sụt giảm mạnh diện tích cây ca cao tại huyện Châu Thành. Thế nhưng, ông Võ Văn Bân vẫn bám trụ với cây ca cao với lí do nhiều năm nay, giá ca cao luôn ổn định khoảng 5.600 - 6.000 đồng/kg trái tươi. Hiện ông Bân có 1,2 ha vườn dừa trồng xen ca cao, mỗi năm thu nhập từ cây ca cao đem về cho ông khoảng 150 triệu đồng.
2 năm qua, giá dừa xuống thấp và kéo dài. Nhiều nông dân so sánh với giá dừa xuống thấp như hiện nay, nếu chỉ trồng dừa thì thu nhập không đủ sống. Do đó, trồng xen ca cao có thể mang đến cho nhà vườn thêm nguồn thu, giúp cải thiện kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, cây ca cao phát huy hiệu quả rất tốt khi trồng xen trong vườn dừa, giúp tăng thu nhập cho người dân trên cùng một diện tích canh tác.
Để việc phát triển cây ca cao ổn định bền vững và thật sự mang lại thu nhập ổn định thì cần quan tâm xây dựng chuỗi liên kết. Trong quá trình xây dựng cần có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có năng lực tốt để tương tác, hỗ trợ, tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho người dân.
Ngành nông nghiệp sẽ quan tâm quy hoạch vùng sản xuất phát triển ca cao thuận lợi. Thực hiện tốt các giải pháp phòng trừ sâu bệnh… Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Phòng NN&PTNT các huyện cần phối hợp chặt chẽ trong việc chọn vùng trồng ưu tiên lập danh sách hộ nông dân, số cây đăng ký, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát hiệu quả cây trồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp thu mua ca cao, 2 trong số các doanh nghiệp này đã có kế hoạch hỗ trợ phát triển trồng mới ca cao tại địa phương.
Cụ thể, Công ty TNHH Socola Marou đầu tư nâng cao chất lượng cho nhóm sản xuất ca cao xã Phú Túc (15 ha), nhóm sản xuất ca cao Phú Đức (25 ha). Công ty này cũng lên kế hoạch hỗ trợ 15.000 – 18.000 cây giống cho 2 xã trên trong 3 năm (2021, 2022 và 2023).
Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam (Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành), hiện có nhà máy đầu tư chuyên sâu sản xuất hạt ca cao để tạo ra các sản phẩm ca cao, cũng đang triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ 20.000 cây giống ca cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Công ty hỗ trợ 100% chi phí về cây giống và đồng hành cùng với khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc và quy trình chế biến phân bón từ phụ phẩm của cây ca cao như lá cây, vỏ trái ca cao để phục vụ lại cây ca cao tại vườn trồng, giúp nhà vườn đạt hiệu quả kinh tế.
Đại diện Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam cho biết, công ty sẽ theo dõi, đánh giá chất lượng xuống giống đến chất lượng, năng suất trái. Nếu thuận lợi, Puratos sẽ tiếp tục đề xuất phát triển diện tích vùng trồng cho những năm sau đó.
Nhật Thy