• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Có một miền ký ức mãi xanh

(Chinhphu.vn) - Một cơn mưa lớn ập đến, không mặc áo mưa, đồng bào vẫn đứng ở hai bên đường từ thành phố ra xa lộ Biên Hòa dài cả chục cây số trong sáng 30/4/1975, reo hò, vẫy chào quân giải phóng...

28/04/2015 16:35
Nhà báo Trần Mai Hưởng tại Quảng Trị năm 1973.
Suốt những năm tháng sau này, nhà báo Trần Mai Hưởng (nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) luôn thầm cảm ơn số phận đã cho mình may mắn được tận mắt chứng kiến chiến thắng lịch sử của dân tộc. Trong ký ức của ông, những ngày xuân năm 1975 ấy luôn sáng láng, trẻ trung, như một giấc mơ tươi đẹp nhất trong cuộc đời. Đó là những ngày “Lịch sử đất nước đi với tốc độ một ngày bằng hai mươi năm” của một mùa xuân giải phóng, mùa xuân thống nhất và sum họp.

Cùng các bạn đồng nghiệp, với tư cách là phóng viên Thông tấn xã, nhà báo Trần Mai Hưởng có may mắn theo bước chân thần tốc của người chiến sĩ Việt Nam suốt từ Huế, Đà Nẵng, qua hàng loạt các thành phố lớn khác ở miền Trung ngay trong những ngày đầu giải phóng. Rồi cùng các phóng viên trong tổ mũi nhọn, Trần Mai Hưởng đã theo mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 từ hướng đông tiến thẳng vào Sài Gòn, có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975.

Cho đến tận bây giờ, Trần Mai Hưởng vẫn như thấy trước mắt mình hình ảnh hào hùng khi những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 rời khỏi cánh rừng cao su ngọai vi Biên Hòa để đột kích thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. Lúc đó là ngày 29/4/1975. Trong nắng chiều, những lá cờ nửa đỏ, nửa xanh tung bay trên những tháp pháo bết bụi đỏ; những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 vừa làm lễ nhận cờ quyết thắng, hành quân cùng với xe tăng, vừa đi vừa reo vang hai bên đường...

Những kỷ niệm vẫn cứ cồn cào, tươi rói như vậy, dù 40 năm đã qua đi. Trước ngày chiến thắng 1 ngày, tại sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2, Tướng Nguyễn Hữu An lặng lẽ lấy khăn ra lau cặp kính trắng, ngón tay ông khẽ run run, cặp mắt đỏ ngầu vì mất ngủ không giấu được nỗi xúc động. Chính ủy Sư đoàn 304 Trần Bình, người đã đón tổ phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam hành quân cùng với Bộ tư lệnh tiền phương của mặt trận phía Đông cũng bồn chồn không kém. Đó là tâm trạng của những người cầm quân khi biết rằng thời khắc lịch sử đang đến. Tất cả các quân đoàn chủ lực của lực lượng vũ trang cách mạng đã ở quanh Sài Gòn. Vành đai phòng thủ cuối cùng đã bị đập tan, chiến thắng cuối cùng đang được tính từng giờ.

Mấy ngày trước đó, những trận đánh ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn diễn ra rất quyết liệt. Trần Mai Hưởng đã ở cùng Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn 2 ngay sát căn cứ Nước Trong, một trong những điểm kháng cự cuối cùng của quân Sài Gòn. Lúc đó, những tướng lĩnh dày dạn trận mạc vừa lo những trận đánh trước mắt, vừa tìm cách giải quyết những yêu cầu chiến dịch, tìm cách đánh sao cho ít gây thiệt hại nhất về người, để thành phố không bị tàn phá, kiềm chế hỏa lực của đối phương, khống chế các sân bay, chiếm giữ các cầu trên đường hành tiến ...

Rạng sáng 30/4, các nhà báo theo các mũi đột kích tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Mệnh lệnh truyền xuống: Vừa đánh vừa tiến vào trung tâm, mục tiêu là Dinh Độc Lập.Từng đoàn xe nối đuôi nhau, xe tăng dẫn đầu, rồi đến xe thiết giáp, xe chở bộ binh... Pháo 130 ly bắn yểm trợ dọc hai bên đường. Những đám khói đen đặc cuộn lên. Có đoạn, xe tăng phải hạ nòng bắn thẳng vào tàu chiến của quân đội Sài Gòn đang rút chạy.

Dòng người cuồn cuộn từ trong thành phố đi về xa lộ Biên Hòa dài cả chục cây số. Một cơn mưa lớn ập đến. Không mặc áo mưa, đồng bào vẫn đứng ở hai bên đường, reo hò, vẫy chào quân giải phóng...

Sài Gòn đây rồi! Đường phố rộng là thế, giờ như nhỏ lại, không đủ sức chứa cả đoàn quân. Đồng bào đổ ra chật kín, những lá cờ cách mạng được chuẩn bị âm thầm giờ tung bay trong nắng. Giữa không khí náo nhiệt, tưng bừng, nhà báo Trần Mai Hưởng chợt nhớ đến lễ trao cờ trước giờ xuất kích của các chiến sĩ Trung đòan 66, đơn vị chủ công đánh vào Sài Gòn từ phía Đông. Giữa rừng cao su xanh mướt, những người lính đứng lặng yên bên những chiếc xe tăng và những khẩu pháo, nghe lời dặn dò của Tư lệnh trưởng: “Các đồng chí hãy đem lá cờ quyết chiến quyết thắng cắm lên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, cái đích cuối cùng của cuộc hành quân của biết bao thế hệ vì độc lập, thống nhất của đất nước chúng ta!”.

Dòng người cuồn cuộn trên các ngả đường cuốn xe của các nhà báo đi. Một em bé trai trèo phắt lên thành xe, vừa cười vừa vẫy tay nói lớn: “Uớc mong sao, giờ đến ngày chiến thắng” khiến các nhà báo buồn cười nhưng cũng muốn hô theo niềm vui thơ trẻ.

Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, xe của các nhà báo cũng đến nơi. Lúc đó, cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung, những chiếc xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Vào trong dinh, Trần Mai Hưởng vừa nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính. Một hình ảnh rất đẹp hiện ra ngay trước mắt: Trên nền nắng trưa rực rỡ, chiếc xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Bắt được khoảnh khắc, Trần Mai Hưởng lập tức đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó.

Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/75” sau này đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa xuân lịch sử.

Trong sân Dinh Độc Lập, một nhà báo phương Tây nhận ra các đồng nghiệp Việt Nam đã tung một chiếc máy ảnh lên trời tỏ ý vui mừng. Đó là Boris Gannep, một nhà báo Đức làm việc cho tờ Tiến Bộ. Boris nói với Trần Mai Hưởng: “Tôi chờ đợi ngày này đã lâu. Thật là một thắng lợi kỳ diệu!”.

Rời quang cảnh hùng tráng với đội hình xe tăng và bộ binh dưới sân, các nhà báo vội vào phía trong của Dinh Độc Lập. Nội các của tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng không điều kiện. Nhà báo Trần Mai Hưởng gặp trên tầng hai của Dinh những nhân vật chủ chốt trong nội các: Dương Văn Minh với bộ đồ cộc tay màu nâu quen thuộc; Vũ Văn Mẫu, thủ tướng... Họ ngồi đó, ủ rũ, đăm chiêu.

Ngay buổi trưa đó, từ Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hưởng cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, mượn chiếc xe con của Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, tướng Hoàng Đan, đi tới các nơi khác trong thành phố để ghi lại những hình ảnh và thu thập thông tin cho bài viết của mình: Sứ quán Mỹ trên  đường Thống Nhất- Mạc Đĩnh Chi tan hoang, còn nguyên dấu vết của một cuộc rút chạy tán loạn. Tại Phủ Thủ tướng Ngụy Sài Gòn, giấy tờ, con dấu vứt bừa bãi dưới sàn. Trụ sở Bộ Quốc phòng ngổn ngang hàng chục xe Jeep đủ loại. Tổng nha Cảnh sát đầy ắp súng ống. Văn phòng tướng Cao Văn Viên tại Bộ tổng tham mưu còn cả những mẩu bánh mỳ ăn dở vứt trên bàn... Các nhà báo tới Chợ Bến Thành, qua Bến Nhà Rồng, đi dọc đường Nguyễn Huệ... đâu đâu cũng gặp những niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt mừng vui. Cả thành phố thực sự sống trong một ngày hội lớn.  

Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ, đối với ông, những ngày xuân 1975 mãi là những ngày tháng tươi mới trong một miền ký ức đã xa nhưng mãi xanh, luôn gắn bó thân thiết với cuộc đời mình.

Cùng với các phóng viên chiến trường khác, Trần Mai Hưởng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xung kích của mình vào thời khắc quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiều tin, bài, ảnh phản ánh toàn diện gương mặt Sài Gòn vào giờ phút trọng đại cách đây tròn 40 năm.

Báo điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu chùm ảnh Ngày giải phóng 30/4/1975 của tác giả Trần Mai Hưởng thay một lời kết cho bài viết này.

Hành tiến trên xa lộ Biên Hòa.
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng.
Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng.

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng.
Xe tăng quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.

Trên sân Dinh Độc Lập trưa ngay 30/4/1975.

                                                                                                                                        Phương Liên