Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luôn có những tranh cãi liên quan đến việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm. - Ảnh minh họa |
Những căn cứ để đưa ra công văn này là thịt chó, mèo có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả… đồng thời việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó mèo đã “tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh một Thủ đô văn minh hiện đại”.
Văn bản này cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tuyên truyền để “một bộ phận người dân từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó mèo”, hướng tới để “người dân hiểu ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật”…
Tiếp thêm một bước nữa, đại diện Chi cục Thú y phát biểu rằng cơ quan này sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT báo cáo TP về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó. Cụ thể, dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng 2021 sẽ cấm bán thịt chó ở các quận nội thành Hà Nội.
Câu chuyện tranh cãi về nên hay không ăn thịt chó vốn đã tồn tại từ nhiều năm trước. Người bảo đừng thì cho rằng ăn thịt chó là không văn minh, đi ngược xu thế của thời đại, rằng chó vốn là bạn của con người là thú cưng là vật nuôi đầy tình nghĩa…
Người có quan điểm truyền thống thì cho rằng, phàm những dân tộc du mục thì chó trở nên đắc dụng, chó thực sự là bạn đồng cam cộng khổ, còn với dân tộc canh nông, văn minh lúa nước, chó đương nhiên mất đi nhiều tác dụng và chỉ còn mỗi việc canh nhà. Vị thế của chó cũng vì vậy mà hạ xuống ngang hàng với vật nuôi khác, con gì nuôi được thì thịt được.
Bên nào cũng cứng lý, thế là cuộc tranh cãi cứ nối tiếp mãi không có hồi kết.
Tuy nhiên, những căn cứ mà UBND TP đưa ra trong công văn liệu có thực sự thuyết phục?
Với lý do thứ nhất, khuyến cáo bỏ thịt chó nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Thực chất việc lây bệnh dại không phải do sử dụng thịt chó làm thực phẩm. Thậm chí ở một khía cạnh nào đó, việc giết mổ chó còn giúp hạn chế nguồn lây bệnh. Chưa kể nếu so sánh với các loại thịt động vật khác, chưa có công trình khoa học nào chứng minh thịt chó dễ lây lan dịch bệnh hơn thịt lợn, gà, bò khi những động vật khác cũng mang các loại bệnh nguy hiểm không kém.
Mặt khác, dường như cũng không thuyết phục để khẳng định một loại vật nuôi nào đó được chăn nuôi, giết mổ, lưu thông và chế biến một cách khoa học, hợp vệ sinh trước khi được đưa lên bàn ăn lại khiến một ai đó trở nên kém văn minh, thiếu nhận thức. Ngay cả Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á, thành viên của Liên minh bảo vệ chó Châu Á – PGS TS Tuấn Bendixsen cũng khẳng định: không kỳ thị những người ăn thịt chó và đó là lựa chọn của mỗi người.
Bên cạnh đó, có vẻ như đã có sự nhầm lẫn giữa việc giết mổ, phân phối, lưu thông thịt chó với việc sử dụng thịt chó. Cũng sẽ là phản cảm, sẽ là ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại, nếu cả những con lợn, con bò cũng bị giết mổ, vận chuyển cả con và bày bán ở nơi công cộng.
Quan trọng hơn, việc cấm bán thịt chó tại các quận nội thành phải đặt trong tổng thể các quy định của pháp luật. Hiện Luật Đầu tư và các quy định pháp luật không đưa việc kinh doanh thịt cho vào diện các ngành nghề bị cấm, cũng không đặt riêng việc kinh doanh thịt chó là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thiết nghĩ, để làm Thủ đô đẹp hơn trong mắt du khách, còn rất nhiều việc phải làm khác như dẹp bỏ taxi dù chèn ép khách nước ngoài, là nạn đeo bám khách, nạn chặt chém tại những điểm du lịch, nạn xả rác bừa bãi... Và nếu có đề cập đến món ăn, thì cũng nên tập trung chấn chỉnh việc giết mổ, lưu thông, phân phối, bày bán, sử dụng cho phù hợp với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp quy định của pháp luật.
Quang Lê