• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cổ Loa – Tòa thành cổ có một không hai

(Chinhphu.vn)- Cổ Loa - tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ rất cần được tiếp tục bảo tồn, tôn tạo để nơi đây trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn.

10/08/2010 15:12

Dấu tích thành Cổ Loa xưa. Ảnh tư liệu

Kinh đô của người Việt cổ

Khu di tích Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội 17km thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, có diện tích bảo tồn gần 500ha được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của thủ đô và cả nước. Cổ Loa có hàng loạt di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện, phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc ta từ sơ khai qua các thời kỳ đồ đồng, đồ đá và đồ sắt mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, vẫn được coi là nền văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử của dân tộc Việt Nam.

Cổ Loa từng là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương (thế kỷ III TCN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỷ X) mà thành Cổ Loa là một di tích còn lại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".

Do những đặc điểm kiến trúc đặc biệt và độc đáo, công trình được gọi là Cổ Loa. Tương truyền thành gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8km, vòng giữa 6,5km, vòng trong 1,6km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu lũy xây đến đó.

Đến khu di tích Loa Thành, du khách cảm nhận được cảnh quan thiên nhiên khoáng đạt của làng quê Việt với hào nước, sông ngòi, gò đống. Khu vực thành nội có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đình Ngự Triều, am thờ Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn.

Đền thờ An Dương Vương (còn gọi là đền Thượng) ở trên một quả đồi tương truyền là cung thất của nhà vua. Ngay trước đền thờ là một hồ nước hình bán nguyệt, giữa là giếng Ngọc – gắn liền với truyền thuyết về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Đền thờ An Dương Vương gồm nhiều cửa, đi vào khu vực chính là điện thờ vua, nằm phía trong hai bên là thờ Hoàng hậu và thờ Mẫu. Đình Ngự Triều được xây dựng trên nền điện thiết triều cũ, năm 1907 thời Nguyễn. Đình có dáng vóc vững chãi, bề thế, mái đao vút cong. Tại đây trưng bày nhiều di tích khảo cổ có giá trị quan trọng.

Có một nơi mà du khách không thể bỏ qua khi đến Loa Thành đó là am thờ Mỵ Châu. Đây chỉ là một am nhỏ, nằm u tịch dưới gốc đa. Trong căn phòng nhỏ phía sau có tượng công chúa Mỵ Châu – một khối đá tự nhiên hình người không đầu. Truyền thuyết kể rằng xác Mỵ Châu sau khi bị vua cha chặt đầu đã hóa thành đá và trôi về bãi Đường Cấm,  phía Đông thành Cổ Loa. Dân trong thành thương cảm đem võng ra cáng bức tượng đá không đầu về đến gốc đa thì đứt võng. Người dân bèn lập am thờ Mỵ Châu ngay tại nơi tượng đá rơi xuống…

Để Loa Thành là địa chỉ thu hút du khách

Loa Thành là di sản văn hóa, là bằng chứng về sự sáng tạo và trình độ của người Việt lúc bấy giờ. Đối với người dân nơi đây, ngày nay Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.

Dân gian có câu: “Thứ nhất lễ hội Cổ Loa/Thứ hai hội Gióng, thứ ba hội Chèm”.  Bắt đầu từ năm 1961, Lễ hội Cổ Loa được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch, tương truyền là ngày An Dương Vương lên ngôi hoàng đế. Lễ hội là dịp để người dân địa phương nói riêng và người dân trên cả nước nói chung tưởng nhớ công lao của vị vua đầu tiên của nước Âu Lạc.

Tuy nhiên, ngoài dịp lễ hội, những ngày khác ở Khu di tích Cổ Loa thường vắng lặng một cách đáng buồn. Chị Chu Minh Nương, cán bộ thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cho biết lượng khách đến Cổ Loa chủ yếu là trong nước, khách nước ngoài không nhiều. Các tua du lịch cũng thường chỉ ghé qua trong thời gian rất ngắn nên các dịch vụ ăn uống tại đây chưa phong phú, dịch vụ nghỉ qua đêm chưa có.

Do thời gian ghé thăm ít ỏi nên khách du lịch thường không kịp nghe thuyết minh và tham quan, tìm hiểu kỹ về Khu di tích. Vì thế, tuy đã đến Cổ Loa nhưng du khách vẫn khó có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh của thành cổ.

Theo chị Nương, khách du lịch đến tham quan Cổ Loa cần phải có thời gian lắng nghe thuyết minh, quan sát và đi thực địa kết hợp với sự hình dung thì mới có thể thưởng ngoạn được hết toàn bộ Di tích thành Cổ Loa cũng như ý nghĩa lịch sử của thành cổ.

Đường dân sinh đi sát cổng đền thờ An Dương Vương. Ảnh: thanhcoloa.vn

Cụ Chu Văn Trinh, người đã có 40 năm làm công tác bảo tồn nơi đây cho biết, việc bảo vệ Cổ Loa thành cách đây 50 năm đã được thực hiện khá nghiêm túc. Bởi nơi đây có đất sét rất tốt, (cũng chính là vật liệu đã đắp nên Loa thành) nên người dân địa phương hay khai thác về để làm ông đầu rau. Đêm đêm, có nhiều người thường đi đào trộm đất sét ở thành Cổ Loa về đắp bếp. Thành cổ vì thế mà cứ dần mai một. Thời ấy, các chức sắc tromg vùng đã ý thức phải bảo vệ dấu tích của lịch sử. Việc bảo vệ thành Cổ Loa  được cắt đặt khá nghiêm ngặt. Cả vùng có 12 xóm, mỗi xóm được phân công phụ trách một khu vực của Loa thành. Lý trưởng (của xóm Nhồi khi ấy) phân công rõ ràng, 30 suất đinh được cử ra để chuyên đi tuần bảo vệ thành. Nếu bắt được những trường hợp phá thành, ăn trộm đất sét thì phạt rất nặng.

Cụ Trinh cũng cho biết thêm, di tích thành Cổ Loa so với ngày xưa đã bị xuống cấp nhiều, do thời gian, do bom đạn Mỹ. Toàn bộ hệ thống thành cũ (vòng nội thành) đã mai một gần hết, vòng 2 (8.600m) còn đủ nhưng vòng 3 đã mất 1,5km. Đó còn chưa kể có nhiều hộ dân còn sinh sống ngay trong khu di tích Loa thành. Các di tích còn lại như đền, đình Cổ Loa đã được bảo tồn, trùng tu và phục chế lại những phần bị hư hỏng hay xuống cấp. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chúng ta vẫn chưa có một chính sách duy trì vào bảo tồn xứng đáng với tầm vóc của di tích.

Hiện tại, Khu di tích Cổ Loa đã được UBND TP đầu tư để phục vụ công tác bảo tồn. Tuy nhiên vấn đề cần giải quyết hiện nay là di dời hàng trăm hộ dân đang ở xâm lấn, xen kẽ rất nhiều trong Cổ Loa thành. Hiện tại, thành nội đang "bao bọc" trọn vẹn dân xóm Chùa và xóm Chợ, còn ở thành ngoại thì nhà cửa của nhiều xóm khác cũng san sát.

Là di sản văn hóa quan trọng và đặc sắc của đất nước, việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác Khu di tích thành Cổ Loa  cần sớm có những phương án thiết thực, nhất là khi thời điểm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã cận kề.

Nên chăng đặt Cổ Loa trong tuyến du lịch lịch sử hướng về cội nguồn, là tâm điểm đô thị cổ nối với trung tâm Ba Đình lịch sử trên trục xuyên không gian mặt nước của sông Hồng - hồ Tây? Và như thế, cần phải xây dựng một dự án đúng tầm, có quy mô tương xứng với khu di tích thành Cổ Loa, để toà thành ốc độc nhất vô nhị trên thế giới vẫn trường tồn. 

Tuấn Việt